Ngày hội văn hóa truyền thống dân tộc Cơ Tu ở Đà Nẵng
- 14:02 24-03-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đây là một trong những hoạt động văn hóa - du lịch nổi bật trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 41 năm Ngày Giải phóng TP Đà Nẵng (29/3/1975 - 29/3/2016)
Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức giới thiệu văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu vào ngày 29/3 tới
Trong Ngày hội giới thiệu văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu ở Bảo tàng Đà Nẵng, người dân và du khách có thể thưởng lãm các hình ảnh, hiện vật giới thiệu về văn hóa ẩm thực, trang phục, lễ hội, sinh hoạt đời thường của đồng bào dân tộc Cơ Tu với chủ đề “Văn hóa dân tộc Cơ Tu - Nơi lưu giữ bản sắc văn hóa cộng đồng”.
Các nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Cơ Tu như nghề dệt thổ cẩm, nghề đan mây tre, nghề điêu khắc gỗ... cũng được các nghệ nhân bản xứ trình diễn trong Ngày hội để người dân và du khách cùng xem và trải nghiệm.
Đồng bào Cơ Tu được biết đến là một bộ phận trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Người Cơ tu sinh sống tập trung ở vùng núi phía Tây tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng, một số ít sinh sống ở vùng Tây Trường Sơn thuộc nước bạn Lào. Xét về địa bàn cư trú, người Cơ tu chia thành hai nhóm: Nhóm người Cơ tu ở vùng cao và người Cơ tu sinh sống ở vùng thấp.
Đồng bào Cơ tu ở thành phố Đà Nẵng hiện nay thuộc nhóm Cơ tu vùng thấp, sinh sống tại hai xã Hòa Phú và Hòa Bắc, huyện Hòa Vang. Cộng đồng người Cơ tu đã sáng tạo và bảo tồn những giá trị văn hóa độc đáo, riêng có của dân tộc mình về mặt trang phục, âm nhạc, lễ hội, phong tục tập quán. Những nét văn hóa ấy đã góp phần tạo nên sự đa dạng cho nền văn hóa Việt Nam.
Tác giả bài viết: Khánh Hiền