Vẻ đẹp Thung Rếch những ngày cuối năm
- 14:25 15-01-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chẳng biết từ bao giờ, trên đất Mường cổ xưa, đã có những địa danh với tên gọi rất lạ lẫm. Sau bao biến thiên của lịch sử, những Thung Khe, Thung Rếch, Cuối Hạ… vẫn giữ được một chút gì xưa lắm. Hẳn là vẻ đẹp Thung Rếch vẫn mang nét nguyên sơ, khó có thể tìm ra nguồn gốc tên gọi và vẫn là điều thú vị với du khách.
Những ngày cuối năm, chúng tôi mới có dịp lên Thung Rếch. Cái tên gọi nghe đủ thấy sự heo hút, nguyên sơ. Xe ngược dốc lên trong sương núi theo con đường quanh co rồi vượt lên một khu đất bằng phẳng. Nhìn bốn phía là những đỉnh núi sương mù bao phủ. Lạ thật, lên cao thế mà lại như vừa từ dưới hang sâu chui lên.
Vẻ đẹp Thung Rếch mùa này là những bãi ngô xanh mướt và nương mía vàng. Thấp thoáng bóng bà con người Mường, người Dao đang bóc mía nở nụ cười chỉ đường cho khách. Người bác đi cùng tôi bảo, mấy chục năm trước ông lên đây, Thung Rếch còn hoang sơ lắm, đường đi làm gì đã được như bây giờ, toàn phải leo trên những mỏm đá. Bù lại, đất đai rất hợp với trồng ngô. Lác đác, bên những ngôi nhà gỗ đã thấy hoa đào nở trong giá rét. Người bạn dẫn đường nhắc tôi:
Vẻ đẹp Thung Rếch mùa này là những bãi ngô xanh mướt và nương mía vàng. Thấp thoáng bóng bà con người Mường, người Dao đang bóc mía nở nụ cười chỉ đường cho khách. Người bác đi cùng tôi bảo, mấy chục năm trước ông lên đây, Thung Rếch còn hoang sơ lắm, đường đi làm gì đã được như bây giờ, toàn phải leo trên những mỏm đá. Bù lại, đất đai rất hợp với trồng ngô. Lác đác, bên những ngôi nhà gỗ đã thấy hoa đào nở trong giá rét. Người bạn dẫn đường nhắc tôi:
- Chẳng mấy lại đến Tết, lại được dự Tết nhảy độc đáo của đồng bào Dao rồi.
Hoa văn, hình vẽ trang trí trên xà nhà.
Thung Rếch thuộc xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình. Trước đây vùng đất này vốn chỉ có đồng bào Mường sinh sống. Kể từ sau khi dâng nước lòng hồ Sông Đà, bà con người Dao, người Mường chuyển về đây sinh sống đã lập nên xã Kim Bắc (Ghép tên quê cũ Đà Bắc và quê mới Kim Bôi) lại càng đông vui và tạo nên sự đa dạng về văn hóa, khiến cho vẻ đẹp Thung Rếch càng sinh động thêm.
Bước vào ngôi nhà gỗ với những tấm ván được xẻ từ khi gia chủ mới lên đây cũng đã ngót 20 năm. Người thợ mộc ngày đó còn không quên chạm những hình hoa văn trên xà nhà và vẽ trên bức vách gỗ. Phải chăng, đó là một cách trang trí giản dị ở thời điểm chưa có những bức ảnh in màu sau này. Thế mà giờ đây nó lại trở nên độc đáo, khiến cho bao du khách không khỏi ngước nhìn và ngợi khen về một lối kiến trúc xưa ở nơi này.
Bữa cơm cùng với gia đình trong ngôi nhà gỗ, nâng chén rượu ngô, nhìn ra bỗng thấy vẻ đẹp Thung Rếch mùa này đang chuyển mình vào xuân thật thú vị. Chỉ ít hôm nữa Tết sẽ về trên mảnh đất này, bà con lại quây quần bên trong những gia đình làm Tết nhảy và cùng hồi tưởng về cố hương bên kia lòng hồ Sông Đà; chung vui với những thành quả trên quê hương mới. Thung Rếch vẫn hoang sơ mà đầm ấm khi mùa xuân đã cận kề.
Tác giả bài viết: Bùi Việt Phương