Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Khám phá vẻ đẹp núi Chiêu Lầu Thi

Dẫu biết rằng lên núi Chiêu Lầu Thi của miền đất “vỏ cây vàng” - Hoàng Su Phì mùa này là chênh vênh đèo dốc, là sương giăng kín lối, gió buốt cắt da; song đoàn chúng tôi vẫn hăm hở lên đường với bao tiếng cười và cả những tiếng xuýt xoa đan xen vì gió rét. Nếu có một lần đến Hoàng Su Phì, đừng quên ghé thăm núi Chiêu Lầu Thi – nơi được coi là “nóc nhà” thứ 3 của Việt Nam, chỉ đứng sau đỉnh Phan - Xi - Păng và Tây Côn Lĩnh.
Con đường gập ghềnh lên đỉnh núi Chiêu Lầu Thi.

Thả hồn vào trong làn mưa mỏng đang giăng mờ phía trước, núi, vực và con đường nhỏ từ xã Hồ Thầu rẽ vào đường lên đỉnh núi Chiêu Lầu Thi chưa có đường bê-tông, đất đá lởm chởm, ngoằn ngoèo, rích rắc quanh núi đá, lắc lư, lúc bật ngửa lên, lúc chúi người xuống, đung đưa theo từng cú nghiêng ngả, lao và bò của chiếc xe ô-tô 5 chỗ. Cùng đi với chúng tôi, có chú cán bộ người Hà Tĩnh; trước đây, chú làm ở Hoàng Su Phì rồi chuyển công tác, dễ đến hơn 30 năm chưa quay lại thăm huyện. Nên trong chuyến thăm quan này, bác Triệu Đức Thanh - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang và anh cán bộ ngoài tỉnh, cùng tôi đưa chú về thăm lại mảnh đất Hoàng Su Phì và lên khám phá đỉnh núi Chiêu Lầu Thi hùng vĩ.

Phải mất hơn 2 giờ đồng hồ đi từ trung tâm huyện Hoàng Su Phì, chúng tôi mới lên được núi Chiêu Lầu Thi. Trái với không khí nhộn nhịp ngoài phố thị, khung cảnh ở đây vẫn hoang sơ, bình yên đến lạ thường. Hiếm có nhà ở, có chăng là những nhà “lán” dân dựng tạm để lên núi chăn dê và thêm một khu Văn phòng Công ty Cổ phần Bình Minh 3 mới xây dựng chưa lâu. Khí hậu mát mẻ, thời tiết trong lành ở đây khiến tôi liên tưởng đến một Đà Lạt được thu nhỏ. Nếu là buổi trưa mùa Hạ thì thời tiết mát mẻ như tiết trời Thu, cảnh sắc như mùa Xuân, còn tiết trời bình minh của ngày giá rét thì thấm đẫm đầy sương và gió lạnh, đi xe ô-tô tầm nhìn xa không quá được 5 m. Xuống xe trong cái gió cuối Đông buốt đến tê người, cả đoàn dừng chân rồi tiếp tục đi bộ thêm khoảng 500 m nữa; những cây mận, cây đào bên đường đi vẫn lặng im chúm chím thắp lửa, nhen lên cảm giác ấm áp. Đi bộ mãi, gió rít, sương mờ rồi cũng lên được đến đỉnh núi Chiêu Lầu Thi. Nơi đây có độ cao 2.402 m so với mực nước biển, là một trong những núi cao thuộc dãy Tây Côn Lĩnh. Đỉnh Chiêu Lầu Thi (còn gọi là Kiêu Liều Ti) nằm trên địa bàn xã Hồ Thầu (Hoàng Su Phì) cao 2.402 m. Đỉnh Tây Côn Lĩnh cao 2.427 m, hơn đỉnh Chiêu Lầu Thi không đáng kể. Các nhà địa lý cho biết: Đỉnh Chiêu Lầu Thi nằm trên cánh cung Tây Bắc thuộc Bắc Việt Nam, thuộc hệ các dãy núi cao phía Tây chạy theo hướng Tây Bắc kéo xuống phía Nam Việt Nam. Chiêu Lầu Thi nằm ở thôn Tân Minh và thôn Chiến Thắng, xã Hồ Thầu.

Chiêu Lầu Thi là tên gọi ngọn núi cao thứ 2 của tỉnh Hà Giang, tên tiếng việt có nghĩa là “Chín tầng thang”. Theo tiếng Hán “Chiêu Lầu” có nghĩa là chín bậc, “thi” là tảng đá to và cao. Tên “Chín tầng thang” chính là đoạn đường leo lên đỉnh núi, ngày xưa được người đời kiến tạo thành những bậc đá lên xuống, từ độ cao hơn 2.300 m lên đến đỉnh cao 2.400 m. Chân núi Chiêu Lầu Thi có 13 xã thuộc huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần. Tương truyền rằng, theo người già kể từ khi Pháp xâm lược Việt Nam, định dùng ngọn núi này làm điểm quan sát một vùng rộng lớn. Nên đã thuê đồng bào phá đá mở đường lên đỉnh núi. Pháp thuê thợ là người Hán đục đá từ chân lên đến đỉnh núi bằng 9 bậc thang đá. Ở đây, cũng đã từng tồn tại hoạt động cách mạng của cán bộ Việt Minh từ những năm cách mạng tháng Tám của nước ta.

Biển mây bồng bềnh trên đỉnh núi Chiêu Lầu Thi.

Đây là khu rừng núi cao nguyên sinh tiềm ẩn rất nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Phía Nam đỉnh núi, là khu vực nhiều gỗ nguyên sinh có tuổi rêu xanh phủ kín. Nếu trời quang, mây tạnh, bình minh lên, ánh nắng mặt trời len lỏi như rót mật phủ áo giát vàng vào từng vạt núi, thì khung cảnh núi non trùng điệp, biển mây bồng bềnh tạo nên khung cảnh tuyệt đẹp hiếm có của núi Chín tầng thang. Phía Tây Nam là thung lũng rộng lớn và nên thơ Quảng Nguyên, Nà Chì, Khuôn Lùng. Phía Tây là chân núi Chiêu Lầu Thi kéo dài đến Chế Là, Nấm Dẩn, Quảng Nguyên (Xín Mần). Từ trên đỉnh cao đi xuống khu vực phía dưới bằng dây thừng, khá nguy hiểm nhưng cực kỳ thú vị. Ở đó có rừng nguyên sinh hàng trăm năm tuổi, rêu xanh phủ kín thân cây, một vùng bãi bằng rộng lớn toàn cây tre, hóp và chè cổ thụ cao 7 – 8 mét sống xen kẽ trong rừng cây. Nhìn sang phía Đông là trùng điệp núi đá, cây cối bao bọc xanh tốt, sương mù trắng xóa lẫn những tia nắng xuyên thấu len lỏi, khi tan sương thì mây bồng bềnh, lững thững trôi như biển mây trên độ cao hơn 2.400 m. Phía Bắc có bãi bằng Nàng Cút trồng cây guột và dược liệu của Công ty Cổ phần Bình Minh 3 đầu tư quy hoạch trồng. Cạnh đó có con đường đi mới mở từ năm 2013 – 2014, và mới đây được mở rộng ra cho xe ô-tô lên. Đứng nơi đỉnh núi này, ta có thể nhìn ra cả huyện Hoàng Su Phì, nhìn sang Xín Mần, bao quát cả một vùng núi non thuộc miền Tây Bắc Hà Giang. Có câu ca nào đó về núi Chiêu Lầu Thi đã được các nghệ sĩ phổ nhạc rằng:

“Ai đã mở đường lên đỉnh núi, ngắm nhìn mây như dải lụa hồng

Ngọt ngào nghe điệu Páo dung, thông reo gió ngàn nhìn ruộng bậc thang...”

 Dọc theo đường lên núi, du khách có thể thấy những cánh rừng già nguyên sinh với một quần thể thực vật phong phú. Chiêu Lầu Thi còn là nơi trồng nhiều loại cây Tống Quán Sủ đang sinh trưởng, phát triển tốt. Ngoài ra, núi còn có nhiều động thực vật quý hiếm và người ta còn biết đến cây “chè thuốc” – chè Shan tuyết mọc ngay dưới đỉnh 2.402 m. Chè mọc thành vùng như những cây cổ thụ của rừng. Búp chè thuốc màu xanh tía đỏ, được phủ kín một lớp lông tơ mịn, lá dày, búp to. Cây chè mọc ở độ cao trên 2.000 m, hứng chịu gió từ 4 phương, sương 4 mùa mà tạo nên những tinh chất quý có tác dụng như “thuốc” bồi bổ sức khỏe con người. Việc con, cháu lên Chiêu Lầu Thi hái chè thuốc biếu ông bà, cha mẹ uống tĩnh tâm, dưỡng khí đã trở thành nét văn hóa truyền thống trong vùng. Cây chè Shan tuyết trên đỉnh Chiêu Lầu Thi đã trở thành một trong những loại thực vật quý của Hồ Thầu từ đời này qua đời khác truyền lại.

Đứng trên đỉnh núi Chiêu Lầu Thi, thấy thu vào tầm mắt muôn trùng nước non, khung cảnh thiên nhiên núi rừng miền Tây thật hùng vĩ. Tất cả, đang chờ đợi những ai muốn khám phá Chiêu Lầu Thi để tận hưởng cảm giác leo núi, chiêm ngưỡng vẻ đẹp núi “Chín tầng thang” một ngày gần nhất.

Tác giả bài viết: Mỹ Hằng