Nghệ An hỗ trợ hơn 600 hộ dân sau đợt rét lịch sử
- 07:25 03-03-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Người nghèo mất trắng trong đợt rét kỷ lục
Đợt rét kỷ lục trong 40 năm qua trước dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số tại các địa bàn biên giới. Hàng ngàn con gia súc, gia cầm bị chết. Tài sản có trị giá nhất có được từ vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) bị thiệt hại khiến người dân rơi vào cảnh trắng tay.
Ông Và Tồng Sự, bản Huồi Mới 1, xã Tri Lễ (Quế Phong, Nghệ An) thuộc diện hộ nghèo, được vay vốn chính sách với số tiền 30 triệu đồng. Con trâu mới mua đầu năm 2015 với giá 25 triệu đang phát triển, dự kiến sang đầu năm 2016 sẽ sinh lứa đầu tiền. Đợt rét kỷ lục con trâu đã chết, gia đình ông hết sức lo lắng trước gánh nợ lớn của gia đình chưa biết sẽ ra sao.
“Con trâu mới mua về béo đẹp lắm, sang năm sinh con đầu tiên cũng có hơn 10 triệu có thể trả được phần nợ rồi. Rứa mà rét quá, trâu chết, gia đình thực không biết sẽ trả nợ bằng cách nào”.
Hay như trường hợp của gia đình bà Lò Thị Phòng (trú tại bản Lằm, xã Tri Lễ) chết một con trâu trị giá 20 triệu đồng từ tiền vay hộ nghèo; ông Lương Văn Thắng tại bản Cổ Hạ, xã Nhôn Mai (Tương Dương, Nghệ An) đợt rét vừa qua cũng chết một con trâu mới mua từ tiền vay CSXH hơn 28 triệu. Hộ ông Moong Văn Hóa, bản Na Lướt (xã Tam Hợp, Tương Dương) chết một con bò trị giá 26 triệu… Tài sản vay từ tiền hộ nghèo đã mất đi khiến họ từ nghèo trở nên nghèo hơn.
Ông Đặng Hoài Nam, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện Quế Phong cho biết, đợt rét kỉ lục năm ngoái đã làm ảnh hưởng lớn đến các xã như Tri Lễ, Quang Phong, Cắm Muộn, Nậm Nhóm…
“Ngay khi nhận được tin trâu bò chết rét, Ngân hàng đã báo cáo với ngân hàng tỉnh và chính quyền địa phương, phối hợp với huyện và các xã, các hội ủy thác, tổ vay vốn… để nắm bắt, thống kê đầy đủ nhất con số thiệt hại để lập hồ sơ tiến hành thủ tục trình cấp trên để khoanh nợ, xóa nợ cho bà con”, ông Nam cho hay.
Người dân sưởi ấm cho trâu bò hạn chế thiệt hại trong đợt rét kỷ lục
Người nghèo yên tâm phấn đấu thoát nghèo
Với chính sách hỗ trợ an sinh cho nhân dân gặp rủi ro do thiên tai của Ngân hàng CSXH, những hộ dân đang rơi vào cảnh hoang mang này đã hết sức phấn khởi. “Dù không được nuôi trâu bò nhưng cũng may là không phải trả lãi suất trong mấy năm đầu và cũng không phải trả tiền gốc ngay nên cũng yên tâm hơn. Tui sẽ đăng ký vay thêm tiền mua con trâu khác nuôi để làm ăn trả nợ…”, ông Lương Văn Thắng cho biết.
Theo thống kê của Ngân hàng CSXH Chi nhánh Nghệ An, tỉnh này có 13 huyện, thị xã bị ảnh hưởng bởi đợt rét đậm rét hại, với 1.442 hộ, trong đó có 689 hộ vay vốn CSXH với số tiền là 12.693 triệu đồng. Nặng nề nhất là huyện Quế Phong, 737 hộ bị thiệt hại, 737 con trâu bò chết, trong đó có 303 hộ vay vốn CSXH trên số tiền hơn 6 tỷ đồng; huyện Tương Dương có 202 hộ bị thiệt hại 333 con trâu bò, trong đó 172 hộ vay vốn CSXH với số tiền hơn 2,7 tỷ đồng; huyện Kỳ Sơn 183 hộ bị thiệt hại, 223 con trâu, bò chết, 123 hộ vay vốn CSXH với số tiền hơn 1,8 tỷ đồng…
Ông Nguyễn Văn Vinh, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH Chi nhánh Nghệ An cho biết, ngay sau khi đợt rét xảy ra, Ngân hàng đã cử các cán bộ trực tiếp nắm bắt thông tin, thống kê số thiệt hại của các hộ dân để sớm có chính sách hỗ trợ; thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, lập biên bản để báo cáo thiệt hại.
Ông Vinh cho biết thêm, không chỉ riêng năm 2015, các năm trước khi xảy ra thiên tai, Ngân hàng CSXH Nghệ An đều chủ động chỉ đạo ngân hàng các huyện theo dõi, thống kê báo cáo thiệt hại của các đối tượng vay vốn chính sách bị thiệt hại để tổ chức khoanh nợ, xóa nợ cho bà con. Kỳ họp HĐND tỉnh vừa qua cũng đã thống nhất việc sẽ bổ sung nguồn vốn để cho những hộ bị thiệt hại tiếp tục vay vốn sản xuất nếu họ có nhu cầu vay vốn.
Trước đó năm 2014, Ngân hàng CSXH Chi nhánh Nghệ An đã tiến hành khoanh nợ và xóa nợ cho 1.252 món nợ, tổng số tiền hơn 16,8 tỷ đồng, trong đó khoanh nợ cho 757 món nợ, số tiền hơn 11 tỷ đồng; xóa nợ cho 495 món nợ hơn 5,6 tỷ đồng.
Năm 2015, khoanh và xóa nợ cho 583 món nợ, tổng tiền là hơn 6,6 tỷ đồng, trong số đó khoanh nợ cho 311 món nợ với hơn 3,4 tỷ đồng, xóa nợ cho 272 món nợ với hơn 3,2 tỷ đồng… Với chính sách này, người nghèo, cận nghèo nói riêng và các đối tượng được vay vốn CSXH sẽ an tâm hơn để tiếp tục phấn đấu thoát nghèo trong thời gian tới.
Năm 2015, Ngân hàng CSXH Nghệ An đã cho vay 1.948 tỷ đồng, bằng 110% so với cùng kỳ năm trước, một số chương trình tín dụng có doanh số cho vay lớn như: hộ cận nghèo 589 tỷ đồng, hộ nghèo 557 tỷ đồng, hộ sản xuất kinh doanh 202 tỷ đồng… Doanh số thu nợ đạt 1.723 tỷ đồng, bằng 106% so với cùng kỳ năm trước. |
Tác giả bài viết: Ngô Toàn