Sự sống mong manh của bé 5 tuổi bị xuất huyết não
- 14:01 17-10-2015
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Những giọt nước mắt như chực trào ra nơi khóe mắt người phụ nữ trẻ, chị chỉ biết lầm lũi bước từng bước một tiến vào góc nhỏ trong phòng, chốc chốc lại quay đầu nhìn về chiếc giường nơi đứa con đầu lòng của vợ chồng anh chị đang quằn quại chống lại cơn đau của bệnh tật. Đó không ai khác là chị Cao Thị Hương (SN1984) Xuân Bắc, Diễn Vạn, Diễn Châu, Nghệ An.
“Cứ nhìn con như thế này, làm cha, làm mẹ như chúng tôi cảm thấy đau lòng lắm”. Rồi câu chuyện về hành trình đi khắp các bệnh viện lớn nhỏ trong nước để giành giật sự sống cho bé Vũ Cao Hà An cũng được anh Vũ Văn Hệ kể lại sau câu nói như cầu xin một điều kì diệu nào đó để cứu lấy con của anh chị.
Giờ đây hai vợ chồng anh chị như bế tắc đến đường cùng và chỉ còn biết nhìn con chờ chết.
Năm 2014, bé lên cơn sốt cao, nghĩ trẻ nhỏ ốm vặt là chuyện thường nên chị chỉ cho bé uống thuốc hạ sốt. Thế nhưng, thuốc hết cả dây rồi bé vẫn chưa đỡ chị mới hốt hoảng ôm con vào bệnh viện huyện. Bệnh viện huyện không đỡ, chị lại một mình ôm con vào viện Nhi Nghệ An.
Tại đây, các bác sĩ kết luận bé mắc Lao hạch nên đề nghị nhập viện điều trị. Lúc này, anh Hệ đang bươn chải nơi Sài Thành cố kiếm từng đồng mua cho con hộp sữa bồi dưỡng sức khỏe.
“Nhận được tin con ốm nhưng tôi không thể về ngay bởi khi đó trong người không có nổi một xu. Công việc tôi đi làm bữa đực bữa cái được đồng nào tôi gửi về hết cho vợ ở nhà lo con cái. Tôi vào đây một mình chẳng có bạn bè người thân nên không tìm ra người có thể mượn tạm dăm bảy trăm tiền xe mà về cùng vợ chăm con”. Anh Hệ cho biết. Vậy là hằng đêm một mình chị Hương thức trắng ôm con ở bệnh viện.
Nhìn thấy con ngày một yếu đi, toàn thân xanh như tàu lá chuối, èo uột, các cơ quan chức năng dần bị tê liệt, lúc mê nhiều hơn lúc tỉnh. Chị sốt ruột xin được chuyển viện cho bé khẩn cấp. Rồi chiếc xe cấp cứu lao vun vút trong đêm đưa chị và bé tới bệnh viện Lao phổi Trung ương.
Tại đây các bác sỹ đã tiến hành xét nghiệm, hội chuẩn và kết luận bé bị nhiễm nấm toàn thân, suy đa tạng, xuất huyết não thất… Cầm tờ giấy kết quả chị như ngã gục, chị cứ thế nấc lên từng tiếng trong cuộc điện thoại trao đổi về bệnh tình của bé với chồng.
Hà Nội đắt đỏ, số tiền mang theo trong người chẳng mấy chốc mà hết. Chị đành bấm bụng bán đi con bê, tài sản quý giá nhất trong nhà của vợ chồng anh chị dồn cả vào chữa bệnh cho con. Thế nhưng, tiền thuốc mỗi ngày đã ngốn hết cả triệu bạc, con bê cũng chỉ cầm cự được cho anh chị dăm bảy ngày rồi hết sạch.
Còn nước còn tát, để cứu con, anh chị đã phải “vái” anh em xa, láng giềng gần đâu có thể mượn được anh chị đều mượn sạch. Số tiền vay nội, mượn ngoại nhanh chóng lên đến con số hàng trăm triệu đồng khiến nỗi lo nợ nần càng đè nặng thêm trên đôi vai mỏng manh của đôi vợ chồng trẻ.
Tốn bao nhiêu cũng được, anh chị chỉ mong sao bé khỏe lại vui cười mỗi ngày với mọi người nhưng dường như càng hi vọng thì càng thất vọng. Sau những mũi tiêm cùng đơn thuốc cả triệu đồng mỗi ngày để duy trì sự sống cho bé dường như khiến bé ngày càng tiều tụy hơn.
Bệnh này chưa khỏi bệnh khác đã ập tới, bé bị thêm chứng xuất huyết, cơ thể lịm đi, mất dần khả năng nhận thức. Có những ngày, tưởng chừng như anh chị đã mất con mãi mãi. Thế nhưng khao khát sống của bé chưa dừng lại, từng tiếng khóc của bé nấc lên cũng là lúc những giọt nước mắt của anh chị rớt xuống nửa vui mừng xen lẫn lo lắng.
“Ngày đó máu con ra nhiều lắm, không phải từng giọt mà máu vón cục lại cứ thế tuôn ra từng dòng ướt đẫm cả chiếc nệm nhỏ lót cho con nằm. Lúc đó, chị chỉ biết quỳ xuống mà cầu xin các bác sỹ hãy cứu lấy con của em. May thay, con vẫn còn bên vợ chồng chị dù cho giờ đây con chỉ biết nằm một chỗ”, chị Hương tâm sự.
Bé An giờ đây không động đậy, không nhúc nhích, chân tay mềm nhũn như sợi bún, chỉ còn đôi mắt đang mở to, tròn, trong veo. Nhưng nhìn cũng là nhìn vậy thôi chứ bé nào đâu thấy gì nữa. Đôi mắt bé đã mờ dần đi vì căn bệnh. Hằng ngày, bé sống nhờ bình ô xy nên lúc nào chiếc bình ô xy to tướng cũng được dựng sẵn ngay đầu giường bé.
Thức ăn đưa vào miệng bé cũng không thể nào nuốt nổi, gia đình đành phải đặt ống xông để đưa cháo và sữa loãng vào cho bé. Thỉnh thoảng cứ vài ba tiếng anh Hệ lại phải hút đờm cho con.
“Ống hút đờm đáng lẽ chỉ được dùng một lần, xong lại vứt đi thay cái mới nhưng tôi còn dùng thêm mấy lần nữa. Cứ mỗi lần hút xong vợ tôi mang ra luộc lại phơi khô để tôi tiếp tục hút cho bé vào lần sau. Dù biết như thế là không vệ sinh, nguy hiểm nhưng chẳng còn cách nào khác nữa. Mỗi ống hút đờm giá chỉ chừng vài chục ngàn thế mà vợ chồng tôi vẫn không thể thay được thường xuyên cho con …”. Nói tới đây anh Hệ cười. Nhưng nụ cười của anh xen lẫn những dòng nước mắt đang lăn dài trên đôi má.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: Chị Cao Thị Hương, thôn Xuân Bắc, xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Điện thoại: 01683.933.652 - anh Hệ.
Tác giả bài viết: Nguyễn Duy