Trong tỉnh

Yên Thành (Nghệ An): Hàng loạt nhà máy nước bỏ hoang, dân "khát" nước sạch

Trong khi người dân ngày đêm đang “khát” nước sạch thì nhiều nhà máy nước đang xây trên địa bàn nhiều huyện của tỉnh Nghệ An lại phải “đắp chiếu”, nhất là ở huyện Yên Thành đang có hàng loạt nhà máy bị ngưng thi công nhiều năm qua. Qua tìm hiểu được biết, việc ngừng thi công các công trình nước sạch đều có nguyên nhân chính do thiếu vốn theo dự kiến ban đầu.

Dân mỏi mòn chờ nước sạch

Được xây dựng bên sông Vũ Giang, nhà máy nước xã Liên Thành trở thành niềm hi vọng của nhiều hộ dân nơi đây khi họ chưa được dùng nước hợp vệ sinh. Đến nay, nhà máy mới chỉ xong phần xây dựng văn phòng, nhà điều hành, nhà kho, bể chứa, hồ chứa nước thô. Trên sân nhà máy nhiều đống vật liệu ngổn ngang, trang thiết bị thi công cũng đã hoen rỉ. Hiện, có phòng đã được dùng nới để nhốt gà, chó. Hồ chứa nước thô đã bị rêu phong, đục ngầu… chẳng khác ao nuôi cá.

Ông Nguyễn Bá Cận, trú tại xóm Chùa Thàng, xã Liên Thành than thở, ba năm rồi mà chưa thấy hoạt động, máy móc thiết bị cũng chưa lắp đặt. Dân ở đây toàn dùng nước giếng khoan và giếng khơi nhưng nhiều gia đình nước giếng bị ô nhiễm không đảm bảo vệ sinh.

Xây dựng từ năm 2013 nhưng đến nay, nhà máy nước xã Liên Thành vẫn cửa đóng then cài


Được biết, dự án Nhà máy nước sạch Liên Thành có tổng mức đầu tư được phê duyệt 26 tỉ đồng. Trong đó, 60% vốn từ Trung ương, địa phương đối ứng 40%, do UBND xã Liên Thành làm chủ đầu tư. Năm 2013 khởi công xây dựng, dự kiến sau khi hoàn thành sẽ cấp nước sinh hoạt cho 1.700 hộ với 7.000 nhân khẩu. Tuy nhiên, Dự án đang trong quá trình xây dựng và mới được cấp 7 tỷ đồng thì nguồn vốn bị dừng cấp nên công trình tạm ngừng thi công từ tháng 7/2015 đến nay. Hiện, tại xã Liên Thành có 8 xóm thuộc vùng trũng, người dân ở đây lâu nay dùng nước từ giếng khoan nhiễm phèn, nước sông Vũ Giang, kênh thủy lợi và nước mưa nên nhu cầu dùng nước hợp vệ sinh trở nên bức thiết.

Ông Đặng Ngọc Công, Chủ tịch UBND xã Liên Thành cho biết, xã đã tìm nhà đầu tư mới là Công ty TNHH Liên Công là doanh nghiệp tại địa phương có năng lực để thi công tiếp. Chúng tôi sẽ thực hiện xã hội hóa khoảng 10 tỷ đồng nhưng trước mắt phải hoàn thành nhà máy để cấp nước. Xã đã giao cho nhà thầu tiếp tục vận động các nguồn vốn khác. Sau khi hoàn thành, đưa nước theo đường ống về các tuyến đường ở các xóm khi đó địa phương mới huy động nhân dân đóng góp được dễ dàng.

Vật liệu trong sân vẫn còn ngổn ngang, thiết bị thi công hoen rỉ


Cùng cảnh ngộ, Nhà máy nước xã Minh Thành xây dựng cạnh trục đường trung tâm xã. Khi phóng viên tiếp cận, nhà máy chỉ mới hoàn thành 2 dãy nhà tường còn nguyên màu xi măng. Sân, đường nội bộ của nhà máy chỉ là một đám cỏ may. Trong 2 dãy nhà thì có tới hai phòng dùng chỗ cất ngói lợp, hai phòng người đi chăn trâu bò dùng nhốt gia súc vào buổi trưa nên trở nên bẩn thỉu, hôi hám. Phía sau, hai bể lắng lọc cũng đã rêu phong, cỏ xung quanh mọc um tùm. Hồ dẫn nước thô vào nhà máy cỏ dại đã mọc xuống sát mép nước.

Theo tìm hiểu, Dự án cấp nước sạch xã Minh Thành có tổng mức đầu tư gần 25 tỷ đồng, trong đó hơn 18 tỷ đồng xây lắp, 1,8 tỷ thiết bị… Khởi công từ năm 2012, sau một năm thi công, dự án phải dừng lại vì “điệp khúc”… thiếu vốn. Nhà máy có công suất 450m3/ngày đêm, sau khi hoàn thành đưa vào vận hành sẽ cung cấp nước cho 7 xóm có 978 hộ với 5.380 nhân khẩu. Đến cuối tháng 8/2017, dự án đã hoàn thành các hạng mục như: hồ chứa, bệ đặt công nghệ, bể chứa, nhà quản lý vận hành, nhà thiết bị, hố van, hệ thống đường ống và phụ kiện, thử áp lực ống và đường ống dẫn nước tại 7 xóm. Dự án hiện đã giải ngân được số tiền gần 13 tỷ đồng.

Chị Nguyễn Thị Mai, nhà ở xóm 9, xã Minh Thành chia sẻ, nhà tôi ở gần khe, nước cũng bị phèn, khi lọc để dùng thấy vàng bộ phận lọc. Nhà máy nước xây đã lâu, hiện, đường ống rải dưới đất chắc nhiều nơi cũng bị vỡ rồi. Nhà tôi cũng muốn có nước sạch sớm để dùng cho hợp vệ sinh đảm bảo sức khỏe…

Hồ chưa nước mọc rêu, đục ngầu

Đang nỗ lực khắc phục

Yên Thành là huyện đồng bằng bán sơn địa, toàn huyện có 18 xã miền núi, 15 xã vùng sâu trũng vào mùa mưa thường bị ngập úng, lũ lụt. Trước thực trạng đó, để đảm bảo nước sạch cho nhân dân, huyện Yên Thành đã kêu gọi, thu hút đầu tư các nhà máy nước sạch trên địa bàn huyện. Đến nay, toàn huyện đã có 15 công trình nhà máy cấp nước sạch, trong đó 8 công trình đã đi vào hoạt động cấp nước sạch cho nhân dân 12 xã trên địa bàn huyện, 7 công trình đang trong quá trình xây dựng. Hiện nay, trong 7 công trình đang xây dựng có 6 công trình đang tạm ngừng thi công do thiếu vốn, gồm nhà máy nước ở các xã: Phú Thành, Liên Thành, Phúc Thành, Tây Thành, Minh Thành và Đô Thành. Các công trình nhà máy nước sạch được xây dựng chủ yếu từ các nguồn vốn, như: Ngân sách tỉnh, trái phiếu Chính phủ, chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường, vốn vay Jica, nguồn đóng góp của nhân dân... Tất cả các công trình cấp nước sạch trên địa bàn huyện Yên Thành do các xã làm chủ đầu tư.

Nhà máy nước xã Minh Thành nằm chỏng chơ ở bãi đất trống


Trước những khó khăn về nguồn vốn, hiện nay, huyện Yên Thành giao cho các phòng, ngành liên quan phối hợp với UBND các xã giá đánh giá chính xác khối lượng, nguồn vốn đã giải ngân, năng lực nhà thầu để từ đó xây dựng giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Đối với các nhà thầu xây lắp có năng lực yếu, huyện chỉ đạo chủ đầu tư tiến hành thay thế nhà thầu có năng lực vận hành đẩy nhanh tiến độ thi công. Với các chủ đầu tư không có khả năng huy động nguồn vốn thì tiến hành chuyển chủ đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án cũng thường xuyên đốc thúc các nhà thầu xây lắp đẩy nhanh tiến độ thi công trình theo hợp đồng đã được ký kết đảm bảo đúng tiến độ đề ra.

Các dãy nhà của công trình nước Minh Thành từ lâu trở thành kho chứa ngói lợp, nhốt gia súc.


Ông Nguyễn Văn Dương, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Yên Thành cho biết, trước hết đề nghị Trung ương với tỉnh hỗ trợ các xã chưa nhận đủ số vốn đã phê duyệt, với các địa phương đã nhận đủ thì tiếp tục huy động các nguồn để đủ số vốn đối ứng. Huyện đã kêu gọi các doanh nghiệp đủ năng lực để đầu tư xây dựng sau đó sẽ thu hồi vốn trong quá trình vận hành và khai thác. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tổ chức lồng ghép các nguồn vốn có thể đưa vào được để làm. Tiếp tục chỉ đạo UBND các xã làm tốt công tác tuyền truyền, vận động nhân dân trên địa bàn xã để huy động nguồn đóng góp của nhân dân theo cơ chế cũng như ngân sách địa phương để làm đối ứng.

Được biết, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh Nghệ An có 14 công trình cấp nước sạch được triển khai xây dựng ở bốn huyện: Yên Thành, Diễn Châu, Hưng Nguyên và Quỳnh Lưu, với tổng mức đầu tư 318 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau nhiều năm khởi công, nhiều công trình đang “chết yểu” vì thiếu vốn đầu tư, khối lượng thực hiện thấp, chủ đầu tư chưa huy động được vốn đối ứng để thực hiện.

Tác giả: Phạm Tuân – Tưởng Cao

Nguồn tin: Báo Tài nguyên & Môi trường

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP