Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Bán bánh mì khách tự phục vụ, tính tiền theo kg ở Sài Gòn

Khách đến cửa hàng và tự cắt bánh, chọn các loại thịt, pa tê, nước sốt… theo ý muốn. Sau khi khách hoàn thiện ổ bánh mì cho mình, nhân viên cửa hàng mới tính tiền.

Bán bánh mì thuần Việt Nam nhưng một cửa hàng trên đường Võ Văn Tần, quận 3, TP HCM trang trí theo phong cách rất Tây và khách phải tự phục vụ. Không gian quán khá nhỏ, chỉ đủ chỗ ngồi khoảng 25 khách. Khách đến đây tự lấy bánh mì, chọn các loại thịt nguội, nước sốt theo ý muốn, nhân viên chỉ có nhiệm vụ tính tiền.

Bán bánh mì khách tự phục vụ, tính tiền theo kg ở Sài Gòn
Khách tự chọn những loại thịt, chả theo ý thích và hoàn thiện ổ bánh mì cho mình. Ảnh: Zen Nguyễn.

Tuy mới xuất hiện nhưng kiểu kinh doanh bánh mì này nhận được nhiều sự quan tâm của thực khách, nhất là dân văn phòng. Anh Liêm (quận 3) cho biết, giá trung bình một ổ bánh mì ở đây khoảng 25.000 đồng là khá cao, nhưng cách bán này giúp khách tự cân chỉnh, chọn được các loại nguyên liệu, khi ăn sẽ không bị ngán.

"Từ trước đến nay chỉ thấy người bán làm bánh mì theo yêu cầu của khách. Giờ tự mình phục vụ mới thấy để chế biến một ổ bánh mì không đơn giản", thực khách này chia sẻ. 

Theo nhân viên của quán, bánh mì bán tại đây không tính tiền theo từng ổ như cách thông thường mà sẽ tính theo cân nặng. Sau khi khách chế biến ổ bánh theo ý mình,  nhân viên cân lên để tính tiền. Với mức 16.000 đồng/100 gram, trung bình một ổ bánh mì tự phục vụ có giá 25.000-30.000 đồng. Cửa hàng mở cửa từ 7h-22h nhưng lúc nào cũng đông khách.

Bán bánh mì khách tự phục vụ, tính tiền theo kg ở Sài Gòn
Bánh mì được cân để tính tiền với giá 16.000 đồng/100 gram. Ảnh: Zen Nguyễn.

Chủ cửa hàng bánh mì tự phục vụ là anh Nguyễn Mạnh Hà (ở quận 2), nguyên là chủ một chuỗi nhà hàng lẩu chay khá nổi tiếng ở TP HCM. Anh cho biết, từ trước đến nay, khách hàng vốn chỉ xem bánh mì là món ăn sáng hoặc ăn bữa phụ. Anh đang tìm cách thay đổi để mong khách xem món này như thức ăn cho các bữa chính trong ngày. Song để thay đổi thói quen của khách, cửa hàng phải tạo ra một dịch vụ mới lạ, gây chú ý. Phải mất khá nhiều thời gian học hỏi các mô hình bánh tự chọn ở nước ngoài, anh mới thử nghiệm mở quán. 

“Tôi muốn bánh mì Việt trở thành một loại thức ăn nhanh như hamburger, hotdog… của phương Tây. Hình thức tự phục vụ này làm khách hàng thích thú, vì họ tự điều chỉnh khẩu vị. Việc cân tính tiền là để khách hàng có trách nhiệm với phần nguyên liệu nhồi vào bánh, phù hợp với khẩu phần ăn, không bị thừa. Thực tế, dù khách có nhồi căng bánh toàn thịt với chả, thì sau khi cân một ổ cũng chỉ có giá 30.000 đồng”, anh Hà chia sẻ.

Tuy nhiên, theo anh Lựu, chủ một lò bánh mì ở quận 5, đặc điểm của bánh mì Việt Nam là sau khi ra lò một thời gian nhất định bánh sẽ bị cứng, rất khó ăn. Nếu cửa hàng không thay bánh thường xuyên sẽ khiến chất lượng bánh không ngon. Mặt khác, thói quen người Việt vẫn thích mua bánh mì bán ven đường hơn, vì tiện lợi, giá rẻ, dù nhiều nơi vệ sinh an toàn thực phẩm kém.

Tác giả bài viết: Zen Nguyễn