Nghệ An: Ngang nhiên đổ đất lấn dòng sông Lam
- 15:13 04-03-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thời điểm PV có mặt, dọc theo QL 7 đoạn qua bản Cửa Rào 2, xã Xá Lượng, những chiếc xe tải đang thi nhau đổ đất xuống dòng sông Lam. Việc này đã làm biến đổi dòng chảy tự nhiên của khúc sông, gây ra tình trang sạt lở đối với bản Thạch Dương bên kia bờ.
Đang san đất do những chiếc xe ben vừa đổ để lấn dòng sông Lam, chị Trần Thị Ngọc Quỳnh, trú tại bản Cửa Rào 2, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương cho biết: Gia đình tôi mới mua lô đất này năm 2007, đang đổ đất để chống sạt lở, mỗi xe đất có giá là 45.000 đồng, hiện gia đình đã đổ được hàng trăm xe xuống sông.
Cạnh đất của chị Quỳnh, các hộ như Trần Doãn Liên và một số hộ dân khác cũng đang đổ đất lấn sông để mở rộng diện tích, lý do được đưa ra là chống sạt lở. Theo quan sát, khoảng cách các hộ dân đổ đất lấn lòng sông khoảng 20 - 30 m.
Ngoài ra, đoạn qua thị trấn Hòa Bình, huyện Tương Dương do không đổ được đất rất nhiều hộ dân còn đổ cọc bê tông kiên cố lấn ra giữa dòng sông hàng chục mét để xây dựng nhà.
Theo tìm hiểu chúng tôi được biết, đoạn sông Lam qua địa phận huyện Tương Dương thuộc khu vực lòng hồ thủy điện Khe Bố. Sau khi thủy điện ngăn dòng tình trạng đổ đất bức tử dòng Lam ngày càng gia tăng. Do thấy một số hộ dân tự ý đổ đất không bị chính quyền địa phương xử lý nghiêm nên các hộ khác theo đó thi nhau bức tử dòng sông.
Theo quan sát, đất người dân lấy để đổ xuống dòng Lam là từ quả đồi nằm đối diện phía bên kia đường. Dù cách không xa trụ sở Ủy ban nhân dân xã Xá Lượng, nhưng các tài xế vẫn vô tư cho xe tải chở và đổ đất xuống sông mà không thấy sự có mặt của lực lượng chức năng.
Chiếc máy đào đang vô tư xẻ núi để lấy đất bán cho người dân.
Điều đáng nói, ngọn núi đang bị xẻ thịt để lấy đất có rất nhiều cây gỗ đinh hương có đường kính từ 40 - 50 cm đang được khoanh nuôi, bảo vệ đã bị máy đào quật ngã, rễ cây được xếp thành đống bên đường. Việc làm này gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sinh thái, gây ra tình trạng mất rừng và sạt lở núi khi tạo ra cách vách dựng đứng cạnh QL 7.
Những cây gỗ đinh hương có đường kính từ 40 - 50 cm bị trơ gốc do núi vừa bị xẻ thịt.
Theo một cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tương Dương cho biết, khu vực rừng đinh hương đó đã được giao cho người dân khoanh nuôi và bảo vệ, thuộc sự quản lý của chính quyền địa phương.
Khi nhận được phán ảnh, ông Kha Văn Ót, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tương Dương (Nghệ An) đề nghị PV liện hệ làm việc với chính quyền địa phương.
Trao đổi với Phóng viên Báo Người đưa tin, ông Lương Văn Phan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Xá Lượng, huyện Tương Dương cho biết: Chỗ lấy đất là của người dân, việc người dân tự ý đổ đất xuống sông trước đây chính quyền đã biết và tiến hành xử lý nhưng họ chưa chấp hành...
Tác giả bài viết: Xuân Chinh