Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Chuyện những người gùi hàng trên đỉnh Fansipan

Cuộc sống của các porter người Mông làm nhiệm vụ khuân vác, hậu cần cho du khách chinh phục nóc nhà Đông Dương có nguy cơ đảo lộn khi tuyến cáp treo Fansipan sắp hoàn thành.

Porter thường là những người bản địa sống ở khu vực gần núi, quen thuộc đường đi, có sức khỏe tốt và đủ kỹ năng sinh tồn trong rừng. Họ phụ trách khuân vác đồ đạc như lều bạt, lương thực…và hỗ trợ đoàn leo núi để chuẩn bị chỗ ngủ, bữa ăn trong thời gian chinh phục. Porter là một phần không thể thiếu của những chuyến leo núi ở nơi xa và nguy hiểm.
 

Mặc dù porter thường là những người đàn ông khỏe mạnh nhưng khi đến rừng Hoàng Liên Sơn để chinh phục đỉnh Fansipan, bạn sẽ gặp không ít các chị, các cô đôn hậu, đảm đang. Sức khỏe của họ cũng không kém phần dẻo dai và nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.
 

Gần đây, dự án xây cáp treo trên đỉnh Fansipan khiến xuất hiện nhiều lao động hơn nữa. Những người phu khuân vác, mang vật liệu xây dựng từ Trạm Tôn lên đỉnh núi phục vụ công trình. Mỗi ngày công vất vả nhưng tiền công không cao.
 

Những người phụ nữ thường mang vác đồ ăn và chuẩn bị bữa cơm, nấu nướng, dọn dẹp tại các điểm hạ trại. Một số khác mang hàng hóa lên núi để bán trên đường leo. Điều thú vị đó là giá hàng hóa trên núi thường “tăng theo độ cao”. Ví dụ, ở điểm hạ trại 2.200 m, giá một lon bò húc là 30.000 đồng thì lên tới đỉnh bạn sẽ phải trả 50.000 đồng.
 

Có những người làm porter cả mấy năm trời khiến nhiều du khách leo Fansipan vài lần thường gặp lại. Không chỉ là cái duyên mà bởi lẽ porter đã trở thành một nghề để sống lâu dài chứ không phải công việc ngắn hạn, phát sinh. Niềm vui gặp lại núi rừng và chính anh chàng porter dẫn đoàn mấy năm trước khiến cho chuyến đi đong đầy kỷ niệm.
 

Những porter nhí tương lai này dường như đã làm bạn với núi từ khi biết đi đứng, biết chạm tay vào sương giá non mây và khi trái tim vừa biết cảm nhận thế giới.
 

Phụ nữ Mông không chỉ địu hàng lên núi mà còn tranh thủ lúc nghỉ chân lại thoăn thoắt những mũi kim thêu. Hình ảnh phụ nữ Mông ngồi bên mỏm núi, giữa mây, gió và nắng rừng càng làm cho hành trình leo Fansipan thêm ấn tượng.
 

Công việc di chuyển và chuẩn bị cho những chuyến chinh phục đã khiến nhiều người Mông gắn bó cuộc sống của mình với núi rừng. Đôi khi, họ ngỡ như rừng cũng là nhà của mình vậy: “Tôi sống trên núi còn nhiều hơn ở nhà. Gặp rừng còn nhiều hơn gặp vợ. Chắc yêu núi luôn cho đỡ mất công về nhà”. – porter A Sinh vừa chia sẻ vừa nở nụ cười chân thành, xởi lởi.
 

Con đường chinh phục đỉnh cao lắm gian truân nhưng trên chặng đường đó, những nụ cười trao nhau của bạn đồng hành, của người Mông làm porter sẽ xua tan đi mệt nhọc.
 

Khi đăng ký leo Fansipan, bạn phải mua vé thông qua Ban quản lý rừng Hoàng Liên Sơn và theo tiêu chuẩn là cứ 3 du khách sẽ có một porter mang đồ ăn theo. Họ sẽ vừa dẫn đường, mang đồ và nấu ăn tại những điểm nghỉ đã đánh dấu trước.

Tuyến cáp treo dẫn khách thẳng từ Sa Pa lên đỉnh Fansipan đang vào những giai đoạn cuối. Đây cũng sẽ là nỗi lo của những người Mông vốn hành nghề porter lâu năm. Không chỉ cảnh quan sinh thái vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn bị thay đổi mà chắc chắn cuộc sống của họ cũng sẽ đảo lộn khi chia sẻ lượng du khách với dịch vụ cáp treo.

Tác giả bài viết: Hachi8