Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Chương trình 135 giai đoạn III: Cơ hội thúc đẩy phát triển KT-XH ở vùng khó

5 năm qua, cùng với việc triển khai thực hiện các chính sách, chương trình, dự án phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh, các ban, ngành và chính quyền địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình 135 giai đoạn 3; góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.

 

Cũng như nhiều hộ nghèo trong bản, từ năm 2011 đến năm 2015, Gia đình ông Quang Văn Xuân ở bản Yên Sơn, xã Tri Lễ huyện Quế Phong được chương trình 135 hỗ trợ cây giống, phân bón, dây thép, cột bê tông và hướng dẫn ký thuật để trồng cây chanh leo – một loại cây được khẳng định là phù hợp với thổ nhưỡng và mang lại giá trị kinh tế cao ở vùng biên giới nàyNhờ đó mà gia đình ông đã có cơ hội để thoát nghèo một cách bền vững trong năm nay chỉ với khoảng 1ha đất vườn đồi.

Ông Quang Văn Xuân nói: Gia đình ta được hỗ trợ tổng cộng 600 cây giống chanh leo cùng với phân bón, vật tư đầy đủ để trồng chanh leo nên mấy năm nay mỗi năm gia đình ta có thu nhập khoảng 150 triệu đồng. Sắp thoát nghèo rồi.

 

images1270264 Vuon chanh leo 135 1
Vườn chanh leo của gia đình ông Quang Văn Xuân được xây dựng và phát triển nhờ Chương trình 135 hỗ trợ cây giống, dây thép, cột bê tông, phân bón và hướng dẫn KHKT

 

Còn tại xóm Phong Quang xã Quế Sơn huyện Quế Phong, nhờ được chương trình 135 hỗ trợ 2 con bò/ hộ  mà cả 10 hộ nghèo trong xóm đều đã thoát nghèo bền vững.

Ông Hồ Hiền – Xóm trưởng xóm Phong Quang, xã Quế Sơn, huyện Quế Phong cho biết: Chương trình 135 đợt này hỗ trợ 2 con bò/hộ như thế này rất hiệu quả. Trước đây mỗi hộ chỉ được hỗ trợ 1 con bò, khó thoát nghèo lắm. Mà xó thoát nghèo cũng không bền vứng. Trong xóm có 10 hộ được hỗ trợ thì đến này đều đã thoát nghèo.

Giai đoạn 2011-2015, chương trình 135 đã hỗ trợ phát triển sản xuất  cho 107 xã khu vực 3, xã biên giới và xã an toàn khu và 184 thôn bản đặc biệt khó khăn thuộc 65 xã khu vực 1 và khu vực 2 với tổng vốn đầu tư gần 115 tỷ đồng, gần 20.000 hộ hưởng lợi. Chương trình đã hỗ trợ các con giống như bò, dê, lợn giống, gia cầm, các loại giống cây trồng như lúa, chanh leo, gấc cao sản, mía, chè, cao su…..; các loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp và tập huấn khoa học kỹ thuật. Nhờ đó, mà hầu hết các hộ gia đình được hỗ trợ đã thoát nghèo, nhiều hộ trở thành hộ khá và tiến tới làm giàu. Chương trình cũng đã hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng hơn 731 tỷ đồng; xây dựng mới hơn 1.000 công trình; duy tu, sửa chữa trên 300 công trình tại các xã, thôn, bản.

Anh Vi Văn Anh – Trưởng bản Na Xén, xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu cho biết thêm: Trước đây, dân bản chỉ sản xuất được 1 vụ/năm mà cũng không hiệu quả vì không có nước. Từ ngày được chương trình 135 hỗ trợ làm hệ thống kênh mương này, bà con làm được 2 vụ/ năm, hiệu quả lắm…

 

 

images1270265 Vuon chanh leo 135
Chương trình 135 hỗ trợ xây dựng hệ thống kênh mương ở bản Na Xén, xã Châu Hạnh huyện Quỳ Châu

Những mô hình, những công trình từ nguồn vốn hỗ trợ của chương trình 135 đa và đang góp phần không nhỏ trong việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các xã, bản đặc biệt khó khăn của vùng miền núi và dân tộc tỉnh Nghệ An. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 36,19% năm 2010 xuống còn 16,54% năm 2015; giảm bình quân gần 4%/năm. Kết thúc giai đoạn 3, toàn tỉnh đã có xã Thạch Giám huyện Tương Dương và 25 thôn bản hoàn thành mục tiêu chương trình.

Ông Vương Đình Lập – Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An nhấn mạnh: Để thực hiện tốt chương trình 135 giai đoạn 2016-2020, Ban Dân tộc đã tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền; Tiếp tục lồng ghép các chương trình, huy động các nguồn vốn đầu tư cho các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn; Tăng cường giám sát của HĐND, MTTQ, các cơ quan đoàn thể xã hội các cấp và cộng đồng; Cải tiến đầu tư và phối hợp với ngân hàng chính sách cho vay vốn ưu đãi để bà con phát triển, mở rộng sản xuất theo hướng hàng hóa; Đào tạo nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số.

Chương trình 135 là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, có tác động tích cực đến đời sống của đồng bào các dân tộc vùng miền núi khó khăn trong tỉnh. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng giai đoạn 2016 – 2020, Nhà nước vẫn tiếp tục hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất và nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất tinh thần cho đồng bào nghèo ở các xã, thôn, bản  đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh.

Tác giả bài viết: Lê Hằng