Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Đặc sản vùng cao hút khách dịp tết

Vào dịp giáp tết, chị em nội trợ hay những người sành ăn lại săn đón các loại đặc sản nổi tiếng của núi rừng. Không chỉ đảm bảo độ sạch – ngon, chúng còn hấp dẫn bởi vị lạ miệng, hấp dẫn.
Hạt dẻ Cao Bằng

Thức quà giản dị mà độc đáo của núi rừng Cao Bằng không thể bỏ qua món hạt dẻ. Ngày Tết, trong muôn vàn các loại hạt nội ngoại để “cắn chắt”, hạt dẻ Trùng Khánh vẫn được nhiều chị em nội trợ ưu ái hơn cả.



Là huyện thuộc phía Đông Bắc tỉnh Cao Bằng, do thổ nhưỡng khí hậu phù hợp, tạo nên những cây dẻ cho hạt ngon. Hạt dẻ Trùng Khánh to, vỏ lụa mỏng, nhân vàng sẫm thơm bùi và ngậy đặc biệt. Vốn có lớp vỏ dầy nên trước khi luộc, người ta thường khía vài đường ngoài vỏ để khi chín dễ bóc. Người Trùng Khánh còn ninh hạt dẻ với chân giò lợn làm món đãi khách quý.

Ngày Tết, trong muôn vàn những món ăn dễ khiến ngấy ngán, nhâm nhi hạt dẻ thơm bùi bên chén trà nóng, trò chuyện rôm rả bên bàn nước, lại là thú vui nho nhỏ ngày đầu xuân.

Nấm hương rừng Điện Biên, Hà Giang



Nấm hương – thứ thực phẩm có “ngoại hình” khiêm tốn, xù xì, nhưng lại không thể thiếu trong các món ăn ngày Tết. Giữa muôn vàn loại nấm không rõ nguồn gốc xuất xứ như ngày nay, nấm hương rừng từ vùng núi như Điện Biên, Hà Giang, lại “được lòng” bà nội trợ hơn hẳn dù giá cả trội hơn.

 

Bát canh bóng nấm hương ngày Xuân

Khác với nấm hương thông thường, nấm rừng được người dân địa phương hái về khi còn tươi. Chúng được xâu thành dải dài bằng lạt tre và để khô. Khi chế biến, chỉ cần vài miếng nấm cũng đủ tỏa mùi hương dịu đặc trưng. Ngày Tết, nấm hương là thứ điểm xuyết không thể thiếu trong các món chả nem, canh bóng, giò thủ hay các món xào.

Lạp sườn hun khói Lào Cai

Lạp sườn là đặc sản mang nét độc đáo riêng của đồng bào dân tộc Tày Nùng thuộc vùng núi Cao Bằng hay Lào Cai. Ngày xuân, có dịp lên chơi vùng miền cao, đừng quên thưởng thức món ăn trứ danh của đồng bào dân tộc.



Đến nhà đồng bào ngày giáp Tết, đâu đâu cũng thấy treo lủng lẳng những khúc lạp sườn tươi ngon, được người dân chế biến từ trước đó vài tháng. Cũng là ruột lợn được làm sạch rồi nhồi nhân. Nhân lạp sườn vùng cao có vị khác hơn bởi mắc khén, hạt dổi và lá mắc mật. Từng khúc lạp sườn nhồi tinh tươm, được mang đi hong khô ngoài trời nắng hanh độ dăm bữa cho cong và gác lên bếp củi. Miếng lạp sườn khô, ám hương khói nồng, đượm mùi của vị núi với những gia vị đặc trưng.

Thịt gác bếp Sơn La

Thịt gác bếp là món đặc sản nổi tiếng của người dân vùng cao Tây Bắc. Từ thịt lơn hay trâu gác đều tạp nên hương vị đặc trưng núi rừng. Không chỉ đơn thuần là món ngon đãi khách, thịt gác bếp còn trở thành món đồ biếu ý nghĩa tặng người thân, ban bè dịp Tết.



Người Thái thường dùng phần thăn hay bắp trâu bò. Gác bếp là phương pháp chế biến từ xưa kia, giúp thịt bảo quản lâu hơn. Nhưng rồi người miền xuôi nghiền món ăn này khiến thịt gác bếp bắt đầu “du ngoạn” khắp các miền quê, từ ngược xuống xuôi.

Khác với những món khô khác, món thịt hấp dẫn và có hương vị đặc trưng nhờ “hạt tiêu núi rừng” – mắc khén. Thứ gia vị bé xíu nhưng tạo cho món ăn có vị khó lẫn. Khi thưởng thức thịt gác bếp, bạn có thể hấp cách thủy hoặc nướng lại cho thịt mềm ra, xé theo dọc thớ, chấm cùng tương ớt hoặc chẳm chéo.

Tác giả bài viết: Hoàng Hà