Đồng bào Cơ tu làm du lịch
- 19:32 10-02-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Vượt qua những cung đường núi ngoạn mục mà đẹp kỳ vĩ dọc tuyến đường Hồ Chí Minh qua địa phận tỉnh Quảng Nam, chúng tôi đến xã Tà Bhing, huyện miền núi Nam Giang.
Điều làm chúng tôi ấn tượng ngay khi bước chân đến cổng làng du lịch cộng đồng ở đây chính là nội quy ''3 không'' mà dân làng và du khách phải hứa với nhau: Không tự ý đi lại trong cộng đồng, không xâm phạm đến tài sản cá nhân, và không chụp ảnh khi chưa được phép; Không vứt rác bừa bãi và mang những cây con, vật lạ, chất cấm vào cộng đồng; Không cho tiền hoặc bất cứ vật gì cho người dân, đặc biệt là trẻ em.
A Lăng Thị Phước - hướng dẫn viên ở ngay làng du lịch cộng đồng ở xã Tà Bhing nói, đây chính là những nội quy của Dự án ''Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ tu'' đã sớm được triển khai ở Nam Giang từ những năm 2012, 2013 và đi vào hoạt động ổn định cho tới nay.
Chính từ những điều mà du khách cùng người làng hứa với nhau này, đồng bào nơi đây tin rằng bản làng vẫn giữ nguyên nét đẹp hoang sơ cùng những con người đôn hậu nơi đây mà không bị ''biến chất'' bởi sự phát triển du lịch như ở một số nơi.
Cùng với ý thức giữ gìn nét đẹp văn hóa bản địa, khi làm du lịch cộng đồng, người làng càng ý thức giữ gìn cảnh quan môi trường. Có những làng du lịch dọc đường Hồ Chí Minh ở Quảng Nam được ví ''sạch như Singapore'' như làng Pơning ở huyện Tây Giang.
''Mình nói với bà con trong làng là phải luôn luôn giữ vệ sinh, nhà sạch, làng đẹp mới thể hiện cái lòng hiếu khách của mình khi đón khách tới nhà chơi'' - một già làng ở Pơning nói.
Du lịch cộng đồng làng vô cùng bài bản
Ở Tà Bhing, huyện Nam Giang, đón dẫn chúng tôi ghé thăm bản làng chính là những hướng dẫn viên người bản địa được tập huấn nghiệp vụ bài bản như A Lăng Thị Phước.
Đến làng du lịch cộng đồng Bờ Hôồng ở xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, cùng nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh qua địa phận Quảng Nam, đón du khách tham quan làng cũng là một anh hướng dẫn viên Cơ tu - Ating Bai.
Một cách tự nhiên, Bai kể về đời sống thường ngày của bà con nơi đây, kể chuyện về những lễ tục truyền thống của đồng bào Cơ tu,..., đến cây tà vạt làm nên món rượu ngon của đồng bào những khi thết đãi khách tới thăm nhà. Gặp một đoàn du khách nước ngoài, Ating Bai có thể nói chuyện với du khách bằng tiếng Anh. Việc nghe chính một người địa phương kể chuyện bản làng nơi họ sinh sống khiến du khách cảm thấy rất thú vị.
Bữa trưa, bữa tối của các đoàn khách ghé thăm làng không phải ở một hàng quán nào mà chính là bữa cơm nhà với những món ngon của núi rừng với cơm lam, bánh sừng trâu, za zá (món mặn được làm từ thịt rừng, ếch, chim, gà, cá...trộn với măng, gia vị rồi cho vào ống nứa tươi trước khi đặt trên bếp nướng).
''Khi có đoàn khách đến, các công ty lữ hành gọi lên làng báo trước suất cơm, bà con trong làng sẽ chuẩn bị nấu nướng. Buổi tối, các thanh niên nam nữ cùng người làng đốt lửa trại, múa tung tung da dá vui cùng du khách. Làm du lịch cộng đồng như thế, đời sống bà con trong làng mình cũng khá hơn'' - Ating Bai nói.
Nói về phát triển du lịch cộng đồng ở các huyện miền núi của Quảng Nam, ông Đinh Hài - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh nhìn nhận, du lịch cộng đồng thực sự đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn và góp phần nâng cao đời sống của bà con đồng bào các dân tộc, trong đó có đồng bào dân tộc Cơ tu. Những làng du lịch cộng đồng thành công có thể kể đến là làng du lịch ở xã Tà Bhing (huyện Nam Giang), làng Bờ Hôồng ở xã Sông Kôn (huyện Đông Giang)...
Điều quan trọng nhất trong phát triển du lịch cộng đồng ở miền núi là làm sao địa phương xác định được những sản phẩm du lịch phù hợp; hình thành các tổ, hợp tác xã du lịch ngay tại cộng đồng để chính bà con bản địa tự làm và tự hưởng lợi từ du lịch, đặc biệt là định hướng phát triển du lịch bền vững và có trách nhiệm, bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống và nét đẹp hồn hậu, chất phác của con người nơi đây.
Tác giả bài viết: Khánh Hiền