Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Các sân bay có đường băng ghê rợn nhất thế giới

Do địa hình, nhiều sân bay trên thế giới có những đường băng rất rùng rợn mà nếu phi công chỉ mắc lỗi dù là rất nhỏ sẽ gây hậu quả khôn lường.
Sân bay Paro (Bhutan)


Bhutan là một đất nước có rất nhiều đồi núi nên không thể tránh khỏi cảnh sân bay được xây trên địa hình hiểm trở. Paro là một ví dụ tiêu biểu. Đường băng của sân bay này thuộc vào dạng thử thách các phi công nhất vì nó được bao quanh bởi dãy Himalaya, lọt thỏm giữa các hẻm núi. Bởi vậy Paro chỉ có thể mở cửa vào ban ngày để hạn chế tối đa rủi ro.

Matekane Air Strip (Lesotho)


Hẳn ai cất cánh hay hạ cánh tại Matekane Air Strip đều muốn rụng tim khi nhìn vào đường băng. Với đường băng này, nếu không thể cất cánh chuẩn xác đến từng cm, bạn sẽ rơi tọt xuống hẻm núi.

Sân bay Juancho E. Yrausquin (Saba, thuộc Hà Lan)


Tại hòn đảo nhỏ bé Saba nằm trong khu vực Caribbean có sân bay Juancho E. Yrausquin với địa thế rất “khó đỡ”. Nơi đây ghi nhận kỷ lục có chuyến bay thương mại ngắn nhất thế giới với hành trình bay chỉ… 396 m. Với diện tích cực nhỏ của đảo Saba thì đường băng cũng rất ngắn. Nếu không phanh kịp, máy bay sẽ nhao xuống biển.

Ice Runway (Nam Cực)


Đường băng chính là lớp băng mỏng trên nước nên nếu hạ cánh không êm, phi công có thể đưa máy bay đâm xuống nước. Vì sự đặc thù của mình mà sân bay Ice Runway chỉ mở cửa đến tháng 12 hàng năm để tránh nguy cơ băng tan.

Sân bay quốc tế Princess Juliana (St Maarten, thuộc Hà Lan)


Với những bãi biển xinh đẹp, hòn đảo du lịch St Maarten tại Caribbean mỗi năm đón hàng triệu lượt khách. Và cũng vì sự đông đúc chật chội của mình mà St Maarten buộc phải để sân bay ngay gần bãi tắm (Maho). Hệ quả là máy bay hạ cánh ngay trên đầu những người nằm phơi nắng. Điều đó khiến bãi tắm Maho của St Maarten có một thương hiệu độc nhất vô nhị và nó càng thu hút du khách hơn.

Tenzing-Hillary (Nepal)


Được xây dựng trên cao nên sân bay Tenzing-Hillary không cho phép phi công mắc lỗi, dù là nhỏ nhất mỗi lần hạ hay cất cánh.

Narsarsuaq (Greenland, thuộc Đan Mạch)


Tại hòn đảo lớn nhất thế giới Greenland có sân bay Narsarsuaq. Du khách háo hức đến nơi này bao nhiêu thì những người làm công tác bay lại đau đầu bấy nhiêu. Bởi lẽ Narsarsuaq được xây dựng trên một vùng đất rất khắc nghiệt và mỗi chuyến bay có thể cất cánh hay hạ cánh đều phụ thuộc rất lớn vào thời tiết rất thất thường tại Greenland.

Madeira (Bồ Đào Nha)


Sân bay quốc tế này phục vụ các chuyến bay đến và đi từ đảo Madeira. Nó đã chứng kiến khá nhiều mối nguy vì sự khác biệt của mình mà đỉnh điểm là vụ tai nạn những năm 80 thế kỷ trước đã tước đi 131 sinh mạng hành khách.

Sân bay Gibraltar (Gibraltar)


Sự nhỏ bé của đất nước Gibraltar thể hiện rõ ngay khi bạn đặt chân xuống sân bay. Khi hạ cánh, các phi công thường phanh rất gấp bởi nếu không, máy bay sẽ đi khỏi đường băng và đâm vào núi.

Toncontin (Honduras)


Sân bay này trước kia khá tập nập nhưng từ năm 2008, khi một chiếc Airbus 320-233 đi quá đường băng rồi đâm ra đường khiến nhiều người thiệt mạng, nó đã phải đóng cửa với các máy bay lớn. Vì địa thế cực kỳ hiểm trở mà Toncontin giờ đây chỉ còn các máy bay nhỏ vận hành.

Courchevel (Pháp)


Sân bay trên dãy Alps này đòi hỏi trình độ và kinh nghiệm của phi công rất cao vì nếu không xử lý tốt, máy bay sẽ rơi ra khỏi đường băng.

Wellington (New Zealand)


Trong khi với nhiều sân bay ở trên, mối nguy là địa thế hiểm trở, đường bay ngắn thì với sân bay quốc tế Wellington, sức gió lại là trở ngại số một.

Mariscal Sucre (Ecuador)


Mariscal Sucre cũng là một trong những sân bay khét tiếng về độ khắc nghiệt. Do Ecuador là một quốc gia rất cao so với mặt nước biển nên không thể khác, các máy bay khi tới đây sẽ phải đối mặt với nguy hiểm từ địa hình hiểm trở, từ độ dốc của các vách núi hay sương mù… Đường băng của Mariscal Sucre cũng thuộc dạng gồ ghề có tiếng.

Skiathos (Hy Lạp)


Chưa có vụ tai nạn nào xảy ra tại Skiathos nhưng mỗi khi hạ cánh hay cất cánh tại sân bay này, phi hành đoàn lẫn hành khách đều thót tim. Đường bay ngắn, rất gần bãi tắm là những cản trở Skiathos mang lại.

Sao Paulo-Congonhas (Brazil)


Mật độ dân cư rất lớn xung quanh Sao Paulo-Congonhas khiến các phi công gặp khó mỗi khi hạ cánh. Kèm với đó là cản trở từ đường băng trơn trượt. Năm 2007, một máy bay đã không thể bám trụ do mưa quá to và gặp nạn do trượt khỏi đường băng. Hệ quả là 187 người đã thiệt mạng.

Tác giả bài viết: Hồng Hải