Số hóa

Zalo Hackathon và những lý do dân nghiện code không thể bỏ qua

Đây là cơ hội hiếm có để các lập trình viên gặp gỡ những chuyên gia hàng đầu và chinh phục những thử thách khó trong áp lực thời gian.

Cuộc thi được tổ chức bởi Zalo, đơn vị hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ. Những đội chơi được cung cấp Zalo API để tự phát triển sản phẩm, thử sức với những bài toán thực tiễn…

Trong 24 giờ, các đội chơi (từ 3-5 người) phải cùng bàn bạc, thống nhất giải pháp và nhanh chóng hoàn thiện toàn bộ phần code cho sản phẩm của mình. Các thành viên sẽ chiến đấu “xuyên màn đêm” và được ban tổ chức chuẩn bị chỗ ở, cà phê, thức uống, đồ ăn trong suốt thử thách.

Theo Zalo, hội đồng giám khảo và cố vấn là những chuyên gia lập trình nổi tiếng như top coder Khúc Anh Tuấn, Hiệp sĩ CNTT Phạm Kim Long, PGS.TS Trần Minh Triết, cựu giảng viên Đại học Quốc gia Singapore Trần Công Thiên Qui, Zalo Product Director Đào Ngọc Thành, Zalo Technical Director Nguyễn Quang Nam và thầy Phạm Thi Vương, giám khảo quen thuộc của nhiều cuộc thi hackathon tại Việt Nam.

Đặc biệt, với Zalo Hackathon, thí sinh được chọn trước 1 trong 5 đề bài lớn là AI, AR, Chatbox, Music, Mobile Tracking và sensors, nhưng bài toán cụ thể chỉ được tiết lộ ở ngày diễn ra sự kiện. Do đó, áp lực và độ khó sẽ cao hơn so với các cuộc thi khác. Bù lại, thí sinh sẽ được trải nghiệm “Hack” và “Marathon” đúng nghĩa.

Ngay từ bây giờ, các lập trình viên, những người yêu thích công nghệ có thể đăng ký tại https://hackathon.zalo.me/, trước 2/12. Sự kiện sẽ diễn ra vào ngày 16 và 17/12. Phần thưởng của cuộc thi dành cho đội thắng cuộc lên đến 50 triệu đồng.

Hackathon là từ ghép giữa Hack và Marathon. Như tên gọi của nó, áp lực về thời gian là đặc trưng thú vị và là trải nghiệm hấp dẫn với dân coder.

Có thể thấy tự thân mô hình hackathon đã có sức hấp dẫn riêng với dân coder. Hackathon không chỉ đòi hỏi người chơi kỹ năng lập trình mà còn khả năng làm việc nhóm, quản lý thời gian, chịu đựng áp lực cao, khả năng phát triển sản phẩm hoàn thiện…

Trên thế giới, Hackathon đã được nhiều công ty tổ chức thành công. Chẳng hạn, nút Like và chức năng Chat của Facebook cũng là kết quả từ cuộc thi Hackathon. GroupMe - một sản phẩm mà Skype mua lại với giá 80 triệu USD - cũng là một thành tựu từ Hackathon.

Tác giả: Q.H

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP