Bảo tàng Nghệ An vắng khách tham quan?
- 14:05 31-03-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bên đường Đào Tấn, trung tâm TP.Vinh (Nghệ An) hiện diện Bảo tàng Nghệ An khá bề thế giữa khuôn viên rộng 13.000 m2. Nhưng những ai quan tâm đến sự hiện diện này mới thấm nỗi cô lẻ của một bảo tàng thuộc loại tầm cỡ của các tỉnh và trong vùng. Bởi trong nhiều năm liền bảo tàng này không hoạt động. Vì sao?
Bảo tàng Nghệ An vắng lặng
Lúm nhúm dự án cũ.
Có hai dự án xây dựng Bảo tàng Nghệ An. Dự án 1, xây dựng “phần vỏ” (nhà Bảo tàng). Dự án này khởi động năm 1999 nhưng mãi tới đầu 2005 mới xong. Lí do, kinh phí đầu tư gần 13 tỉ đồng cứ “rót” mỗi năm một ít. Cuối cùng thì dự án 1 cũng đã kết thúc để chuyển sang dự án xây dựng nội, ngoại thất, gọi là dự án 2. Dự án này được UBND tỉnh phê duyệt và chỉ định thầu nhưng do làm ăn lúm nhúm nên đến nay Bảo tàng Nghệ An mới chỉ có phần vỏ.
Trong lúc đó phần vỏ có nhiều vị trí chồng chéo so với phần nội thất. Ví như, hệ thống điện chiếu sáng hiện có không phù hợp với các gian phòng nội thất. Các gian phòng nội thất đòi hỏi phải đạt mục đích chiếu sáng cục bộ nhằm tôn vinh ý nghĩa từng hiện vật lịch sử được trưng bày. Tiếp đến, thiếu hệ thống chống ẩm và quạt thông gió; chỉ có một lối cầu thang lên, không có cầu thang xuống theo lối khác; không có cầu thang giành riêng cho người khuyết tật. Sự khiếm khuyết này của một Bảo tàng cấp hai sẽ không phù hợp khách tham quan trong và ngoài nước.
Những chiếc rìu bằng đồng và những chiếc trống đồng thời kỳ văn hoá Đông Sơn bị cất trong kho vì không có chỗ trưng bày.
Riêng khu vực ngoại thất (sẽ xuất hiện ngoài trời một số kiểu nhà sàn truyền thống của người Thái và người Mông cùng với các vật thể khối lớn thuộc về chiến tranh như máy bay, pháo cao xạ…) cũng phải dừng lại một thời gian dài bởi mặc dù “phần vỏ” đã khánh thành năm 2005 nhưng chưa có quyết định quyền sử dụng đất. Lí do cuối cùng là toàn bộ ê kíp làm dự án này thuộc Công ty Mỹ thuật trung ương do bà Võ Thị Hồng làm giám đốc. Khi bà Hồng rơi vào vòng lao lí thì ê kíp này lần lượt giải tán. Ông Kiếm nhớ lại: “Do cả hai dự án phải làm nhanh để phục vụ kỉ niệm 915 năm danh xưng Nghệ An và năm du lịch Nghệ An (tổ chức năm 2005) nhưng do quá nhiều trục trặc về quy trình nêu trên nên không thể làm được. Đây là chuyện buồn do quá khứ để lại”.
Khó khăn dự án mới.
Để có dự án mới, UBND tỉnh và các cơ quan liên quan yêu cầu Bảo tàng phải có quyết định quyền sử dụng đất. Công việc này chiếm trọn cả năm 2006. Một năm sau, Bảo tàng trình các cơ quan chức năng quy hoạch tổng thể và chi tiết mới có cơ sở xin đầu tư xây dựng trước khi thiết lập dự án. Ngày 18-6-2010 UBND tỉnh đã phê duyệt dự án mới với tổng kinh phí 44 tỉ 200 triệu đồng. Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch đồng ý phương án triển khai dự án này.
Những hiện vật tại bảo tàng.
Ông Kiếm cho biết: “Dự án 2 khởi công vào đầu năm 2011, dự kiến năm 2014 hoàn thành. Chuyện đau đầu nhất của dự án mới là phải chi hàng trăm triệu đồng để phá dỡ những chỗ không hợp lí của dự án 1 thì mới có thể xây dựng các gian phòng nội thất để trưng bày hiện vật. Nhưng đến tháng 6-2013 Sở Văn hóa-Thể thao&Du lịch thành lập Ban quản lý xây dựng các dự án và ra quyết định thu hồi dự án của Bảo tàng Nghệ An giao cho Ban quản lý này thực hiện. Từ đó đến nay dự án bị tắc tị”.
Ông Kiếm dẫn tôi đi thăm kho đang lưu giữ trên 25.000 đơn vị hiện vật. Chỉ tay vào các rìu đá và chiếc trống đồng Văn hoá Đông Sơn mới tìm thấy còn vương bụi đất, ông giải thích: “Trong số hiện vật này có nhiều di chỉ khảo cổ học phản ánh từ thời đại đồ đá ở hang Thẩm Ồm (huyện Quỳ Châu) đến đồ đồng ở Làng Vạc (huyện Nghĩa Đàn). Hàng loạt trống đồng thuộc Văn hoá Đông Sơn ở đây tương đương với thời đại Vua Hùng. Chỉ tiếc, nhiều năm nay người dân thiệt thòi vì không được hưởng thụ vẻ đẹp và ý nghĩa các giá trị di sản”.
“Cuối năm 2015, do áp lực từ nhiều phản ánh về thực trạng Bảo tàng Nghệ An không hoạt động được, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp gồm các sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Văn hóa – Thể thao &Du lịch để tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc nhưng đến nay dự án 2 vẫn nằm im tại chỗ vì không có vốn. Dự án không được triển khai thì Bảo tàng vắng khách đến tham quan. Việc bảo vệ và phát huy giá trị hơn 25.000 hiện vật không được phát huy”,ông Kiếm nói.
Tác giả bài viết: Vũ Toàn