Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Di sản địa chất Quảng Ngãi: 'Cảnh quan độc nhất vô nhị'

Các chuyên gia nhận định, trầm tích núi lửa đảo Lý Sơn và vùng biển Bình Châu có giá trị di sản địa chất độc đáo của thế giới, xứng tầm là công viên địa chất toàn cầu.


Sau thời gian dài khảo sát, nghiên cứu ở huyện đảo Lý Sơn và vùng ven biển Bình Châu, chiều 3/4, các chuyên gia trong nước và quốc tế bước đầu công bố, trầm tích núi lửa ở Quảng Ngãi là "di sản địa chất độc đáo, hiếm hoi của thế giới".
 

Chim hải âu về tổ bên vách đá trầm tích núi lửa hàng triệu năm ở hòn Đụn, xã đảo An Bình(huyện đảo Lý Sơn). Ảnh: M.Hoàng.


Tiến sĩ Nguyễn Hoàng, chuyên gia Viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Nhật Bản) cho biết, hoạt động núi lửa ở huyện đảo Lý Sơn xảy ra vào hai đợt chính, cách đây khoảng 10-11 triệu năm và gần nhất khoảng vài nghìn đến 1 triệu năm (trùng khớp thời gian với các hoạt động núi lửa tại khu vực ven biển xã Bình Châu và Ba Làng An).

Huyện đảo tiền tiêu Lý Sơn có địa hình núi lửa chiếm 70% diện tích. Nhiều di tích được tạo ra từ hoạt động phun trào dung nham của núi lửa như miệng núi lửa kép trên đỉnh núi Thới Lới, Giếng Tiền, Hang Câu, chùa Hang, chùa Đục, cổng tò vò trên bờ và dưới biển... Ngoài ra, vách đá trầm tích núi lửa kéo dài ở ven đảo Lý Sơn cũng như vùng ven biển xã Bình Châu (huyện Bình Sơn) có giá trị lớn để làm du lịch.

Theo TS Hoàng, môi trường phun trào núi lửa ở đảo Lý Sơn đa dạng gồm nước biển sâu, nông, trên cạn (lục địa). Mỗi đợt phun trào tạo thành các lớp dung nham có bề dày khác nhau, dấu tích miệng núi lửa vẫn còn nguyên vẹn.

"Đây có thể xem là viện bảo tàng tự nhiên về hoạt động núi lửa hiếm hoi thế giới, xứng đáng được công nhận là công viên địa chất toàn cầu", ông Hoàng khẳng định.

Còn Tiến sĩ Vũ Thế Long, chuyên gia nghiên cứu lĩnh vực môi trường sinh thái, cho hay đợt khảo sát di sản địa chất ở Quảng Ngãi lần này gồm có các chuyên gia địa chất Việt Nam và các nước Nhật Bản, Philippines, Malaysia. Chuyến đi nhằm thu thập thêm chứng cứ để khẳng định thêm giá trị khoa học di sản địa chất ở huyện đảo Lý Sơn và vùng ven biển Bình Châu.

 

Các chuyên gia trong nước, quốc tế khảo sát hòn Bàn Than- bãi đá trầm tích núi lửa độc đáo nằm cách cửa biển Sa Kỳ khoảng 4 hải lý về phía Đông. Ảnh: Minh Hoàng.


Khu vực này không chỉ có di sản địa chất độc đáo ở trên bờ, dưới biển mà còn có bãi biển hoang sơ, nhiều tàu cổ đắm gắn kết với di tích lịch sử văn hóa.

"Trầm tích núi lửa tạo nên nhiều cảnh quan kỳ thú độc nhất vô nhị. Quảng Ngãi đang đứng trước cơ hội phát triển loại hình du lịch biển đảo gắn với di sản địa chất độc đáo hiếm có ở Việt Nam", ông Long nói.

Trao đổi với Zing.vn, Giáo sư Nakada (Nhật Bản) - Phó chủ tịch Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu, chia sẻ các tiêu chí về di sản địa chất ở huyện đảo Lý Sơn và Bình Châu đã hội đủ điều kiện đa dạng về loại hình, đặc biệt hiếm có.

Riêng các tiêu chí như đa dạng sinh học, di tích lịch sử văn hóa, môi trường, cộng đồng cư dân sinh sống xung quanh, các chuyên gia cần tiếp tục giúp địa phương bổ sung, hoàn thiện hồ sơ để sớm trình UNESSCO công nhận vùng đảo Lý Sơn - Bình Châu là công viên địa chất toàn cầu.

Trầm tích núi lửa tạo cảnh quan kỳ thú ở vùng ven biển Ba Làng An, xã Bình Châu(huyện Bình Sơn). Ảnh: M.Hoàng.


Làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi chiều 3/4, các chuyên gia trong nước, quốc tế đề xuất địa phương cần có giải pháp bảo tồn cấp bách để tránh gây phá vỡ di sản địa chất ở huyện đảo Lý Sơn và Bình Châu.

Thời gian tới, các chuyên gia tiếp tục giúp đỡ Quảng Ngãi hoàn chỉnh hồ sơ di tích tàu cổ đắm ở vùng biển Bình Châu, trình Bộ VHTT-DL xếp hạng di tích cấp quốc gia, đồng thời lập hồ sơ để được công nhận là công viên địa chất toàn cầu.

Tác giả bài viết: Minh Hoàng