10 nét quyến rũ mang thương hiệu du lịch Sa Pa
- 13:43 21-12-2015
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sa Pa có nhiều điểm du lịch dù quen thuộc và nổi tiếng từ lâu nhưng vẫn làm mỗi du khách khi đặt chân đến lại có một cách cảm nhận riêng.
Núi Hàm Rồng: Quan sát thị trấn từ chòi cao 1.800 m trên đỉnh Hàm Rồng là một trải nghiệm thú vị mà bất cứ ai đến Sa Pa cũng nên thử. Những con đường, khách sạn, khu du lịch bỗng nhỏ bé dưới chân bạn. Trên núi, bạn còn được ngắm nhiều vườn hoa đủ sắc màu và len qua những khe đá nhỏ ở vườn Thạch Lâm. Ảnh: Gavin Whit
Nhà thờ đá Sa Pa: Nhà thờ Đá Sa Pa xây dựng từ năm 1895 được coi là một dấu ấn kiến trúc cổ toàn vẹn nhất của người Pháp còn sót lại. Nhà thờ được tôn tạo và bảo tồn, trở thành một hình ảnh không thể thiếu khi nhắc đến thị trấn Sa Pa mù sương. Ảnh: Marty Windle
Bản Cát Cát: Từ trung tâm thị xã Sa Pa đến Cát Cát chỉ 2 km. Đây là bản lâu đời của người Mông còn lưu giữ nhiều nghề thủ công truyền thống như trồng hoa, dệt vải và chế tác đồ trang sức. Đặc biệt, nơi đây còn giữ được khá nhiều phong tục độc đáo mà ở các vùng khác không có, hoặc không bảo tồn nguyên vẹn. Ảnh: Vũ Quang
Thung lũng Mường Hoa: Nằm cách thị trấn Sa Pa 10 km về phía đông nam, Mường Hoa là điểm đến hấp dẫn những bước chân lãng du đến với miền sơn cước. Thật không mấy khó khăn để nhận ra Mường Hoa, vượt qua một con đèo men theo dãy núi, du khách sẽ bị hút hồn ngay bởi nét hữu tình của cảnh đất trời hội tụ tại đây. Ảnh: Black Baron93
Bản Tả Phìn: Đây là nơi sinh sống chủ yếu của người dân tộc Dao đỏ và H’Mông, nằm ven thị trấn Sa Pa. Con đường vào bản men theo sườn núi quanh co bên những thửa ruộng bậc thang xanh mướt. Những cây đào, cây mận ven đường nở hoa rực rỡ trong cái rét miền sơn cước như đón chào du khách. Ảnh: Ngaymua
Cầu Mây: Sa Pa có cây cầu làm bằng mây vắt ngang dòng suối Mường Hoa thơ mộng. Từ đường lớn, muốn đến cầu Mây, bạn có thể đi theo con đường mới với nhiều dốc và khúc cua. Cây cầu nổi tiếng làm bằng dây mây này là điểm đến được du khách rất yêu thích. Ảnh: Chickenmoutain1981
Thác Bạc: Trên đường đi Lai Châu, bạn sẽ gặp thác Bạc ào ào chảy xuống từ độ cao 200 m vào dòng suối dưới thung lũng Ô Quy Hồ, tạo nên âm thanh núi rừng đầy ấn tượng. Đi thêm 3 km nữa từ thác Bạc, bạn đến với địa danh Đỉnh Đèo. Nơi đây có tầm nhìn đẹp lên Fansipan, dưới sâu là con đường độc đạo đi sang Bình Lư. Ảnh: Tran Duc Khoi
Cổng trời: Ra khỏi thị trấn Sa Pa, đi theo hướngbBắc khoảng 18 km, đường lên cổng trời ngoằn ngoèo uốn lượn giữa lưng chừng núi trùng điệp với những bóng nắng chạy dài, thoắt ẩn thoắt hiện. Chỉ có gió thổi làm cho thảm thực vật phải dán mình vào đá. Con đường đèo này có tên là Trạm Tôn, len lỏi giữa dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ. Cổng trời chính là đỉnh của con đèo này. Ảnh: Phuong
Đỉnh Ô Quy Hồ: Cùng nằm trên đường đi Lai Châu, qua thác Bạc và thác Tình Yêu bạn sẽ được ghé thăm đỉnh đèo Ô Quy Hồ, một trong tứ đại danh đèo của núi rừng phía Bắc. Đứng trên đỉnh đèo bạn sẽ nhìn thấy những con đường uốn lượn nối liền hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Cạnh đó là dãy Hoàng Liên Sơn hùng vỹ. Ảnh: Quân Alek
Tuyết: Ai đến Sa Pa mùa đông cũng mang trong mình một "giấc mơ tuyết trắng". Nhiều du khách muốn được vo tròn từng cục tuyết trong tay rồi ném nhau như lũ trẻ nước ngoài, được nhìn những hạt tuyết rơi đậu trên lá cây, trên mái nhà, tựa như trong một bộ phim Hàn Quốc quay vào mùa đông. Bạn có thể được thỏa mãn khi đến thăm Sa Pa vào những ngày lạnh nhất. Ảnh: Hachi8