Bé 12 tuổi khóc ròng khi nghe ai nhắc về bố và mẹ
- 12:49 20-12-2015
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhắc đến mẹ là cậu bé 12 tuổi Lê Ngọc Hòa òa khóc. Em thương người mẹ xấu số vừa mới mất, lại càng thương bà nội già yếu đã 85 tuổi giờ đây phải gánh gồng nuôi em, với người bố bị tâm thần và chị gái bị thiểu năng trí tuệ.
Những giọt nước mắt như chực trào ra nơi khóe mắt bà cụ, rồi bà chỉ biết lầm lũi bước từng bước tiến vào góc nhỏ trong nhà - nơi bàn thờ nghi ngút khói của người con dâu vừa mới mất, chốc chốc lại quay đầu nhìn về chiếc giường nơi đứa con trai thần kinh nặng và thằng cháu thiểu năng trí tuệ đang nở những nụ cười ngặt nghẽo.
Đó là gia cảnh ngặt nghèo của anh Lê Văn Hùng (49 tuổi) và cụ Nguyễn Thị Hạnh (85 tuổi, trú xóm Nam Lĩnh, xã Đức Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An).
Anh Hùng, hai đứa con và người mẹ đã 85 tuổi trước căn nhà sắp sập.
Có mặt tại nhà anh Hùng có thể nói khổ nhất ở cái xã này, chúng tôi ai cũng không tin nổi cho đến hôm nay vẫn đang còn một gia đình oái oăm đến thế. Trong căn nhà cấp bốn tồi tàn trông đến thê thảm kia của anh Hùng chỉ cần một cơn gió đủ mạnh là có thể thổi bay, đánh sập bất cứ lúc nào.
Thế nhưng trong cái “túp lều” đó là nơi 4 con người chen chúc nhau sinh sống qua ngày đoạn tháng. Và tôi cảm nhận rằng, họ như đang đánh cược mạng sống ngay chính ngôi nhà của mình. Gặp tôi nhiều người trong làng bảo rằng: "Nói anh Hùng, cụ Hành có căn nhà cho oai, chứ thực ra đó chỉ là cái lều nhỏ được chống cự thêm vài ba cây tre, mét cho thêm phần chắc chắn. Chứ mà mùa mưa gió đến thì cả nhà cụ Hành phải sang xin ở nhờ hàng xóm đó", một người dân chia sẻ.
Cái quý giá nhất trong nhà là cái bàn vừa cho đứa con học, vừa làm chỗ để tiếp khách.
Đón tiếp chúng tôi cụ Nguyễn Thị Hành xin phép chạy qua nhà hàng xóm mượn tạm vài chiếc ly uống nước. Rồi câu chuyện về gia cảnh anh Hùng “có một không hai” ở cái huyện lúa Yên Thành này chắc không còn có gia đình nào "sánh kịp" được bà Hành bắt nguồn từ lời tâm sự đứt quãng bởi những tiếng nấc đến nghẹn lòng.
“Tui thương hắn (anh Lê Văn Hùng 49 tuổi), từ ngày vợ mất, hắn có biết chi nữa mô, cả ngày chỉ nói nói cười cười. Thỉnh thoảng thì ra bàn thờ nhìn di ảnh vợ rồi cứ rứa hắn khóc. Còn con cháu tui, nó 14 tuổi rồi mà còn ngây thơ hơn đứa con nít lên 5. Hắn mắc chứng thiểu năng trí tuệ từ khi lọt lòng mẹ”. Nói đoạn bà khóc, nước mắt lăn dài, đưa đôi bàn tay nhăn nheo gầy trơ gạt vội, bà tiếp lời chúng tôi.
Bà Hành cho biết, anh Hùng cưới chị Nguyễn Thị Thân đến nay đã được 10 năm. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ chỉ quẩn quanh trong túp lều hai gian nhỏ. Ngày ráo thì nắng dọi vào còn ngày mưa thì chẳng khác gì ngoài trời. Khổ nhất là những ngày mưa to gió lớn, gia đình anh chị ôm nhau qua nhà hàng xóm xin trú nhờ. Cưới chị về, anh chẳng có gì ngoài đôi bàn tay trắng.
Em Lê Ngọc Hòa và chị gái ngớ ngẩn của mình trước di ảnh của người mẹ quá cố.
Hai vợ chồng trẻ cố gắng làm lụng chắt bóp từng đồng. Không lâu sau ngày kết hôn, chị vui mừng thông báo với gia đình có em bé, thế nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang khi các bác sỹ kết luận đứa con đầu lòng của anh chị mắc chứng thiểu năng trí tuệ.
Ngày đón nhận tin, chị như chết lặng. Chị ôm đứa con vào lòng mà khóc, ruột đau như cắt. 2 năm sau gia đình chị đón thêm thành viên mới, một bé trai khôi ngô. Cũng từ đó gánh nặng như đổ lên đôi vai gầy của chị khi anh Hùng đột nhiên có những biểu hiện của chứng thần kinh và ngày một nặng thêm.
Bà Hành bảo: "Giờ cả nhà (3 bố con thằng Hùng) đều sống nhờ vào đồng tiền trợ cấp ít ỏi mà nhà nước cho bà ở tuổi xế chiều.
Chị gồng mình trên những nỗi bất hạnh của số phận ngày đêm bươn chải kiếm tiền cho 4 miệng ăn. Ngày mùa chị ra đồng gặt hái, số ngày còn lại chị gắng kiếm thêm vài ba đồng lẻ bằng các công việc nặng nhọc. Thương 2 con còn nhỏ nhưng chưa hề một lần biết đến mùi vị của hộp sữa, thương người chồng không được bình thường ai thuê gì chị làm nấy, không màng việc nặng việc nhẹ. Một mình làm 4 miệng ăn, có lúc trong nhà chẳng còn nổi hạt gạo nhưng chưa bao giờ người ta thấy chị than lấy một câu.
2 tháng trước, trong một buổi sáng lên rừng kiếm củi về bán, chị không may bị con mò độc cắn. Cứ tưởng bình thường, nên chị chẳng màng tới những vết thương gặp phải, vẫn lặn lội trong nỗi khổ cơm áo gạo tiền, cho tới ngày không chịu được nỗi đau ấy chị mới tới bệnh viện khám.
Tại đây chị được các bác sỹ cho biết đã bị nhiễm trùng đường máu do không đưa đến bệnh viện chữa trị kịp thời. Các bác sỹ “bó tay” đành trả chị về nhà. Cũng từ đó, một mình chị vật lộn với bệnh tật, đau đớn bao nhiêu chị cắn răng chịu vì sợ chồng con lo lắng. Thế rồi ông trời cũng mang chị rời khỏi thế gian, ngày tiễn chị về với đất ai nấy đều sụt sùi đầy nước mắt.
Để có chỗ ở cho 4 con người, hàng xóm đã phải dùng những thân cây bạch đàn chống mái nhà anh Hùng để khỏi sụp đổ.
Chứng kiến cảnh con dâu ra đi bà Hành như ngã quỵ, bầu trời đen tối như giăng kín cả gia đình bà lúc này. Bà lo cho số phận của thằng con trai và hai đứa cháu còn đang trong tuổi ăn tuổi học.
“Hắn (chị Thân-PV) bỏ chồng bỏ con mà đi đến ni (nay) gần hai tháng rồi, hắn đi rồi gia đình biết trông dựa vô ai đây. Tui già rồi sống chết chưa biết lúc mô. Tui mà chết thì mấy đứa ni cũng chết theo thôi”, bà Hành lo lắng.
Cả gia đình bà hiện nay sống chỉ dựa vào mấy trăm ngàn tiền trợ cấp của xã hội của bà Hành. Số tiền này chẳng đủ cho mỗi khi một ai trong nhà phát bệnh. Cuộc sống khốn khó khiến con đường đến trường của bé Lê Ngọc Hòa (lớp 6B Trường THCS Đức Thành) đang ngày một khép lại. 12 tuổi đủ để em nhận thức sự thiếu vắng bàn tay của mẹ trong gia đình. Em khóc ròng mỗi khi ai đó nhắc về mẹ rồi lại lặng lẽ dựa vào cột nhà nhìn bố và chị.
Bà Hành ngồi trước căn nhà của mình.
“Từ ngày mẹ hắn (bé Hòa) đi, đêm mô hắn cũng khóc. Bố với chị hắn thì bệnh suốt, mà cũng phải chịu thôi chứ tiền mô mà chữa. Chị hắn thì có biết chi mô, bữa tui kêu đi mua dầu (dầu thắp đèn) về thắp hương cho mẹ, hắn còn mua xăng, may không thì thiêu trụi cả nhà”. Bà Hành quay sang nhìn cháu mình nước mắt lại trào ra.
Đoạn bà nói tiếp: “Hắn đang nhỏ mà, giờ mà bắt hắn nghỉ học thì tội cho cháu tui quá, mà cho hắn đi học thì tiền mô. Giờ bữa ăn nhiều lúc còn chẳng có nữa là…”.
Bên bàn thờ mẹ, cháu Hòa cúi gầm mặt, chốc chốc em quay mặt ra ngoài, đưa đôi tay nhếch nhác gạt vội dòng nước mắt. Miệng em cắn chặt lại, môi rung lên từng đợt, và bất giác phát ra câu hỏi nhỏ: “Mẹ em chết rồi, tương lai bố con em biết đi về đâu đây?”.
Gia đình anh Hùng luôn là hộ nghèo từ trước tới nay.
Căn nhà tường vôi nứt nẻ, cột gỗ được chống đỡ và nó sụp bất cứ lúc nào.
Bà Phạm Thị Hiến - Phó chủ tịch UBND xã Đức Thành cho biết: “Gia đình chị Trần Thị Thân, anh Hùng, cụ Hành là một trong những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của xã chúng tôi. Giờ chị ấy mất rồi, nhưng để lại người chồng hai đứa con thơ dại (1 đứa bị bệnh, một đứa đang đi học) và người mẹ già không biết cuộc sống mai này sẽ ra sao. Qua câu chuyện đau buồn này, tôi chỉ mong độc giả của báo Dân trí giúp đỡ gia đình bà Hành, anh Hùng với, chứ cả nhà họ tội lắm”.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: Nguyễn Thị Hành, xóm Nam Lĩnh, xã Đức Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
ĐT: 01677.606.709 - anh Hậu
Tác giả bài viết: Nguyễn Duy