Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Ngày Biên phòng toàn dân 3/3: Nhiệm vụ đầy thách thức của những người lính mang quân hàm xanh

Nhiều gia đình dân tộc Mông sống ở biên giới Nghệ An tin vào lời đồn đại, xúi giục của kẻ xấu đã bán toàn bộ tài sản, nhà cửa di cư trái phép sang Lào. Chỉ khi trải nghiệm thực tế cuộc sống chui lủi trên nước bạn, họ mới tìm cách hồi hương và thấm thía câu nói không đâu bằng quê hương mình.
Cung đường vào Đồn Biên phòng Nga Ngoi khó khăn, gian khổ mỗi khi mưa xuống.
Cung đường vào Đồn Biên phòng Nga Ngoi khó khăn, gian khổ mỗi khi mưa xuống.

 

Vì nhiều nguyên nhân khác nhau như phong tục tập quán, cuộc sống du canh du cư, bị kẻ xấu xúi giục… mà nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc Mông ở biên giới Nghệ An vẫn có ý định di cư trái phép sang Lào để sinh sống.

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, từ đầu năm 2015 đến nay, có 23 hộ 113 khẩu đồng bào dân tộc Mông chủ yếu ở địa bàn huyện Kỳ Sơn và Tương Dương đã di cư trái phép qua Lào sinh sống.

Cùng với con số trên, lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Nghệ An cũng đã kịp thời phát hiện, phối hợp với chính quyền địa phương vận động, ngăn chặn hàng trăm hộ gia đình khác có ý định di cư trái phép khỏi địa bàn.

Chiến sỹ quân hàm xanh khám bệnh cho người dân ở biên giới.
Chiến sỹ quân hàm xanh khám bệnh cho người dân ở biên giới.
 

Phần lớn những hộ gia đình ở địa bàn biên giới Nghệ An khi di cư trái phép sang Lào đều có chung hi vọng cuộc sống sẽ khấm khá hơn. Họ tin vào lời đồn thổi như ở nước bạn đất rộng, phì nhiêu, thoải mái canh tác. Thế nhưng chỉ những người đã từng trải nghiệm mới thấm thía điều này.

Cách đây 2 năm ông Già Chống Tểnh, 65 tuổi, ở bản Ca Dưới, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn đã bán toàn bộ tài sản, ruộng vườn cho người khác để di cư sang Lào với hi vọng xây dựng cuộc sống mới.

Thế nhưng khi sang đó, ông bị lực lượng chức năng nước bạn phát hiện, tiến hành các biện pháp buộc ông phải trở về quê hương.

“Hai năm trước già đã bán hết nhà cửa bí mật sang Lào để đoàn tụ với anh em dòng họ bởi có số đông anh em đã di cư sang Lào từ năm 1965. Thế nhưng sang bên kia không có giấy tờ gì hợp pháp, lực lượng chức năng nước bạn phạt cũng khổ lắm. Cuộc sống bên kia cũng vất vả lắm nên lại bàn các con trở lại quê hương, bây giờ về nhà làm ăn thôi không đi đâu nữa. Chẳng đâu bằng quê hương mình cả”, ông Tểnh nói.

Ở xã Na Ngoi nhiều người biết câu chuyện của Già Chống Pó, ông vốn là trưởng bản Ca Dưới. Không hiểu sao, năm 2014, Pó đóng kín cửa nhà, ruộng vườn cho người khác mượn, vượt biên sang Lào sinh sống.

Sau 6 tháng ở đất khách quê người, Pó gặp không ít khó khăn trong cuộc sống, số tiền mang theo đã hết, không có đất để sản xuất và bị lực lượng chức năng nước bạn đẩy đuổi, Pó đã xin trở về Việt Nam bằng con đường trao trả người di cư.

Trở về quê, Già Chống Pó đã chăm chỉ làm ăn, được sự định hướng, giúp đỡ của Đồn BP Na Ngoi đến nay cuộc sống của gia đình dần đi vào ổn định tại quê hương.

Cán bộ biên phòng tuyên truyền pháp luật cho bà con tại bản Huồi Sơn, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương.
Cán bộ biên phòng tuyên truyền pháp luật cho bà con tại bản Huồi Sơn, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương.

 

“Trước đây nghe họ thường nói đi Lào là sướng nhưng có đi mới biết, cuộc sống dân bạn cũng còn khó khăn lắm. Bà con đừng nghe những lời đồn thổi của kẻ khác, tập trung ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế gia đình, bản làng”, ông Pó chia sẻ.

Câu chuyện Già Chống Tểnh và Già Chống Pó trở về quê hương xây dựng cuộc sống là một tín hiệu vui. Tuy nhiên công tác chống di dịch cư trái phép ở biên giới Nghệ An vẫn đang là một thách thức của BĐBP Nghệ An cũng như các cấp chính quyền địa phương.

Trong thời gian qua, Bộ chỉ huy BĐBP Nghệ An đã tăng cường lực lượng thực hiện công tác vận động quần chúng. Tổ chức các chương trình tuyên truyền đặc biệt để nhân dân hiểu rõ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Triển khai có hiệu quả chủ trương tăng cường cán bộ biên phòng giữ chức danh bí thư, phó bí thư Đảng ủy các xã biên giới và cán bộ đảng viên chuyển sinh hoạt tạm thời ở các địa bàn xung yếu. Đảng viên biên phòng tại các sơ sở Đảng đang góp phần quan trọng trong việc kiện toàn, củng cố, xây dựng hệ thống chính trị địa phương.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP đang “vào vai” của những kỹ sư nông nghiệp…giúp dân phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo; vào vai công tác viên bảo tồn giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào. Đây chính là những biện pháp hữu hiệu nhất để đồng bào tin tưởng cùng BĐBP tích cực tham gia phong trào bảo vệ an ninh biên giới.

Cùng với việc triển khai biện pháp nâng cao đời sống vật chất, BĐBP Nghệ An cũng chú trọng chăm lo đời sống sức khoẻ, tinh thần cho đồng bào. Đơn vị đã xây dựng đ­ược 7 trạm xá quân dân y, tăng cường 35 y, bác sĩ BĐBP về các địa bàn vùng sâu, vùng xa; định kỳ phối hợp với ngành y tế địa ph­ương tổ chức khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho đồng bào nghèo khu vực biên giới, phòng chống các dịch bệnh có hiệu quả.

BĐBP cũng củng cố đội ngũ cán bộ cốt cán, già làng, trưởng bản nhằm tạo lòng tin của quần chúng nhân dân; kiên quyết không để các phần tử xấu kích động, xuyên tạc phá hoại, giúp bà con ổn định tư tưởng trong vùng đồng bào các dân tộc nói chung và đồng bào dân tộc Mông nói riêng ở khu vực biên giới.


Tác giả bài viết: Nguyễn Duy