Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


"Cha khánh kiệt rồi, sao con vẫn chưa tỉnh lại ?"

Nắm lấy đôi bàn tay đã bắt đầu co rút của con, ông Trí liên tục gọi nhưng đôi mắt đờ đẫn của Hiển không có biểu hiện nào là nhận biết được cha. Hết tiền chạy chữa, ông Trí đành đưa con từ Hà Nội về Vinh để mong con trai mình còn có ngày biết gọi cha.
Cậu thanh niên sống đời thực vật sau ca tai nạn hi hữu
 

Ông Đào Văn Trí (SN 1958, trú xóm 6, xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) lắc đầu khi đón chúng tôi ở cổng bệnh viện y học cổ truyền Nghệ An: “Hết tiền rồi, bác phải đưa thằng Hiển về đây điều trị thôi. 4 tháng nó nằm viện, chị gái phải nghỉ việc chăm nom, giờ phải quay lại làm việc. Bác thì già rồi, còn bà chị gái tật nguyền và vợ vừa đi viện về nữa. Ở Hà Nội chi phí điều trị, sinh hoạt đắt đỏ, bác không kham nổi mà thằng Hiển thì không biết bao giờ mới tỉnh dậy”.

Sau vụ tai nạn hi hữu, Đào Văn Hiển rơi vào tình trạng sống thực vật.
Sau vụ tai nạn hi hữu, Đào Văn Hiển rơi vào tình trạng sống thực vật.
 

Đào Văn Hiển là con trai út của ông Trí. Cách đây 4 tháng, Hiển đi xe máy ra Quốc lộ 7 mua dầu về chạy máy cày. Chiếc đèn pha của xe tải đi ngược chiều dọi thẳng vào mắt khiến Hiển loạng choạng tay lái, rơi xuống hố ga bên cạnh đường. Chẳng biết Hiển nằm dưới hố ga bao nhiêu lâu nhưng đến khi người ta phát hiện, đưa lên thì cậu thanh niên này đã rơi vào hôn mê.

Được chuyển xuống Bệnh viện Đa khoa Nghệ An, Hiển được xác định bị chấn thương sọ não, gãy 2 chân, gãy 5 dẻ sườn, rạn xương quai hàm, đa chấn thương toàn thân.

Vợ ốm yếu, con trai, con gái đi làm kiếm tiền chữa trị cho em, ông Trí một mình chăm con ở bệnh viện.
Vợ ốm yếu, con trai, con gái đi làm kiếm tiền chữa trị cho em, ông Trí một mình chăm con ở bệnh viện.
 

42 ngày cầm cự ở Bệnh viện tuyến tỉnh, Hiển may mắn giữ được mạng sống và chuyển ra Bệnh viện Việt Đức để đóng đinh 2 chân. 14 ngày sau Hiển lại chuyển về bệnh viện tỉnh để tiếp tục điều trị. “Gần 2 tháng trời nằm bất động, lưng của Hiển lở loét, bong từng mảng da lại phải ra Bệnh viện 103. Điều trị một thời gian, các vết thương liền miệng, Hiển bắt đầu mở mắt nhưng dường như chẳng nhận biết được những gì xảy ra xung quanh. Được một thời gian gia đình lại chuyển Hiển qua Bệnh viên Y học cổ truyền quân đội để phục hồi chức năng”, ông Trí cho biết.

Hiển ra Hà Nội, ông Trí ở nhà chăm người vợ ốm yếu vừa mới trải qua cuộc phẫu thuật cắt bỏ một phần dạ dày do bị hẹp môn vị cùng người chị gái bị ảnh hưởng trận bom lúc 4 tuổi, một bên chân cong như lưỡi liềm. Việc chăm sóc, chạy chữa cho Hiển đổ hết lên người chị gái, hiện đang làm việc ở một doanh nghiệp tư nhân ngoài Hà Nội. Khi vụ tai nạn xảy ra, công ty cho chị nghỉ việc không lương 4 tháng để chăm sóc em trai.

Từ một chàng trai khỏe mạnh, hiện giờ chân, tay của Hiển ngày càng teo tóp, co quắp lại...
Từ một chàng trai khỏe mạnh, hiện giờ chân, tay của Hiển ngày càng teo tóp, co quắp lại...
 

Hiển gặp nạn khi trong nhà không có lấy một đồng bạc, tấm sổ đỏ cũng đang cắm trong ngân hàng để vay vốn mua máy cày, chưa hoàn được đồng vốn nào. Mấy người con của ông Trí xúm lại, người giúp cha ít tiền chữa bệnh cho em, người cắm sổ đỏ vay ngân hàng chồng tiền cho em phẫu thuật. Nhìn gia cảnh của mình, ông Trí chẳng dám vay mượn thêm nhưng hàng xóm, anh em thương quá, mang tiền đến, bảo ông cứ cầm lấy, chạy chữa cho Hiển, trả nợ tính sau. Không tính số tiền các con vay mượn, gom góp thì số nợ ông Trí cần phải trả lên đến 200 triệu đồng.

Thương con nhưng do sức khỏe yếu sau đợt phẫu thuật cắt bỏ một phần dạ dày, bà Trần Thi Bàng không thể đến viện để chăm sóc con.
Thương con nhưng do sức khỏe yếu sau đợt phẫu thuật cắt bỏ một phần dạ dày, bà Trần Thi Bàng không thể đến viện để chăm sóc con.

“Giờ người ta mà đòi thì tôi cũng không biết lấy đâu ra tiền mà trả, nợ cũ, nợ mới lên đến nửa tỷ bạc rồi. Cứ tưởng vay mượn mua cái máy cày cho thằng Hiển làm ăn, ai ngờ giờ nó ra nông nỗi đó. Giờ chỉ có nước bán nhà, bán đất nhưng cái xứ khỉ ho cò gáy này bán cũng không ai mua. Tôi tính chịu lỗ, bán cái máy cày đi nhưng nghĩ tới nghĩ lui cuối cùng quyết định giữ lại để anh thằng Hiển về làm. Nó làm công nhân trong miền Nam, đợt này chắc cũng phải gọi về, cha trông em, nó phải chạy máy cày kiếm tiền chữa trị, rồi còn trả nợ nữa. Lúc mình khốn khó, người ta cho vay nhưng cũng phải cố gắng mà trả chứ, nợ mãi sao được?”, ông Trí rầu rĩ.

Chồng xuống viện chăm con, bà Bàng ở nhà chăm người chị gái bị tàn tật với một chân cong như lưỡi liềm.
Chồng xuống viện chăm con, bà Bàng ở nhà chăm người chị gái bị tàn tật với một chân cong như lưỡi liềm.
 

Hôm cuối tháng 2, ông Trí quyết định đưa Hiển từ Hà Nội về điều trị tại Bệnh viện y học cổ truyền Nghệ An. Hơn 20 tuổi, Hiếu cũng chỉ như đứa trẻ chưa qua cữ, chỉ nằm một chỗ, gọi không thưa, hỏi không nói, duy chỉ có đôi mắt lờ đờ chứng tỏ một sinh linh đang tồn tại. Thi thoảng, nước miếng cứ nhểu ra, ông Trí lật đật dùng khăn thấm cho con, miệng không ngừng gọi “Hiển ơi, Hiển ơi, có nghe cha nói không?”. Đáp lại tiếng của ông chỉ là những tiếng chạy ro ro của máy mà ống sond dẫn thức ăn vào dạ dày của Hiếu.

Hơn 4 tháng nằm một chỗ, chân tay Hiển bắt đầu teo tóp, co quắp. Theo sự hướng dẫn của bác sỹ, ông Trí hàng ngày cần mẫn ngồi xoa bóp tay, chân cho con. Cầm bàn tay co quắp, cứ chực oặt xuống của con, ánh mắt ông lóe chút hi vọng: “Mới tháng trước bàn tay nó cứng như khúc gỗ, giờ mềm đi một chút rồi, khéo mai mốt là dậy có thể lái máy cày được ấy chứ”.

Ông Trí chỉ biết nắm lấy vai con mà gọi tên, mong con một ngày nào đó có thể tỉnh lại.
Ông Trí chỉ biết nắm lấy vai con mà gọi tên, mong con một ngày nào đó có thể tỉnh lại.
 

Ông im lặng như đang tự nói chuyện với chính mình. Bất giác, ông nắm lấy vai con lắc lắc: “Dậy thôi con ơi. Bố khánh kiệt rồi mà sao vẫn chưa tỉnh lại con ơi…”. Đáp lại tiếng cầu khẩn của ông chỉ có tiếng ro ro của những thứ máy móc đang níu giữ sự sống cho con.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: Ông Đào Văn Trí – xóm 6, xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An ĐT: 0168. 39.69.713


Tác giả bài viết: Hoàng Lam