Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Chỉ du lịch Huế một ngày?

Du lịch Huế trong vài năm gần đây phát triển ì ạch và giảm sút, tụt hậu, trong khi một số địa phương lân cận phát triển mạnh.

Những người đạp xích lô tranh giành khách lộn xộn trước cổng Hiển Nhơn (Đại Nội) - TP Huế - Ảnh: Ngọc Dương


Các hãng lữ hành và doanh nghiệp du lịch chê ròng rã môi trường và cách quản lý du lịch của Huế. Ngay cả người đứng đầu ngành du lịch tỉnh cũng thừa nhận nhiều yếu kém...

Mười năm... vẫn thế

“Du lịch Huế đang ở tốp dưới của miền Trung, khách đến miền Trung chỉ chọn chỗ khác tốt hơn Huế...” - ông Đinh Mạnh Thắng, chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên - Huế, đã khẳng định như vậy khi trao đổi về hiện trạng ngành du lịch Huế những năm gần đây.

Theo ông Thắng, khoảng 10 năm qua, du lịch Huế không có gì mới nên không phát huy được lợi thế tiềm năng vốn có. Trong khi đó, ngành du lịch vẫn không tìm hiểu, điều tra thị hiếu của khách khi đến Huế xem họ thiếu cái gì, cái gì làm cho họ chán để quyết định không chọn Huế mà chọn nơi khác...

Trước đó, tại một cuộc họp HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế, đại biểu Trần Duy Tuyến cũng đã lên tiếng chất vấn về thực trạng khách quốc tế đến Huế đang có xu hướng giảm. Trong năm 2015 Huế đón hơn 3,2 triệu lượt khách, giảm gần 4%. Tuy vậy, số lượt khách lưu trú chỉ đạt 1,8 triệu, một con số được xem là bất thường so với trước đây...

Trong khi đó, cũng trong năm qua, Đà Nẵng đón 4,6 triệu lượt khách, tăng 20,5%, trong đó khách quốc tế ước đạt 1,25 triệu lượt, tăng đến 30,8%. Các tỉnh Quảng Bình và Quảng Nam, kể cả tỉnh Quảng Trị tất cả các số liệu đều tăng cao.

Nhiều doanh nghiệp cho biết cảm thấy nóng ruột trước sự ì ạch của du lịch Huế. Theo ông Nguyễn Hàng Quý - giám đốc Công ty HG (Huế), nhiều đoàn khách đến Huế ở đến đêm thứ hai đã phàn nàn rằng du lịch Huế quá chán, các điểm di tích chỉ nửa ngày là xong, đòi đi shopping nhưng doanh nghiệp “nát óc” suy nghĩ cũng không tìm được điểm đáp ứng nhu cầu du khách.

“Huế chủ yếu vẫn là du lịch di sản, chỉ bán vé và thu tiền khách sạn, khách ở ngắn ngày, chi ít tiền và thường đến một lần không quay lại. Trong khi đó với du lịch nghỉ dưỡng, khách ở lâu, chi tiền phòng và dịch vụ nhiều, nhưng loại hình này lại là điểm yếu của Huế, dù có rất nhiều tiềm năng...” - ông Quý nhận định.

Đại diện một hãng lữ hành lớn cho biết 10 năm trước, khách quốc tế đến miền Trung 3 đêm thì ở Huế 2 đêm, Hội An 1 đêm nhưng nay ngược lại, Hội An 2 đêm và Huế 1 đêm. Thậm chí nhiều đoàn từ Đà Nẵng ra Huế tham quan về trong ngày.

Đưa cho chúng tôi những tờ phiếu ghi nhận xét của khách nước ngoài, một doanh nghiệp du lịch đặt văn phòng tại Huế cho biết hầu hết du khách đều đánh giá rất thấp môi trường và dịch vụ du lịch ở Huế, trong khi luôn đánh giá cao mục tương tự ở Hội An.

Theo một vị lãnh đạo của hiệp hội du lịch, trong số hơn 70.000 khách du lịch bằng tàu biển cập cảng Chân Mây (Thừa Thiên - Huế), chỉ chừng 10% chọn Huế. Số còn lại vào Hội An, Đà Nẵng và Mỹ Sơn...

Vị này cũng chỉ ra hàng loạt điểm yếu của du lịch Huế: bỏ bê không chú ý đầu tư quá lâu, sản phẩm du lịch “mười năm vẫn cứ thế”, môi trường du lịch không cải thiện, giao thông không đồng bộ và không thuận lợi, kể cả giờ giấc của các chuyến bay.

“Sở VH-TT&DL của tỉnh chưa đủ tầm để quản lý ngành du lịch, trung tâm xúc tiến du lịch chưa đủ tầm để quảng bá, hạ tầng chưa ổn, dịch vụ ở các di tích cũng kém và hơn hết là chính sách kêu gọi đầu tư của Huế chưa tốt!” - vị này nhận xét.

Thừa tiềm năng, thiếu nhiệt huyết

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Xuân Phương, giám đốc Công ty CP du lịch DMZ, cho rằng du lịch Huế đi trước tất cả tỉnh thành miền Trung, nhưng do chủ quan nên đang quá tụt hậu, bức tranh tổng thể du lịch quá kém, môi trường du lịch bất ổn, cạnh tranh không lành mạnh...

“Tiềm năng du lịch của Huế khỏi phải bàn. Nhưng cơ quan quản lý đừng nói đến tiềm năng nữa mà hãy nhìn thẳng vào sự thật, nhìn vào sự tụt hậu để bàn giải pháp” - ông Phương nói.

Theo ông Phương, UBND tỉnh cần thành lập ban cố vấn gồm các chuyên gia giỏi, đại diện doanh nghiệp có tâm huyết cùng với quản lý ngành để tham mưu, tìm giải pháp, định hướng phát triển cho du lịch Huế.

“Nhưng phải thực tâm và quyết liệt hành động, bởi đã từng nhiều lần tổ chức để các doanh nghiệp góp ý, đóng góp nhiều ý kiến nhưng không thấy điều chỉnh và tuyệt nhiên không có phản hồi để thay đổi cái gì hết” - ông Phương cho biết.

Trong khi đó, bà Dương Thị Công Lý, trưởng đại diện Công ty du lịch VN - Hà Nội tại Huế, cho rằng công tác xúc tiến du lịch của Huế không hiệu quả, do chọn thị trường chưa phù hợp.

“Điều quan trọng là Huế phải xác định tương lai đối tượng khách là gì, rồi thiết lập những sản phẩm đặc thù, không đụng hàng với các nơi khác mà Huế vốn có thế mạnh. Như thế có thể sẽ “kén” khách hơn, nhưng sẽ bền vững hơn, thay vì quá chú trọng đến khách Á Đông” - bà Lý nói.

Ông Phan Tiến Dũng, giám đốc Sở VH-TT&DL Thừa Thiên - Huế, thừa nhận nhiều “căn bệnh” trầm kha của du lịch Huế. Đó là các điểm tham quan thiếu dịch vụ, các cơ quan và địa phương thiếu quyết liệt và đồng bộ, người Huế chưa chịu khó và mạnh dạn làm ăn, doanh nghiệp du lịch “èo uột” nhưng không mạnh dạn đầu tư, sản phẩm du lịch thì thiếu và yếu.

“Không thiếu quy hoạch, nghị quyết và chỉ thị về phát triển du lịch. Vấn đề là các ngành làm việc chưa đồng bộ, doanh nghiệp chưa hết lòng xây dựng sản phẩm, người dân thì thiếu quyết liệt trong làm du lịch!” - ông Dũng nói.

Ông Nguyễn Văn Cao, chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho rằng sự đổi mới của ngành du lịch Huế cũng chậm và nhiều điều kiện khác không thuận lợi, nhất là thời tiết và giao thông.

Theo ông Cao, “đặc thù” của các doanh nghiệp du lịch Huế là “lừng khừng, không mạnh dạn và không liên kết được với nhau”, địa phương lại thiếu nhân lực bậc cao về quản lý du lịch, trong đó quản lý nhà nước về du lịch cũng đang yếu.

“Địa phương sẽ xin Chính phủ cho phép thành lập sở du lịch để quản lý ngành mũi nhọn này tốt hơn...” - ông Cao cho biết.

 

* Ông Takashi Kondo (du khách Nhật Bản):

Nhiều cảnh đẹp nhưng thiếu tour tuyến

Tôi thấy những làng quê ven Huế, nhất là ở hạ nguồn sông Hương, rất gần thành phố và rất hấp dẫn, rất tuyệt nhưng không hiểu vì sao lại ít được mở rộng du lịch đến đó.

Ngoài ra, Huế có rất nhiều con sông, những ngôi làng êm ả, yên bình và xanh ngút hai bên... Vậy mà gần như không có tour tuyến cố định nào liên quan đến khai thác những tuyến đường sông, trừ việc đi thăm chùa Thiên Mụ và các lăng. Mà thuyền rồng của Huế ồn quá, đi xa rất mệt.

* Ông Risto Honkanen (du khách Phần Lan):

Dịch vụ du lịch Huế quá nghèo nàn

Thành phố Huế của bạn rất đẹp. Ẩm thực tuyệt vời. Nhưng nhiều chỗ còn nhếch nhác và tối mù, thiếu thông tin và tuyến điểm khám phá. Riêng thành quách cung điện Huế rất đẹp, nếu chiếu sáng ban đêm và mở cửa bán vé có phải tốt hơn không?

Sản phẩm du lịch Huế quá nghèo nàn. Đi vài chỗ là hết, không có việc gì để chơi, để trải nghiệm và để tiêu tốn thời gian. Dịch vụ về đêm gần như không có gì, chẳng biết đi chơi đâu cho hết thời gian cả.

Tuy nhiên, điều mà nhiều du khách như tôi bực mình nhất là giá cả dịch vụ ở đây không được kiểm soát tốt nên mỗi nơi mỗi giá, dịch vụ giống nhau nhưng giá cả chênh lệch rất lớn..., rất cần được chấn chỉnh.

Tác giả bài viết: Thái Lộc