Ngon như vịt chạy đồng mùa mưa xứ Quảng
- 15:30 29-10-2015
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Má tôi đội chiếc nón tời, tay giữ chặt chú vịt đang kêu “cặp…cặp …”, bước thấp bước cao ngoài vườn nói vọng vào nhà “hôm nay má đãi tụi bay thịt vịt này nghe”. Vậy là cả nhà, mỗi người góp một tay cùng chuẩn bị trổ tài nội trợ từ món vịt chạy đồng mùa mưa của má.
Con vịt đồng tháng mười, thịt không những ngon một cách “nhức nhối”, mà theo kinh nghiệm dân gian, giữa tiết trời mưa dầm giá lạnh thịt vịt như thang thuốc bổ thượng hạng, có tác dụng điều hoà ngũ tạng, lợi thuỷ, trừ nhiệt, bổ hư, có giá trị dinh dưỡng cao nên rất được nhiều người ưa chuộng.
Vịt chạy đồng tháng mười ngon nhờ nguồn thức ăn cá sông, cá đồng nhiều.
Khác với gà “ăn non”, vịt phải "ăn già" tức chọn con đã trưởng thành, thường là từ sáu tháng trở lên. Khi chọn vịt phải chú ý, vịt quá già hoặc quá non đều dở. Vịt dễ dàng được chế biến thành nhiều món như quay, hông, hầm,... món nào cũng hấp dẫn.
Trong các món ăn từ vịt, người dân xứ Quảng vẫn chuộng nhất là tiết canh, vịt luộc, cháo vịt bởi ngon lại phù hợp với tính cách giản đơn của người dân quê nơi đây. Ba món này nằm trong một "dãy liên hoàn" của quá trình làm và chế biến vịt.
Món tiết canh luôn hấp dẫn cánh đàn ông, thường dùng làm mồi trước trong khi chờ luộc thịt.
Với món tiết canh, cánh đàn ông thường xung phong chế biến vì đòi hỏi một số kỹ năng nhất định, nếu không tiết canh sẽ đông cứng hay không thể đông thì xem như đã thất bại. Chuẩn bị chén có sẵn nước mắm hòa với nước sôi nguội để "hãm" tiết vịt. Cắt tiết vịt nên chọn động mạch cổ, cắt cẩn thận, không để phạm phải cuống họng. Bỏ đi một ít tiết đầu và cuối; nên chuẩn bị sẵn chén để đựng tiết này, sau đem luộc cùng với lòng vịt. Trong khi tiết đang chảy, nhẹ nhàng dùng đũa khuấy đều; đem để nơi thoáng mát, cố định; tuyệt đối tránh di chuyển, rung lắc làm “động” tiết. Độ chừng nửa tiếng, nếu thấy có một lớp mỏng huyết tương xuất hiện trên bề mặt chén là có thể yên tâm. Tiếp đến, cắt nhỏ cổ họng, lườn, tim, gan, mề đã luộc trộn với gia vị, sắp đều ra đĩa. Sau cùng, nhẹ nhàng đổ chén tiết canh vào tô nước luộc vịt để nguội (lượng nước bằng lượng tiết vịt trong chén), dùng muỗng khuấy đều rồi đổ ra đĩa. Khi khuấy phải hết sức nhẹ nhàng, không được chậm quá mà cũng không được nhanh quá. Vài phút sau, tiết canh đông hẳn rồi mới bưng ra ăn. Để đĩa tiết canh "dậy vị", tăng phần hấp dẫn nên rắc ít đậu phụng, tiêu, chanh tươi, vài cọng rau thơm, ớt xanh và tuyệt đối không quên “bạn” đi cùng là bánh tráng nướng.
Thường món tiết canh dùng làm mồi trước trong khi chờ luộc thịt. Bỏ thân vịt đã làm sạch vào nồi nước sôi để luộc. Canh già lửa, nêm chút muối và một ít gừng để khử mùi vịt. Kiểm tra vịt chín mềm bằng cách dùng đũa tre đâm vào thịt vịt; nếu đũa có thể xuyên vào thịt và không thấy rỉ máu bên trong nghĩa là thịt đã chín mềm. Gắp miếng thịt vịt chấm nước mắm gừng ăn cùng chuối chát, khế chua, rau thơm,... là đúng vị.
Kế đến, thực đơn áp út của các bữa tiệc thịt vịt đồng quê bao giờ cũng là món cháo. Nguyên liệu để nấu cháo là gạo nếp pha lẫn đậu xanh và gạo tẻ; có thể thêm một ít gan, mề, lòng, đầu cánh cổ vào nồi sẽ ngon hơn và đặc biệt phải dùng nước luộc vịt để nấu. Chừng mươi phút là đã có một nồi cháo lúp búp, nghi ngút khói, thơm nức mũi.
Vịt chạy đồng mùa mưa xứ Quảng quê tôi không chỉ cải thiện được bữa cơm khi lũ chưa rút, mưa vẫn dầm dề, chợ búa khó khăn mà còn là dịp để gia đình, bè bạn tụ tập cùng nhau làm và thưởng thức, từ đó thắt chặt hơn mối quan hệ tình thâm.
Món cháo vịt thanh nhẹ lót dạ cùng đĩa thịt luộc giúp ấm lòng trong ngày mưa dầm dề.
Tác giả bài viết: Thanh Ly