Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Khám phá những bí ẩn về suối cá thần ở Thanh Hóa

Không ai biết suối cá thần có từ khi nào, cá có nguồn gốc từ đâu và chúng sinh sống như thế nào, những truyền thuyết về loài cá có tồn tại trên thực tế hay không. Tất cả vẫn còn là một ẩn số.
Cách thành phố Thanh Hóa chừng 90km về hướng Tây Bắc, suối cá thần Cẩm Lương nằm nép mình dưới chân núi Trường Sinh thuộc bản Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa). Nhiều năm trước đây, muốn vào thăm suối cá vô cùng khó khăn bởi người dân phải vượt qua dòng sông Mã nước quanh năm chảy xiết.

Tuy nhiên, từ khi Nhà nước xây dựng cây cầu treo bắc ngang sông Mã thì việc khám phá suối cá thần trở nên dễ dàng hơn và từ đó thu hút ngày càng nhiều du khách đến chiêm ngưỡng đàn cá mang nhiều bí ẩn này.

Vào những ngày lễ, tết, lượng người đổ về đây càng đông hơn. Tất cả đều muốn được thỏa mãn lòng hiếu kì cũng như được tận mắt chiêm ngưỡng loài “cá thần” này.


Nhiều người quan niệm về thăm suối cá thần sẽ được may mắn và bình an.

Được biết, đàn cá ở suối cá thần này có hàng nghìn con. Mỗi con nặng từ 2 - 8kg, có cá chúa nặng tới 30kg, nhưng ít người được chứng kiến sự xuất hiện của nó. Một số loài cá đã được xác định như cá dốc, cá chài, cá mại, dù vậy người dân vẫn luôn xem chúng là “cá thần”.

Hình thù các loài cá này rất lạ, màu sắc phong phú như: màu đỏ, đen, xanh, hồng… Mỗi khi bơi, thân cá phát sáng nhiều màu, lấp lánh ánh bạc rất đẹp.

Vào mùa nước cạn, lòng suối Ngọc chỉ sâu khoảng 20cm đến 40cm, nước trong vắt, có thể đưa tay xuống nước vuốt ve những con cá. Đây là điều hấp dẫn nên đã thu hút hàng nghìn lượt du khách đến suối cá thần Cẩm Lương mỗi năm.

Tuy nhiên, về sự tích nguồn gốc loài “cá thần” này thì không ai rõ nhưng lại có nhiều truyền thuyết về nó.

Người dân bản Mường xưa nay vẫn truyền lại cho con cháu đời sau câu chuyện về nguồn gốc của loài cá bắt đầu từ một truyền thuyết về thần rắn: Thuở xưa, có vợ chồng tuổi đã cao vẫn chưa có con. Một hôm người vợ đi xúc cá vô tình xúc được một quả trứng lạ. Bà mang về, vợ chồng bàn nhau đem cho gà ấp thử. Một hôm thấy gà cục tác, bà ra xem thì thấy trứng nở được một con rắn. Hoảng quá hai vợ chồng mang rắn ra suối Ngọc để thả, kì lạ thay cứ thả thì tối lại thấy rắn về nhà. Như một cơ duyên, hai vợ chồng quyết định nuôi rắn.

Từ khi có rắn trong nhà, ruộng đồng có đủ nước cấy cày, cảnh hạn hán kéo dài trong vùng không còn. Rắn sống với gia đình và bản làng người Mường trong cảnh thanh bình, no ấm... Bỗng một đêm trời mưa to, sấm chớp ầm ầm, sáng ra dân làng thấy xác Rắn nằm chết dạt vào chân núi Trường Sinh. Biết ơn Rắn, dân làng chôn xác Rắn ngay dưới chân núi và lập đền thờ.

Sau đó, dân làng được thần linh báo mộng cho biết, Rắn đã có công đánh nhau với thủy quái về phá hoại bản làng và được Thượng đế phong thần hiệu "Tứ phủ Long Vương"... Cũng từ đó, tại suối Ngọc xuất hiện đàn cá cả ngàn con ngày đêm về chầu và người dân trong vùng gọi đó là “cá thần”, không ai dám ăn thịt hay làm hại đàn cá. Vì vậy cá ở đây rất dạn người.

Suối “cá thần” mang nhiều bí ẩn chờ được khám phá.

Bên cạnh những lí giải mang tính tâm linh về nguồn gốc của loài cá, cũng có những bậc cao niên trong vùng giải thích rằng, vào thế kỷ 19 có một trận lũ lịch sử đã đưa loài cá Dốc từ Sông Mã về sống tại suối Ngọc. Sau khi nước rút thì chúng bị kẹt lại, kèm theo gặp được dòng nước ấm thích hợp nên cá sinh sôi nảy nở nhiều.

Đến nay, chưa có nhà khoa học nào nghiên cứu chính xác về nguồn gốc của suối cá cũng như những hiện tượng về đàn cá. Cá ở suối rất nhiều, ước tính hàng nghìn con, không ai biết chắc làm sao chúng có thể sinh sôi, phát triển và khỏe mạnh trong khi thức ăn của chúng là những lá cây rụng hay một chút bỏng ngô, bim bim mà du khách thả xuống.

Đáy suối được thiên nhiên "lát" bằng lớp đá cuội sáng lấp lánh. Nước trong suối không bao giờ cạn, điều kỳ lạ là với hàng ngàn con cá sinh sống trong dòng suối chỉ dài chừng 150m nhưng nước suối quanh năm trong như ngọc, không hề có mùi tanh hay bị ô nhiễm, thậm chí nước suối còn rất ngọt và mát. Trước đây, người dân vẫn lấy nước này để sinh hoạt nhưng giờ họ đã tìm được nguồn nước khác.

Từ xưa tới nay, người dân bản địa vẫn luôn tin rằng, loài cá là thần hộ mệnh, là biểu tượng của thần linh bảo vệ và phù hộ cho cuộc sống của họ được bình an no ấm. Nếu ai dám ăn thịt hay làm hại đàn cá, người đó sẽ gặp báo ứng, nhẹ thì ốm đau, xui xẻo, nặng thì mất mạng.

Tuy nhiên, cụ Hồng Đức (85 tuổi), một cao niên trong vùng cho biết: “Nếu ăn thịt cá này mà chết thì tôi cũng không còn sống tới ngày hôm nay, chẳng qua thịt cá nhạt và bở, không ngon như những loài cá khác nên người dân không ăn”.

Chính những câu chuyện thần thoại đã khoác lên suối cá một vẻ đẹp bí ẩn và thu hút nhiều người về thăm tìm hiểu, mặt khác chính những điều bí hiểm ấy đã bảo vệ được đàn cá khỏi sự tàn phá của con người.

Hang động trong lòng núi với những hình thù mang vẻ đẹp nguyên sơ.

Ngoài suối cá, du khách đến đây còn được khám phá các hang động bên trong lòng núi, đó là động Đăng và động Tăng. Trong động có những khối thạch nhũ sáng lấp lánh từ vách động, vòm động rủ xuống, tạo nên những bức tranh tuyệt mỹ. Vào các ngày lễ tết, người dân địa phương và khách thập phương vẫn thường đến đây làm lễ cầu phúc.

Tác giả bài viết: Bình Nguyên