Thể thao

Xuân Trường ơi! Về V.League mà cứu đời cầu thủ!

Lương Xuân Trường phải nghiêm túc với chính tương lai của mình. 7 trận đấu ở cấp CLB suốt hai năm qua là cái giá phải trả quá đắt cho ảo vọng của chính những người giúp Trường bước ra ánh sáng…

Xuân Trường đặt chân đến Hàn Quốc với vô vàn sự kỳ vọng từ người hâm mộ, thế rồi, 4 trận đấu cho Incheon United, 3 trận đấu cho Gangwon FC kéo từ kỳ vọng trở thành âu lo. Hai năm trước, cậu đến Hàn Quốc với hàng ngàn lời chúc mừng trong sự hân hoan còn hiện tại là ngần ấy lời nhắn mong Trường trở về.

Khoảnh khắc này là bước ngoặt lớn thứ hai trong sự nghiệp cầu thủ của Xuân Trường sau việc gia nhập lò đào tạo HAGL Arsenal JMG.


"DONG FANGZHUO” CỦA VIỆT NAM

Mỗi lần đội tuyển quốc gia hay U23 Việt Nam tập trung người hâm mộ lại thấy thông tin VFF nỗ lực đàm phán với các CLB chủ quản của Xuân Trường. Sự thật chưa lần nào Incheon United hay Gangwon FC từ chối dù đó không phải trận đấu thuộc “FIFA day”. Một chi tiết đủ để hiểu tầm quan trọng của Xuân Trường với hai đội bóng của Hàn Quốc.

“Incheon từng nổi tiếng là CLB có tư duy sáng tạo đi trước tất cả, nhưng có lẽ HLV của họ lúc đó, ông Kim Do Hoon không muốn thương vụ mượn Trường xảy ra. Đến bây giờ bí mật vẫn giữ kín và rõ ràng Xuân Trường không phải sự bổ sung mà Kim Do Hoon cần. Trước khi rời khỏi CLB, ông Do Hoon chỉ cho Trường ra sân 1 lần”, nhà báo John Duerden của Fox Sports Asia đánh giá.

Ông viết tiếp: “Trong cả năm 2016, Trường chỉ được thi đấu 4 trận và chưa có lần nào đá đủ 90 phút. Tiền vệ sinh năm 1995 rời bờ biển miền tây để di chuyển sang miền đông, gia nhập Gangwon, đội bóng cung cấp cho Trường tương lai sáng sủa hơn. Thế nhưng ở đội bóng mới, Trường thậm chí còn ra sân ít hơn với chỉ 3 trận và 152 phút”.

"Vũ khí" khiến nhiều người nhớ đến Xuân Trường chính là khả năng chuyền dài vượt tuyến cực tốt.

Ở ngưỡng tuổi 20, Trường đứng trước giai đoạn chuyển giao quan trọng bậc nhất trong sự nghiệp cầu thủ. Trường có một năm 2014 thi đấu rất hay cùng U19 Việt Nam và U19 HAGL. Một năm 2015 ra mắt V.League, không quá hay nhưng đủ để cảm nhận áp lực từ sân chơi số 1 của bóng đá Việt Nam. Guồng quay sự nghiệp của Trường đáng lẽ phải phát triển lại liên tục chững lại suốt hai năm qua.

Nếu không có những lần tập trung đội tuyển quốc gia và U23 Việt Nam thì người hâm mộ có lẽ sẽ chẳng được thấy hình bóng tiền vệ người Tuyên Quang sải bước trên thảm cỏ xanh.

Từ ngày tới Gangwon FC, Xuân Trường mất 2 tháng để hồi phục chấn thương. Tháng 2/2017, tỉnh Gangwon chọn cậu làm đại sứ hình ảnh. Tháng 6, Trường được bổ nhiệm là Đại sứ y tế Hàn Quốc. Tháng 8, người hâm mộ thấy cậu đóng quảng cáo cho Công ty đồ ăn Ottogi. Cuối tháng 9, Trường dự sự kiện tình nguyện “Cứu trợ trẻ em từ ung thư” ở Hàn Quốc.

Tháng 10, Trường cùng các đồng đội đi làm từ thiện đại diện cho nhà tài trợ VPMilk, xen giữa là những lần đóng quảng cáo. Chẳng mấy ai còn nhớ Trường đã có 2 trận đá chính ở K-League Classic vào tháng 7 cùng 1 trận ở FA Cup Hàn Quốc vào tháng 5. Trường gần như làm bạn với đội dự bị Gangwon FC ở R-Leauge. Mọi thứ đang đẩy Trường ra xa khỏi sự phát triển trình độ chuyên môn.

Hình ảnh của Xuân Trường trong năm 2017 ở cấp CLB gắn liền với các hoạt động sự kiện bên ngoài hơn là chuyên môn trên sân cỏ. Ảnh: Trung Thu.

SEA Games 29 là một trong những giải đấu Xuân Trường thi đấu kém nhất khi khoác trên mình màu áo đỏ. Không bàn thắng, không kiến tạo, một Xuân Trường quá đỗi bình thường bước đi với đôi chân đeo chì trên đất Malaysia. Kỳ SEA Games cuối cùng trong sự nghiệp thất bại, mục tiêu lớn nhất trong năm sụp đổ là khoảng thời gian tệ nhất của Trường.

Kể từ đó về sau, Trường xuất hiện một vài lần ở R-League rồi cũng chẳng còn ai để ý đến việc cậu đang làm gì ở Gangwon FC.

Xuân Trường đến xứ sở kim chi với những lời khen ngợi về một “Park Ji Sung của Việt Nam”. Những suy nghĩ ngây thơ nhất giờ đây cũng đã hiểu đấy là sự thổi phồng quá mức.

Trường hợp của Xuân Trường khiến nhiều người liên tưởng đến thương vụ chuyển nhượng tiền đạo người Trung Quốc Dong Fangzhuo tới Manchester United năm 2004. Người châu Á đầu tiên đặt chân đến Old Trafford. Không ai biết rằng khoảnh khắc ấy cũng bắt đầu một bi kịch, “Nhà hát của những giấc mơ” dập tắt một giấc mơ.

Sau 13 năm, người Trung Quốc muốn quên đi hơn là nhớ về sự kiện ấy. Người hiểu chuyện thì cho rằng Dong Fangzhuo là nạn nhân trong chiến lược quảng bá hình ảnh của Man United đến đất nước đông dân nhất thế giới. Trường có lẽ cũng là một nạn nhân... của thứ gọi là chiến lược quảng bá.

SỰ CỨU RỖI

Trường từng khẳng định “tôi không thích bỏ cuộc giữa chừng” nhưng cũng từng viết “sự nghiêm túc trong công việc là từ khóa duy nhất của bản thân”. Giờ đây, sau 2 năm ở Hàn Quốc, sau những gì đã trải qua, Lương Xuân Trường phải nghiêm túc với chính tương lai của mình. 7 trận đấu ở cấp CLB suốt hai năm là cái giá phải trả quá đắt cho ảo vọng của chính những người giúp Trường bước ra ánh sáng, là những lãnh đạo, những người Trường gọi là chú, là bác ở HAGL.

John Duerden bàn về tương lai của Trường như sau: “Gia nhập một đội hàng đầu ở Thái Lan, Trường có cơ hội cọ xát ở AFC Champions League, chạm trán và đánh bại các đội Hàn Quốc để cho thấy Incheon và Gangwon đã sai vì không trọng dụng tài năng của cậu”. Thế nhưng, Trường chưa đủ 20 trận thi đấu cho đội tuyển quốc gia để đạt chuẩn một cầu thủ Đông Nam Á có thể thi đấu tại Thai League vào năm sau và cũng không nên coi đó là một lựa chọn ở thời điểm này.

Xuân Trường và HAGL có lẽ nên tham khảo bài học từ cầu thủ Đông Nam Á gần nhất thi đấu thành công ở nước ngoài, tiền vệ Chanathip Songkrasin (Thái Lan). Dĩ nhiên, “Messi J” là một tài năng lớn nhưng anh chỉ tới Nhật Bản sau khi thi đấu 6 mùa giải ở hạng đấu cao nhất của bóng đá Thái Lan với gần 150 trận đấu.

Anh tới Consadole Sapporo ở tuổi 23, thi đấu 16 trận ở giai đoạn sau J-League 1, giải đấu số 1 xứ sở mặt trời mọc mùa 2017. Con số ấy thể hiện đẳng cấp thật sự của anh nếu nhìn sang Công Phượng và Tuấn Anh, những đồng đội của Trường đã phải chật vật ra sao trong việc tìm kiếm cơ hội ra sân ở J-League 2.

Tới K-League Classic khi mới 20 tuổi nhìn chung là sai lầm của Trường. Những ảo vọng của người lớn khiến một cầu thủ trẻ lãng phí 2 trong tổng số 10 năm thi đấu đỉnh cao. Họ phải có trách nhiệm lớn hơn với một cầu thủ bóng đá tài năng nhưng lại được nhớ đến nhờ quảng cáo sữa và mỳ tôm trong suốt 1 năm ròng. Họ vẫn có thể sửa chữa sai lầm. Mọi thứ có thể chấm dứt ngay ở mùa 2018, trả lại Trường về nơi mà cậu thuộc về ở thời điểm hiện tại: CLB Hoàng Anh Gia Lai.

Xuân Trường xuất ngoại trước nhưng Chanathip Songkrasin mới là người thành công và có thể là hình mẫu để HAGL, Lương Xuân Trường tham khảo. Ảnh: Consadole Sapporo.

Trường có lẽ không nên đi đâu nữa mà cần quay trở về HAGL, trở lại V.League, tự biến mình trở thành một tân binh đắt giá của giải đấu, tự làm mình trở thành một trong những người xuất sắc nhất ở nơi đây.

Bàn thắng gần nhất của Xuân Trường cho một CLB là cú sút xa đẳng cấp vào lưới Sanna Khánh Hòa BVN tại vòng 1 V.League 2015. Hãy làm nó 5 lần như thế ở vào năm sau. Đường kiến tạo đẹp gần nhất của Trường là cú bấm bóng cho Văn Thanh ghi bàn vào lưới CHDCND Triều Tiên năm 2016. Mục tiêu kiến tạo 7 lần cho mùa sau cũng nằm trong khả năng của cậu.

Lặp lại điều ấy trong 3 mùa giải V.League, tự khắc Trường sẽ được thừa nhận, tự khắc những con số ấy nói lên sự ổn định và đổi thay. Những con số ấy sẽ chuyển hóa thành sự tự tin, mài sắc những kỹ năng vốn là thiên khiếu và đưa Trường trở lại sự cân bằng để tiến tới những ước vọng lớn hơn.

Có những lúc, ta phải tạm dừng cuộc phiêu lưu để bình tĩnh nhìn lại chính mình. Trở về đất Việt là một bước thụt lùi nhưng lùi một bước để tiến một bước dài hơn chính là sự cứu rỗi cho sự nghiệp của cậu, Lương Xuân Trường.

Độc giả của Fox Sports Asia lựa chọn Xuân Trường về Việt Nam xếp sau lựa chọn sang Thái Lan. Tuy nhiên, Xuân Trường vẫn chưa đủ các tiêu chí để gia nhập một CLB tại Thai Leagụe.

Thành tích ở cấp CLB của Xuân Trường 3 năm gần nhất:

Thành tích ở cấp đội tuyển của Xuân Trường 2 năm gần nhất:

Tác giả: Trung Thu

Nguồn tin: webthethao.vn

  Từ khóa: V.League ,xuân trường

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP