Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Xanh thắm Pu đên

Những ngày này, sau cơn mưa rào đầu mùa, giữa không gian thanh khiết khuôn viên di tích lịch sử Đền Chọong (xã Châu Lý, Quỳ Hợp) bắt gặp nhiều lắm những chồi non xiu xíu nhú mình trên những thân cây mới trồng, khai mở hành trình vươn toả cho xanh thắm một cõi non thiêng Pu Đên, Đền Chọong...
Hẳn nhiều người đã biết, tổng kinh phí đầu tư phục dựng, tôn tạo di tích lịch sử Đền Chọong tính đến thời điểm hiện nay đã xấp xỉ gần mười tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn xã hội hoá. Một thượng điện uy nghi trầm mặc khói hương đã được phục dựng nghiêm cẩn đúng cao độ, toạ độ, vị trí từng chân cột mà Thượng điện cũ năm xưa toạ lạc. Những voi đá, rồng đá, trụ đá... tạc nên từ bàn tay tài hoa của nghệ nhân đến từ làng đá mỹ nghệ Non nước (Đà Nẵng), đất kinh kỳ xứ Huế, và cả những thợ trẻ của “thủ phủ” đá trắng Quỳ Hợp đang dần làm chủ công nghệ chế tác đá cùng chung tay, góp sức.
 
 xanh tham pu den
Khuôn viên di tích ngày mới động thổ.
 
Nhưng ít ai biết, cùng những công trình đó, còn có một “công trình” khác được thực hiện xuyên suốt từ ngày động thổ khởi công tôn tạo di tích Đền Chọong- ngày  08/01/2014 đến nay, đó là trồng và chăm sóc cây xanh.
 
Ngay từ ngày đầu tiên bắt tay vào khảo sát, quy hoạch xây dựng, anh Nguyễn Giang Hoài- Trưởng ban vận động đóng góp tôn tạo và phục dựng Đền Chọong cùng các thành viên đã hạ quyết tâm phải trả lại màu xanh cho Pu Đên. Để quần thể di tích lịch sử Đền Chọong cùng với những giá trị văn hoá lịch sử, văn hoá tâm linh...còn có một giá trị khác cùng song hành đó là giáo dục tình yêu thiên nhiên, chung tay trồng và bảo vệ rừng.
 
xanh tham pu den 1
Cây Sanh của đồng chí Hồ Đức Phớc- Uỷ viên BCHTW đảng, Bí thư tỉnh uỷ trồng lưu niệm tại Đền Chọong.
 
Tổng diện tích quy hoạch giai đoạn I của khuôn viên di tích Đền Chọong là gần 10ha. Cần phải nói thêm rằng, trải thăng trầm thời gian, trước khi động thổ xây dựng 10ha khuôn viên thuộc diện quy hoạch chủ yếu là diện tích cây mía, cỏ dại, một ít keo lai bốn năm tuổi của các hộ gia đình ông Vi Văn Ngọc, ông Vi Văn Chuyền, ở Bản Chọong, xã Châu Lý (Quỳ Hợp) trồng trên sườn núi Pu Đên. Chỉ có diện tích nhỏ gần nền đất Thượng điện là còn có một số cây lâu năm còn lưu lại. Trồng cây gì vừa phù hợp đất đai thổ nhưỡng, vừa phù hợp quy hoạch, phù hợp đặc thù của khuôn viên di tích tâm linh mang tầm thế kỷ là điều được mọi người đặc biệt quan tâm.
 
Sau khi bàn bạc thấu đáo, anh em thống nhất, một số cây bồ đề, lộc vừng, cây thị, ngọc lan...sẽ được trồng ở mặt bằng trên cùng gần Thượng điện, mặt bằng tầng giữa, lưng chừng triền núi Pu Đên sẽ trồng đa lá đỏ, đào tiên, một số cây thân thấp, sao cho khi đứng từ trục đường Quốc lộ 48c nhìn vào, những tán cây không che khuất cảnh quan Thượng điện. Còn nữa hai bên đường vào đền sẽ trồng bằng lăng, cách quảng sẽ trồng những cây đa đại thụ, hai bên bậc dẫn lên đền sẽ trồng cây đại, cây cọ... Bao phủ sườn núi Pu Đên trồng cây bản địa như dổi, chò, lim, hoàng linh, sấu, trường mật...để tương lai Pu Đên như vườn bách thảo, bảo tồn những giống cây quý của rừng mà theo thời gian đang vắng dần trên địa bàn miền núi.
 
 xanh tham pu den 2
Đồng chí Võ Thị Minh Sinh- Uỷ viên BCH tỉnh uỷ, Bí thư huyện uỷ trồng cây lưu niệm tại khuôn viên di tích.
 
Còn nhớ tại Lễ phát động Tết trồng cây Xuân Giáp Ngọ năm 2014, các nhà hảo tâm, các doanh nhân cùng bà con khắp các bản trong vùng đã nô nức mang cây về trồng. Đủ chủng loại từ đa, thị, đến lát hoa, lộc vừng...đều góp mặt, cảm nhận như bà con gửi gắm cả tình cảm, ước vọng của mình vào đó. Những bản xa như Bản Bồn, Bản Bàng.. mang về những cây đa còn lúc lỉu những giò phong lan rừng quý hiếm. Bản Thắm- xứ sở của hạt dổi rừng thì mang về những cây dổi căng tràn sức sống, bản gần như Na Lạn, Bản Chọong lại góp vào những cây cảnh gia đình, những cây sanh rừng, đào lơ...
 
Hai năm trôi qua, đã có đến hàng mấy trăm cây được những tấm lòng thành kính muôn nơi mang về trồng trong khuôn viên Di tích. Có cây đường kính chỉ mươi centimet nhưng có nhiều cây lớn phải dùng cần cẩu siêu trường siêu trọng mới mang lên trồng được. Sau khi trồng là dằng dặc hành trình tưới nước, chăm sóc để cây quen dần với đất mới, để vượt qua nắng gió khắc nghiệt miền Tây xứ Nghệ. Người có của góp của, người có công góp công để cho non thiêng Pu Đên thêm xanh trong nồng ấm vẹn trọn nghĩa tình sau trước.
 
 xanh tham pu den 3
Cán bộ xã Châu Lý tham gia lao động tình nguyện tôn tạo cảnh quan di tích.
 
Anh Vi Văn Phố, người con dòng họ Vi ở bản Chọong, người được “nhờ” tưới cây hàng ngày bộc bạch với tôi rằng được cùng tham gia vào việc đền là vui rồi, chuyện phụ cấp, hỗ trợ không mấy bận tâm. Để đảm bảo nguồn nước tưới cho cây, ban vận động đã đầu tư xây dựng một hệ thống bơm nước từ suối Nậm Chọong. Chiều dài đường ống dẫn nước tưới đến chỗ cây xa nhất lên đến cỡ 500 mét. Những thời điểm hạn hán năm 2014, 2015 ngày nào cũng phải có người túc trực tưới nước cho cây, nhờ vậy mà những cây khó tính “kỵ” di dời như thị, khế, vú sữa...mới “trụ” lại được, đến nay đang hoà vào sắc xanh Pu Đên.
 
Nếu để ý, bạn sẽ thấy thoai thoải sườn núi Pu Đên hiện tại là thảm cỏ xanh mượt được cắt xén cẩn thận, xen lẫn vào đó là những khóm cây dẻ rừng. Đây là công sức của hàng trăm thanh niên huyện Quỳ Hợp trong năm 2014. Hưởng ứng lời đề nghị của Ban vận động tôn tạo và phục dựng đền Chọong, vào Tháng thanh niên năm 2014, huyện đoàn Quỳ Hợp đã đảm nhận hạng mục trồng cỏ chống sạt lở và trồng cây dẻ rừng đan xen trong triền núi Pu Đên. Các bạn trẻ đã nhiệt tình góp sức, hàng trăm mét vuông cỏ, hàng trăm khóm dẻ rừng đã được trồng. Chắc hẳn, những năm tới, mùa trổ hoa, những khóm dẻ rừng này sẽ góp hương thơm để một cõi non thiêng thêm phần kỳ thú.

Phía trước đền, nằm ngay trên trục hoàng đạo hướng chính Thượng điện là hồ bán nguyệt hoa súng ken dày khoe sắc. Khó có thể hình dung, chỗ hồ bán nguyệt hiện nay trước đây là nhấp nhô gò đất trơ cằn đá sỏi. Để kiến tạo hồ bán nguyệt, đã phải dùng máy múc đào sâu cỡ 5 mét tạo thành một cái hồ bán kính vòng cung 16 mét. Hàng trăm mét khối đá hộc, đá lát, hàng chục người thợ ròng rã hàng tháng trời ghép đá xây bờ hồ. Nhiều lắm những đất màu, bùn ao cũng đã được chuyển về đổ xuống làm nền để trồng hoa sen, hoa súng. Hoa súng mang về trồng trong hồ được lấy từ mạn đất Cừa (Tân Kỳ), cùng với đó là hệ thống bơm nước từ dòng Nậm Chọong về cung cấp nước hàng ngày.
 
Cây được trồng nhiều là vậy, nhưng hiện tại trong khuôn viên di tích lịch sử Đền Chọong không có cây nào khoác biển tên cây, tên người trồng, giống như biển “Cây...cung tiến” ta thường gặp đâu đó trong dặm dài xuôi ngược Bắc Nam. Âu cũng bởi lẽ có sự đồng cảm giữa ban vận động và người cung tiến, cho vẹn chữ thành tâm với chốn non thiêng.
 
Cõi non thiêng Pu Đên- đền Chọong đang ngày thêm thắm xanh, điều tâm niệm trả lại màu xanh cho Pu Đên đang trở thành hiện thực trong sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng các dân tộc anh em Miền tây xứ Nghệ và những ai nặng lòng với nguồn cội xa xưa nơi mảnh đất này.

Tác giả bài viết: Cao Duy Thái