Xã hội

Xứng danh “Anh Cả”

Sinh năm 1947 tại huyện Khoái Châu tỉnh Hưng Yên, trưởng thành từ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tham gia TNXP rồi vào Quân đội, nay nghỉ hưu làm Chủ tịch Hội cựu TNXP huyện Thanh Chương Ông Nguyễn Xuân Đạm được nhiều đồng đội gọi là anh cả. Bởi bản tính hay làm, tháo vát và rất mực thương yêu đồng đội.

Năm 1966, lúc mới 19 tuổi đang làm kế toán trưởng Hợp tác xã và Phó Bí thư Đoàn xã chàng thanh niên Nguyễn Xuân Đạm được Huyện cử đi học lớp đào tạo cán bộ Thanh niên xung phong tại Hà Nội. Một năm sau ra trường được cử làm đại đội trưởng một đại đội TNXP có tên C 1094 chuyên làm đường ở huyện Tuyên Hóa và phục vụ giao thông tại bến Phà Bình Ca tỉnh Tuyên Quang. Chưa đầy một năm sau đó anh chuyển vào phục vụ chiến đấu cùng Lữ đoàn công bình 249 của Bộ Tư lệnh công binh, chuyên mở đường lắp gép cầu phà ở trọng điểm phà Long Đại và Quán Hàu là những tọa độ lửa ở Quảng Bình để phục vụ cho chiến dịch Mậu Thân 1968. Địa bàn chiến đấu được trải dài từ Bờ bắc sông Ba Lòng (Quảng Trị giáp Thừa Thiên) đến thị xã Đồng Hới. Trước chiến dịch Janxơn- Citi đơn vị anh được giao nhiệm vụ đặc biêt: lắp đặt cầu phà cho một trung đoàn xe tăng lần đầu tiên tham gia chiến đấu. Trong chiến dịch này với tư cách là người chỉ huy đơn vị phục vụ Đạm đã có 2 sáng kiến làm thay đổi được tình hình, bảo đảm an toàn cho đoàn xe. Lần thứ nhất là do áp lực thời gian nên đoàn xe di chuyển hơi sớm mà không đợi trời tối nên đã gây nên một vệt bụi mù trên đường. Sau khi bị máy bay trinh sát OV10 phát hiện, một tốp F4 đã đến đánh phá rất ác liệt. Thay vì chạy tiếp để tránh, Đạm chỉ huy cho xe quay đầu vào sâu trong vùng bom đan. Ngỡ là các mục tiêu đã bị tiêu diêt các máy bay bỏ đi, đoàn xe đã được bảo vệ. Tiếp đó khi đến cầu Đá Mài thuộc địa bàn Nông trường cao su Việt - Trung do cầu làm tạm nên khi đoàn xe tăng mới đi được 5 chiếc thì cầu gãy một chiếc rơi xuống hơn hai chục chiếc còn nằm lại phía sau. Phải khắc phục tình hình để đoàn xe qua cầu đó là mệnh lệnh nhưng cũng là một nhiệm vụ không dễ. Với kinh nghiệm của một người đã từng gắn bó với núi rừng Tuyên Quang Đạm phán đoán đây là vùng thượng nguồn, dưới cầu là vực nhưng phía trên và dưới chắc là thác cạn, vừa nghĩ vừa soi tìm quả đúng như anh đoán: phía dưới khoảng 100 m là vùng suối cạn. Anh vội ra lệnh cho trung đội tìm cây, vác đá lấp dòng, nhờ lực lượng bộ đội thiết giáp phá các rọ đá ở mố cầu chuyển xuống hỗ trợ. Nhờ vậy, đoàn xe tăng đã qua được trọng điểm an toàn trong đêm. Kết thúc chiến dịch bản thân Đạm và đơn vị anh được Bộ tư lệnh Tăng thiết giáp tặng thưởng Bằng khen ngay tại chiến trường. Đạm cũng là người đã có nhiều sáng kiến kinh nghiệm trong việc làm sống lại nhiều chiếc ca nô, thiết bị khí tài, có lúc chỉ một đoạn dây cáp vài mét cũng có thể làm nên một chuyện lớn. Lữ đoàn công binh 249 tôn gọi anh là “vua khắc phục” nhưng theo anh chẳng có gì đáng gọi là “vua” cả, chỉ là ý thức trách nhiệm và sự cẩn thận mà thôi. Sau nhiều năm chiến đấu tại tọa độ lửa anh và đơn vị được tăng cường cho chiến trường B2 miền đông Nam bộ, tham gia giải phóng miền Nam. Sau ngày thống nhất Đạm về công tác tại Bộ tư lệnh công bình và về hưu với quân hàm Trung tá sống cùng vợ con tại nơi từng đóng quân là Thị Trấn huyện Thanh Chương.
DSC 5858
Ông Nguyễn Xuân Đạm có rất nhiều kỷ vật, phần thưởng, trong đó chiếc huy hiệu Thanh niên xung phong chống Mỹ là một kỷ vật mà ông luôn trân trọng

Với bản tính hay làm, khả năng tháo vát nhiệt tình và uy tín cao, về hưu được mấy tháng ông được cử làm bí thư khối trưởng, kiêm Phó Ban liên lạc hưu trí (sau gọi là ban chi trả hưu trí) nhiều khóa là đại biểu HĐND Thị trấn. Năm 2007, khi có chủ trương thành lập Hội Cựu Thanh niên xung phong ông được bầu làm Chủ tịch Hội của Thị trấn. Một năm sau được bầu làm Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Thanh Chương. Từ đó đến nay qua nhiều kỳ đại hội ông vẫn được tín nhiệm bầu giữ chức vụ này. Ngoài công tác tổ chức và thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên của tổ chức nét đặc biệt nhất ở ông là chăm lo cho chính sách chế độ và đời sống của Hội viên. Từ chỗ thiệt thòi không có chế độ gì đến nay đã có 974 hội viên cựu TNXP trên toàn huyện được hưởng chế độ trợ cấp 1 lần, 583 người được hưởng chế độ thương binh, 64 người được công nhận liệt sỹ, 42 người được hỗ trợ làm nhà ở, quỹ nghĩa tình đồng đội của huyện có trên 1,5 tỷ đồng, 5 năm gần đây tỷ lệ hộ hội viên đói nghèo giàm từ 7,5 % xuống chỉ còn 4 %.
DSC 5871
Ông Nguyễn Xuân Đạm đang trao đổi kinh nghiệm làm ăn với chị Mai Linh là một cựu Thanh niên xung phong làm kinh tế giỏi ở Thị trấn Thanh Chương


Từ một Phó Bí thư đoàn xã, trải qua những năm tháng hào hùng và nay đã bước sang tuổi “cổ lai hy” nhưng Nguyễn Xuân Đạm hãy còn rất khỏe mạnh. Hàng này ngoài việc đến trụ sở Hội để làm việc, tham mưu để giải quyết chế độ chính sách đảm bảo quyền lợi cho Hội viên, duy trì phát triển công tác hội ông còn thường xuyên bám cơ sở để tôn vinh, cổ vũ các mô hình cựu Thanh Niên xung phong làm kinh tế giỏi. Không được gọi là “vua” như ở chiến trường các cựu TNXP huyện Thanh Chương gọi ông là “anh cả”. Người anh luôn tâm huyết trách nhiệm và hết lòng vì đồng đội.

Tác giả bài viết: Trần Đình Hà

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP