Những món ngon đã đời của người Quảng Ngãi
- 10:10 05-11-2015
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bánh tráng
Bánh tráng không chỉ đơn thuần là một đặc sản ẩm thực Quảng Ngãi mà nó còn hàm chứa tín ngưỡng rất riêng và thiêng liêng của người xứ Quảng. Tất cả các mâm cúng giỗ đều phải có bánh tráng, và bánh tráng được để trên tất cả các món khác trong mâm cúng. Đồng thời, bánh tráng cũng là món khai vị (ngoài ram) của người xứ Quảng.
Bánh tráng vừa là món ăn, vừa là nguyên liệu để chế biến các món của người Quảng, từ bữa cơm đạm bạc đến tiệc cúng giỗ, tất niên hay gặp măt, từ các quán bình dân lề đường đến những nhà hàng sang trọng ở Quảng Ngãi. Bất kỳ đi đâu bạn cũng thấy bánh tráng xuất hiện mọi ngóc ngách, hang cùng ngõ hẻm. Tùy theo từng món ăn mà người Quảng chọn loại bánh mỏng dày khác nhau. Bánh tráng cực mỏng phơi sương dùng để gói ram bắp, ram thịt, ram tôm... Bánh tráng mỏng thì bẻ nhỏ cho vào tô bún, don, cháo hay dùng để ăn bò hít hoặc bánh rập (còn gọi là bánh đập hay bánh tráng ướt ráo). Bánh tráng dày có rắc mè thì nướng lên rồi xúc hến hay lòng xào nghệ vào ăn, hoặc có thể quết đường nấu lên, còn gọi là bánh tráng đường. Bánh khi nướng lên nghe mùi thơm của gạo, của mè.
Ram bắp
Ram bắp là món ăn không xa lạ với người dân Quảng Ngãi, món ăn khiến người xa quê “bổi hổi bồi hồi” khi thưởng thức những cuộn ram bắp thơm lừng, giòn rụm tan trong miệng, vừa có cái bùi bùi của bắp, mùi thơm của bánh tráng vừa chín tới, để chạnh lòng nhớ quê xa.
Ram bắp vừa là món ăn vặt vừa là món ngon có thể đem thiết đãi khách, ở một số vùng nó là món ngon trên mâm cúng, giỗ. Rau thường ăn với các loại rau thơm, dưa leo cuộn với bánh tráng chấm nước mắm tỏi ớt chua cay sẽ càng dậy mùi và “đúng điệu”.
Cúm núm rang me
Vào khoảng thời gian đầu xuân đến hết mùa hè là khoảng thời gian mà người dân Quảng Ngãi rủ nhau đi bắt cúm núm - một loài cua biển sống trên cát và đây cũng là khoảng thời gian mà bạn có thể thưởng thức cúm núm ngon nhất.
Nhai miếng cúm rang me, nghe vỏ cúm vỡ vụn, kêu rôm rốp. Thịt cúm đậm đà vị ngọt mặn béo cay, hương thơm dậy mũi. Riêng vị me thì nhẹ nhàng, tinh tế lắm, cứ thư thả mà chua khiến hớp rượu thêm nồng.
Đây là món quen thuộc của dân làng chài vào những buổi chiều biển trời êm ả.
Gỏi tỏi Lý Sơn
Gỏi tỏi là món dân dã ngon, bổ, rẻ, nhưng cũng là đặc sản của vùng tỏi này. Vì thế nếu đi ra đảo không trúng mùa tỏi, chỉ khách quý mới được thưởng thức món đặc sản gỏi tỏi. Mà ai đã thưởng thức rồi, khi về sẽ luôn nhắc món gỏi tỏi đảo Lý Sơn.
Ăn gỏi tỏi với bánh tráng nướng mới đúng kiểu. Bánh tráng phải là bánh tráng dày. Bẻ từng miếng bánh tráng xúc gỏi tỏi chấm nước mắm cay. Vị béo của bánh tráng quyện cùng vị thơm nồng nồng của tỏi không gì ngon bằng.
Don sông Trà
Don là món ăn thừa vẻ dân dã nhưng cũng đầy phong vị, đặc sản của vùng đất Quảng Ngãi khô cằn, đầy nắng gió và mưa lũ.
Don có hình dáng tương tự con hến nhưng nhỏ hơn, có vỏ màu vàng hoặc màu đen nhạt. Ở Quảng Ngãi, don sống tập trung ở sông Trà Khúc và sông Vệ, chỉ xuất hiện vào khoảng đầu năm cho đến hết hè. Cứ mỗi khi thủy triều xuống, người dân hai bên bờ sông lại rủ nhau đi bắt don.
Nghe tên don có vẻ lạ nhưng món ăn này lại rất đơn giản, chỉ gồm một tô nước có một ít don, hành tây và một bánh tráng gạo nướng giòn. Đơn giản, bình dị là thế nhưng ai đã được thưởng thức một lần chắc sẽ không bao giờ quên. Ăn don không thể thiếu món ớt xiêm xanh đặc trưng. Một bát don bốc khói được dọn lên, dùng thìa dằm trái ớt xiêm xanh cho vào, khi ăn don bạn phải vừa ăn, vừa húp nước mới có thể cảm nhận hết được cái vị ngọt của nước, cái dòn mềm của bánh tráng nướng cùng cái vị cay xè của ớt xiêm tạo nên một món ăn lạ miệng nhưng rất ngon.
Gỏi ruốc cà chua xanh
Con ruốc có thể chế biến thành nhiều món ăn độc đáo như: ruốc kho riềng, ruốc rang thịt heo ba chỉ, ruốc nấu khế… Nhưng nổi tiếng nhất vẫn là món gỏi ruốc cà chua xanh.
Món gỏi ruốc cà chua xanh dùng với nước mắm chua ngọt và dăm ba cái bánh tráng nướng là hết sẩy không kém gì món hến xúc bánh đa xứ Huế. Vị thơm và giòn tan của bánh tráng nướng kết hợp với vị ngọt của ruốc biển và vị chua của cà xanh làm món ăn thêm phần đặc sắc.
Ốc xà cừ xào sả ớt Loại ốc này được gọi là xà cừ, hay như dân Lý Sơn (Quảng Ngãi) thường gọi là ốc mặt trăng, ốc mắt ngọc. Ở miệng ốc, thay vì có chiếc vảy mỏng lại là một chiếc vảy dày, tròn vành vạnh như mặt trăng, nhẵn bóng với nhiều màu sắc xanh, trắng, vàng cam... sặc sỡ và cứng như xà cừ. Những chiếc vảy này dùng làm vật trang trí, đồ lưu niệm rất đẹp và bền. Ốc xà cừ có ở nhiều vùng biển nước ta, nhất là các vùng biển, đảo từ Quảng Trị tới Khánh Hòa, nhưng ốc xà cừ Lý Sơn được cho là thơm ngon và đậm đà nhất. Ốc xà cừ có thể chế biến thành nhiều món ngon như ốc xà cừ luộc chấm mắm gừng, ốc nướng bơ, nướng tỏi ớt... Trong đó món ốc xà cừ xào sả ớt là món ăn được du khách ưa chuộng nhất.
Cá bống sông Trà
Cá bống sông Trà nằm trong số 50 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam. Cá bống sông Trà ngon nhất vào mùa hè. Ngư dân thường bắt cá bống bằng ống trống (ống tre dài khoảng 1 m, trống hai đầu, dùng một cọc nhọn cắm xuống nước). Chiều hôm trước người ta đem ống cắm dưới sông, sáng sớm hôm sau ra sông lặn xuống "túm" hai đầu xổ ra bắt gọn những chú cá trong ống.
Cá bống đem về còn giãy đành đạch, tươi rói; bỏ cá vào niêu đất cho gia vị ớt, hành, tiêu chế nước xăm xắp nấu với lửa riu riu hơn tiếng đồng hồ nhắc xuống, con cá vừa dai vừa thơm vừa mằn mặn ăn với cơm trắng. Cá đã kho hai ba "lửa" có vị cay cay mặn mặn của gia vị, thơm dai của thịt cá, một lần ăn thì nhớ mãi không quên.
Kẹo gương
Kẹo gương là một trong 10 đặc sản kẹo mứt nổi tiếng Việt Nam. Kẹo gương hấp dẫn ngay từ tên gọi vì loại kẹo này trong như pha lê, đẹp như bức tranh tĩnh vật. Kẹo có màu vàng ươm của đậu phộng (lạc), trắng vàng của mè và mong manh dễ vỡ làm cho người ăn như phải nâng niu trên tay.
Khẽ cắn một miếng kẹo gương nghe giòn tan, vị ngọt béo bùi râm ran trên đầu lưỡi. Nhai nhẹ nhàng từng chút, tiếng lao xao dịu dàng của mè vỡ ra giữa hai hàm răng, lại gặp hạt đậu phộng thơm ngậy trong vòm miệng; và từ chân răng những mảnh đường vụn tan ra tự bao giờ. Trong những buổi sáng tinh sương, trời se se lạnh, ăn kẹo gương uống kèm vào vài ngụm trà ướp sen thì khó có món ngon vật lạ nào sánh bằng.
Lòng xào nghệ
Lòng non có thể chế biến thành nhiều món quen thuộc như cháo lòng hay lòng luộc chấm mắm gừng. Nhưng người Quảng Ngãi biến tấu thêm bằng cách xào với nghệ và hẹ.
Những ngày trời mưa lâm râm ngồi quây quần bên người thân hay những buổi gặp mặt bạn bè, chế biến món lòng xào nghệ rồi cùng nhau thưởng thức hương vị dân dã mà quen thuộc và ôn lại kỷ niệm xưa thì không còn gì hấp dẫn bằng. Lòng xào nghệ còn là phương thuốc dân gian, giúp chữa bệnh ho hen và tăng thêm sức đề kháng chống cảm lạnh cho người dùng.
Cá mó nấu canh chua
Cá mó tuy được phân bố và sinh sống ở nhiều vùng biển trong nước ta nhưng không đâu có thịt thơm ngon như ở Quảng Ngãi. Khác với một số loài cá khác, cá mó có màu sắc khá đa dạng: Đỏ hồng, xám nhạt... Tuy thân mỏng và dẹp nhưng bù lại thịt cá mó sau khi nấu có vị ngọt, béo và rất thơm. Dù cá mó đem chiên giòn là món phổ biến và được nhiều người ưa chuộng nhưng với những người "sành ăn" thì cá mó nấu canh chua mới là "thượng hạng". Các loại rau gia vị để nấu món canh chua với cá mó, cũng giống như để nấu canh chua với các loại cá khác, gồm: Lá giang, ngò tàu, hành lá, ngò, giá đỗ xanh, ớt quả...
Sự hòa quyện giữa vị thơm ngon của cá, chua chua của lá giang, cay nồng từ ớt... đủ thừa sức để làm cho bất cứ ai khó tính nhất khi đã thưởng thức món cá mó nấu canh chua này, cũng phải hít hà khen....tuyệt.
Cháo nhum Lý Sơn
Nhím biển, cầu gai… là những tên gọi khác của loài nhum. Nhum biển có hình cầu, đường kính khoảng 5-10cm, vỏ ngoài nhiều gai nhọn, thường sống ở những hốc đá gần bờ. Thịt nhum có màu vàng hoặc da cam, xếp theo thớ hình sao bám trên mặt trong của vỏ, đôi khi lẫn với trứng. Muốn lấy thịt, chỉ cần dùng thìa mỏng nạo theo chiều cong của vỏ nhum.
Có nhiều cách chế biến nhum biển. Đãi khách cầu kỳ một chút thì trộn trứng hấp cách thuỷ hoặc ướp gia vị nướng mỡ hành trên than hoa, muốn thưởng thức hương vị một cách tự nhiên nhất thì vắt chanh hoặc đổ mù tạt lên ăn sống… Thế nhưng, đã ra tới Lý Sơn thì phải thưởng thức cháo nhum cho bằng được. Cháo nhum ngon nhất nếu ăn cùng bánh tráng (bánh đa).
Cá niên nướng chấm muối ớt
Cá niên thường sống ở các vùng sông, suối hay chân thác, có thân dẹt, dài và thon, chỉ to chừng 2-3 ngón tay. Loài cá này rất dễ nhận biết vì có những vi đỏ quanh miệng mọc nhiều hạt trắng tròn, thân màu bạc.
Cá niên nướng không cần tẩm ướp cầu kỳ. Người dân chỉ đánh bắt ở suối rồi rửa sạch, dùng que tre vót nhọn xiên dọc thân cá, nướng trên bếp lửa rực hồng. Người chế biến phải thật khéo léo trở đều tay để cá chín được bên trong mà bên ngoài vẫn giữ được màu vàng óng, lớp vỏ giòn.
Cá chín vàng, dậy mùi thơm nức. Khi ăn bạn có thể cầm cả con nóng hổi chấm cùng với muối ớt, cảm nhận vị ngọt của thịt, béo, bùi, dai cùng một chút vị đắng của ruột cá rất thú vị.
Thịt trâu nướng xà bần
Bên cạnh món trâu nướng bằng xiên tre hay cùng lá lốt, người H're ở Quảng Ngãi còn có thêm món thịt trâu nướng xà bần. Đây là món thường được họ chế biến trong những dịp quan trọng, đãi khách đường xa hoặc họ hàng thân thiết.
Để làm món ăn này khá cầu kỳ, không phải lúc nào cũng làm được vì nguyên liệu sử dụng là thịt, huyết, gan, lá lách.
Món ăn không thể ngon nếu thiếu hai loại nguyên liệu là lá sưng và trái sả. Lá sưng có màu đỏ pha sắc tím và chuyển sang màu xanh lục sau khi tắm sương đêm. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận vị ngọt của thịt trâu lẫn trong mùi thơm dịu của lá sưng.
Người dân tộc trước đây ăn trâu xà bần không múc ra từng bát mà vẫn để trong nồi. Khi nồi xà bần chín, mọi người quây quần xung quanh và dùng mo cau quấn thành gáo để thưởng thức chung.
Quay chèo nướng
Quay chèo có hình dáng bên ngoài khá giống với sò lông nhưng có kích thước dài và lớp vỏ dày hơn một chút. Quay chèo sống ở gành đá ven biển gần bờ, với mực nước từ 1-3m. Theo nhiều ngư dân Quảng Ngãi, ngoài Gành Cả chưa thấy nơi nào có quay chèo.
Quay chèo chế biến được thành nhiều món như xào, nấu cháo...Nhưng theo người dân Gành Cả thì quay chèo nướng trên lửa than củi, rồi đem chấm với muối tiêu mới là món ngon số một. Với cách chế biến này, thịt quay chèo có hương vị rất đặc biệt mà không một loại sò, hến... nào có được: Mùi thơm quyện lẫn vị ngọt, béo nhưng không đến mức gây ngán.
Do quay chèo bổ dưỡng và có tính cường dương nên món ăn này được ví là "sâm ở Gành Cả". Bởi thế mà các ngư dân nơi đây vẫn nói vui với nhau: Nếu sáng ra thấy "bà nhà" nào ở đây "vừa quét nhà vừa cười tủm tỉm" thì chắc chắn tối hôm trước "ông nhà" đã lai rai với quay chèo nướng.
Bún bò giò heo
Nếu bún bò Huế để lại ấn tượng cho thực khách với nhiều thành phần như giò heo, huyết, chả bò, giò và thịt lợn bắp, tô bún Quảng Ngãi chỉ đơn giản với hai nguyên liệu chính là giò heo và huyết.
Điểm nhấn đặc biệt của món bún bò giò heo là các đồ ăn kèm. Không nêm mắm ruốc, ớt bột; bún bò giò heo ở đây ăn với hành tím chua, bánh tráng nướng và ớt. Hành tím được cắt mỏng, trộn với đường giấm để làm giảm mùi hăng. Khi ăn với bún, bạn có thể cảm nhận vị chua ngọt của hành tím, giúp át đi độ béo ngậy của miếng thịt heo. Nếu như người miền Bắc thích ăn quẩy kèm với phở, người Quảng Ngãi lại thích ăn bánh tráng nướng kèm với bún bò giò heo.
Lẩu mắm Quảng Ngãi
Lẩu mắm chế biến theo cách khá đơn giản. Cho mắm cá lóc hay cá sặc, cá linh… vào đun sôi rồi lọc bỏ xương. Sau đó, cho tỏi cùng với sả, ớt băm nhuyễn vào nồi đảo đều đến khi ngả sang màu vàng rồi cho nước nấu mắm vào nồi. Thêm vài nhánh sả cùng với me chua giã dập để dịu bớt mùi mắm và nước lẩu thêm dịu ngọt. Nêm ít muối, đường, bột ngọt cho vừa ăn.
Khi nước sôi thì cho cá tươi làm sạch thái khúc vừa ăn, cá bông lau hoặc cá lóc vào nồi luộc chín thì gắp ra đĩa. Tiếp đến là các loại rau: bạc hà, măng tre, cà chua thái lát, giá đỗ cùng với các loại rau thơm thế là đã có món lẩu mắm đậm đà hương vị xứ Quảng hòa quyện với hương vị miền sông nước.
Món lẩu mắm có thể ăn cùng với bún hoặc cơm khi cả gia đình quây quần bên nồi lẩu bốc hơi thơm phức.
Xu xoa
Rau đông khô được ngâm qua một đêm, rửa lại cho sạch tạp chất và nấu cùng nước ngọt, sạch. Sau khi rau tan hoàn toàn trong nước bắt đầu đổ ra chén hoặc các khuôn làm bánh theo sở thích của người nấu và được gọi là xu xoa. Rau đông mọc trên các gành đá vòng quanh huyện đảo và được người dân thu hoạch từ tháng giêng đến tháng 4 âm lịch hàng năm.
Xu xoa chỉ ngon khi ăn kèm với nước đường được sên từ đường vàng hoặc đường muỗng và một ít gừng tươi đập nát sau khi đã được nướng vàng trên lửa.
Xu xoa Lý Sơn hoàn toàn không pha với bột rau câu nên miếng xu xoa dễ dàng tan ngay trong miệng đem lại nét đặc biệt của món ăn vặt này.
Tác giả bài viết: Tùng Anh (th)