Quảng bá du lịch bằng ẩm thực: Việt Nam lại chậm chân
- 09:05 23-03-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Mặc dù đã bàn “chán chê” nhưng nhiều năm qua, ngành du lịch Việt Nam vẫn chưa giải được bài toán thương hiệu. Trong khi đó các quốc gia láng giềng, điển hình là Thái Lan đã đầu tư rất mạnh vào việc khuếch trương hình ảnh đất nước. Chiến dịch quảng bá du lịch với trọng tâm là ẩm thực của Thái Lan mới đây là một bài học lớn cho chúng ta.
Ẩm thực Việt Nam đa dạng, hấp dẫn vào bậc nhất thế giới
Người Thái đã đón đầu?
“Gần đây trong một chuyến công tác Bangkok, Thái Lan, tôi bỗng giật mình khi nhìn thấy khẩu hiệu ở sân bay: “Thailand: Kitchen of the World” nghĩa là Thái Lan: Bếp ăn của thế giới” - ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết.
Không chỉ riêng ông Vũ Tiến Lộc, nhiều người cũng bất ngờ với thông tin này, bởi đây là gợi ý của Phillip Kotler, cha đẻ ngành marketing hiện đại dành cho Việt Nam. Trong khi đến thời điểm hiện tại, chúng ta chưa làm gì để hiện thực hóa ý tưởng của Phillip Kotler thì người Thái Lan đã và đang thực hiện điều này một cách bài bản.
Đây không phải lần đầu tiên Thái Lan đưa ra chiến dịch quảng bá du lịch với trọng tâm là ẩm thực. Bộ Thể thao và Du lịch Thái Lan mới đây đã xúc tiến chiến dịch “Pracharatch” kéo dài 3 tháng với danh sách khoảng 11 chiến lược “quick-win” (những việc cần làm ngay) để thúc đẩy sự phát triển ngành du lịch đất nước này. Một trong những biện pháp mà ngành du lịch Thái Lan hướng tới đó là tập trung quảng bá du lịch Thái Lan bằng ẩm thực.
Cụ thể, thay vì mong đợi con số 32 triệu du khách nước ngoài, Thái Lan sẽ hướng tới mục tiêu thu hút 120 triệu hành khách mua những sản phẩm đồ ăn và hoa quả Thái Lan khi quá cảnh qua các sân bay nước này.
Để hiện thực hóa chiến dịch đó, ngành du lịch Thái Lan đã làm việc với các hàng không lớn như Thai Airways, Bangkok Airways và Thai Smile Airways để cho phát những đoạn video về ẩm thực trên các chuyến bay. Tất nhiên không chỉ bằng hình ảnh, du khách còn được thưởng thức những món ăn từ các nữ tiếp viên xinh đẹp của xứ sở Chùa Vàng.
Cần biết rằng, ngành du lịch Thái Lan chưa bao giờ thiếu ý tưởng để thu hút du khách. Từ lâu nay, ngành ngoại giao nước này phối hợp với các cơ quan du lịch Thái Lan đều đặn tổ chức các Tuần lễ ẩm thực Thái ở nước ngoài. Những món ăn đặc sắc của người Thái như Pad Thai (mỳ Thái), Tom Yam Kung (súp tôm chua cay), Som Tam (salad Thái)… đã thành công trong việc lôi kéo lượng lớn du khách đến Thái Lan.
Văn phòng Ủy ban Quốc gia về văn hóa Thái Lan còn nhanh chóng điều tra và đưa ra danh sách 12 món ăn du khách không thể bỏ qua khi lần đầu đặt chân đến xứ sở Chùa Vàng. Khẩu hiệu “Thailand: Kitchen of the World” chỉ là một trong rất nhiều những ý tưởng khai thác du lịch từ ẩm thực mà ngành du lịch Thái Lan đã thực hiện, mở đường cho các sản phẩm mang thương hiệu “Thai brand” được du khách thế giới yêu thích.
Các nữ tiếp viên xinh đẹp giới thiệu các món ăn đặc trưng của Thái
Làm gì để không “đi sau”?
Việt Nam đang tiếp tục tụt hậu so với các nước trong khu vực, đó là điều không thể phủ nhận nhất là khi nhìn vào việc ngành du lịch nước nhà đã bỏ lỡ “cơ hội vàng” quảng bá ẩm thực vào tay người Thái, mặc dù chúng ta không hề thua kém họ nếu xét về sự giàu có của các món ăn truyền thống.
Cái thiếu của ngành du lịch Việt Nam là dù đã nhìn ra thế mạnh nhưng lại chưa quyết tâm xây dựng một chiến lược quảng bá xứng tầm. Nếu như Thái Lan có thể đưa ra danh sách “12 món ăn du khách không thể bỏ lỡ” thì Việt Nam chỉ quanh quẩn với… phở và nem rán trong khi chúng ta có một thực đơn đa dạng, hấp dẫn từ nem cuốn, bánh cuốn, bún chả, bánh xèo…
Dựa trên các món ăn đặc trưng đã nổi tiếng thế giới như dimsum, sushi hay kimchi… các cửa hàng Trung Quốc (Chinese Foods), Nhật Bản (Japanese Foods), Hàn Quốc (Korean Foods)… đang thâm nhập thị trường châu Âu, châu Mỹ và nghiễm nhiên trở thành một sự định vị cho du lịch. Trong khi đó, Việt Nam lại chưa có nổi một nhãn hiệu, hay một biểu tượng nào đủ ấn tượng để giới thiệu tinh hoa ẩm thực đến với thế giới.
Mới đây, đầu bếp danh tiếng và cũng được coi là “đại sứ ẩm thực” của Anh - Gary Rhodes đã đích thân đến Việt Nam để trổ tài nấu nướng và giới thiệu các món ăn đặc sắc của xứ sở sương mù. Khỏi phải nói, sự xuất hiện của một đầu bếp đã sở hữu tới 6 sao Michelin (tiêu chuẩn danh giá xếp hạng ẩm thực) và chuỗi nhà hàng đẳng cấp đã khiến cho người yêu thích ẩm thực thích thú như thế nào.
Trong khi chúng ta đang tranh cãi về việc có hay không một đại sứ du lịch thì vẫn chưa thấy ngành du lịch nhắc đến việc tìm một đại sứ về ẩm thực. Tại sao ư, hãy nhìn vào kinh nghiệm của người Thái.
Tác giả bài viết: Mai Anh