Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nguy cơ bỏ học của những đứa trẻ trong mái nhà rách

Mẹ bệnh nằm liệt giường, hai đứa trẻ bại liệt, ba đứa còn lại vốn luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi đứng trước nguy cơ nghỉ học giữa chừng.

Trong gian nhà cấp 4 nằm bên dòng Khe Lội, xóm 11, xã Văn Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An, anh Nguyễn Quế Phong một mình vật lộn chăm sóc cho người vợ ốm đau và hai đứa con bại liệt. Ba đứa con còn lại có thể phải bỏ học vì bất hạnh dồn dập. 

Xuất ngũ năm 1986, anh Phong kết duyên với chị Vũ Thị Phượng ở làng bên. Hai vợ chồng được bố mẹ cất cho gian nhà nhỏ. Năm 1991 họ vui mừng chào đón con trai đầu lòng Nguyễn Xuân Tân. Chẳng may đứa bé sinh ra đã bị bại liệt bẩm sinh, ốm đau thường xuyên nên đã mất khi chưa tròn một tuổi.

Năm 1993 chị Phượng tiếp tục sinh con gái thứ hai Nguyễn Ngọc Ánh. Bé gái có khuôn mặt xinh xắn nhưng bị bại liệt, hai chân teo tóp, thân thể èo uột. Khi biết đứa con thứ hai cũng bị tật nguyền, chị Phượng đã ngất xỉu. Sau cơn ốm liệt giường, tình mẫu tử đã giúp chị gượng dậy tiếp tục sống để nuôi con. Vợ chồng anh đã đưa con đi khắp các bệnh viện tỉnh, trung ương để điều trị nhưng vô hiệu. Các bác sĩ xác định cháu bé bị bại liệt bẩm sinh khó có thể cứu chữa.

những nhà hảo tâm hãy hãy mở rộng vòng tay giúp đỡ cho gia đình anh vượt qua cơn hoạn nạn

Anh Phong đang chăm sóc người vợ ốm và hai đứa con tật nguyền. Ảnh: Tiến Dũng.

Gần một năm trời con nằm viện, tiền bạc trong nhà đều đội nón ra đi, vợ chồng anh đành phải đưa con về nhà. Nỗi bất hạnh, cơ cực khiến vợ anh Phong gầy xọm đi. Khát khao có những đứa con khỏe mạnh vẫn luôn thường trực trong vợ chồng anh. Năm 1994 chị Phượng sinh tiếp đứa con trai thứ ba là Nguyễn Quang Sáng và năm 2000 ra đời con gái thứ tư Nguyễn Thị Thắm. May mắn, hai đứa trẻ sau sinh ra lành lặn, là niềm an ủi cho vợ chồng anh. Năm 1996 chị Phượng tiếp tục mang thai đôi và sinh hai bé trai là Nguyễn Xuân Việt và Nguyễn Xuân Nhật. Tuy nhiên, cháu Việt cũng mắc bệnh bại liệt như anh chị của mình.

Anh Phong buồn rầu cho biết: “Bác sĩ chẩn đoán các cháu bị bệnh bại liệt bẩm sinh là do ảnh hưởng của chất độc da cam. Có lẽ ông nội, ông ngoại các cháu đều từng đi bộ đội ở chiến trường ác liệt những năm chống Mỹ nên bị ảnh hưởng dioxin”.

Tật nguyền, hai chân teo tóp không được đến trường như các bạn cùng trang lứa, cô con gái thứ hai Nguyễn Ngọc Ánh đã một mình khổ luyện bằng cách tự học. Người bố cho biết hồi 6 tuổi Ánh đòi đi học nhưng vợ chồng anh không có thời gian đưa con đến trường. Ánh buồn lắm. Niềm khát khao con chữ đã thôi thúc em tự học bằng sách vở của đứa em trai. Sáng dạ và nghị lực, Ánh đã tự học hết chương trình lớp 12. Hiện Ánh làm cô giáo để dạy cho đứa em tật nguyền Nguyễn Xuân Việt. Đến nay Việt đã đọc thông, viết thạo và giải thành công các bài toán khó của lớp 5. 

Ánh đang nhờ em trai mượn tài liệu, sách vở để học chương trình cao hơn, ước mơ trở thành một người giỏi về máy tính như Hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng. “Đó chỉ là ước mơ thôi, hoàn cảnh gia đình em không thể mua được chiếc máy tính…”, Ánh buồn rầu nhìn xuống đôi chân tật nguyền của mình.

Con trai thứ ba Nguyễn Quang Sáng, đi học một buổi, thời gian còn lại giúp bố mẹ công việc nhà, đồng áng rồi ra đồng mò cua, bắt ốc… Làm lụng quần quật nhưng từ lớp 1 đến lớp 12 Sáng luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện và thi đậu vào Đại học Giao thông vận tải. Nguyễn Thị Thắm (lớp 9) và Nguyễn Xuân Nhật (lớp 6) đều là học sinh giỏi toàn diện của trường THCS Văn Thành.

Anh Phong nghẹn ngào: "Thế mà thằng Sáng và hai đứa em nó đang định bỏ học, bảo là nhà khổ quá, mẹ ốm không có tiền đi viện, chỉ sợ tôi đổ bệnh nằm xuống thì cả gia đình không biết đi về mô”. Bà Nga hàng xóm chia sẻ, anh Phong vừa làm cha vừa là mẹ của các con, gánh từ chuyện làm lụng kiếm tiền đến vào bếp nấu ăn, giặt giũ, bón cơm cho các con. Bà kể: "Có lần lao lực quá mà còn nhịn ăn để dành cho các con nên chú ấy ngất ngay trên ruộng cày, may có người phát hiện kịp đưa đi cấp cứu không thì nguy".

Ông Nguyễn Quế Lĩnh, Phó chủ tịch xã Văn Thành, nhìn nhận gia đình anh Phong gặp rất nhiều khó khăn. “Địa phương luôn quan tâm giúp đỡ những gia đình khó khăn, người tàn tật trên địa bàn, nhưng không thể chia sẻ với tình cảnh của họ", ông nói.

Tác giả bài viết: Tiến Dũng