Trong tỉnh

Xử lý người đứng đầu nếu để tội phạm lộng hành, vi phạm pháp luật gia tăng

"Đơn vị, địa phương nào để tội phạm lộng hành, tình trạng vi phạm pháp luật gia tăng thì người đứng đầu sẽ bị xử lý, kỷ luật nghiêm" - Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình tại Hội nghị sơ kết phòng, chống tội phạm; phòng, chống mua bán người 6 tháng đầu năm 2017.

Sáng 26/7, Chính phủ tổ chức Hội nghị sơ kết phòng, chống tội phạm; phòng, chống mua bán người 6 tháng đầu năm 2017. Đồng chí Trương Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ chủ trì. Tại điểm cầu Nghệ An, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Xuân Đại chủ trì.

Đồng chí Trương Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ chủ trì hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo 138/CP về phòng chống tội phạm, trong 6 tháng đầu năm 2017 tình hình tội phạm trên địa bàn cả nước vẫn diễn biến phức tạp. Đặc biệt là tội phạm hình sự xảy ra 25.850 vụ. Trong đó nổi lên là hoạt động của các băng nhóm có tổ chức, manh động, núp bóng doanh nghiệp đe dọa lực, chống người thi hành công vụ. Tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội, bạo lực, xâm hại trẻ em ở nhiều địa phương gây bức xúc dư luận.

Về tội phạm kinh tế, tham nhũng đã phát hiện hơn 9.400 vụ, xảy ra chủ yếu trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng với hành vi tham ô, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, cố ý làm trái các quy định của Nhà nước. Tội phạm về ma túy có sử dụng vũ khí diễn biến phức tạp trên các tuyến, địa bàn trọng điểm; Lượng ma túy từ Lào, Trung Quốc thẩm lậu vào nước ta rất lớn, vận chuyển qua đường hàng không, đường biển hết sức phức tạp.

Đặc biệt, đã phát hiện một số vụ sản xuất ma túy tổng hợp ngay trong nước. Các lực lượng chức năng đã bắt giữ hơn 11.300 vụ 17.210 đối tượng, thu giữ trên 379kg heroin, 760kg và trên 400.000 viên ma túy tổng hợp; 251 kg cần sa.

Điểm cầu ở Nghệ An. Ảnh: Phạm Bằng

Về tội phạm mua bán người cũng đang có chiều hướng gia tăng với hình thức lợi dụng khó khăn kinh tế, thiếu việc làm, lợi dụng chính sách mở cửa, hội nhập, nhẹ dạ, mất cảnh giác của người dân để hình thành các đường dây đưa người ra nước ngoài bán vào động mại dâm, cưỡng ép kết hôn và lao động cưỡng bức. Cơ quan chức năng đã khám phá 109 vụ, bắt 168 đối tượng mua bán người và mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.

Về tình hình tội phạm về vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, khoáng sản; tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng diễn biến phức tạp. Nổi lên là trộm cắp thông tin tài khoản ngân hàng, thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, đánh bạc qua mạng, huy động vốn trái phép và tin tặc tấn công các loại vi rút, mã độc qua ứng dụng phần mềm. Bên cạnh đó, các hành vi vi phạm về khai thác khoáng sản, nhất là cát sỏi diễn ra phức tạp ở nhiều địa phương, tái diễn tình trạng thủy sản chết hàng loạt ở nhiều địa phương.

Cũng theo Ban chỉ đạo 138/CP, trong 6 tháng đầu năm 2017, các bộ, ngành đã quan tâm triển khai quyết liệt công tác phòng, chống tội phạm. Kịp thời giải quyết những vấn đề nổi lên về tội phạm và trật tự xã hội. Hầu hết các vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng dư luận quan tâm đều được khẩn trương làm rõ; Công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm được triển khai mạnh mẽ, rộng khắp, tăng cả tần suất và thời lượng...

Tuy nhiên, theo Thượng tướng Lê Qúy Vương - Thứ trưởng Bộ Công an thì một số nơi tình hình hoạt động tội phạm của các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, nhất là tội phạm gây rối trật tự công cộng vẫn diễn ra phức tạp. Quản lý nhà nước và quản lý xã hội tên một số lĩnh vực còn sơ hở, bất cập để tội phạm lợi dụng hoạt động.

Đối tượng Trần Thế Hùng (áo đen) - kẻ cầm đầu trong đường dây đánh bạc 900 tỷ đồng khai nhận hành vi phạm tội tại cơ quan điều tra Công an. Ảnh tư liệu

Nguyên nhân của tồn tại trên theo Thứ trưởng Bộ Công an là cấp ủy, chính quyền một số đơn vị, địa phương cơ sở chưa phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác phòng chống tội phạm. Công tác phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng và các ngành trong đấu tranh phòng chống tội phạ, trong xử lý giải quyết các vấn đề phức tạp nảy sinh về an ninh trật tự chưa gắn kết, còn lúng túng.

Đối với Nghệ An, trong 6 tháng đầu năm, tình hình tội phạm cơ bản được ổn định, tuy nhiên trên một số lĩnh vực còn diễn biến phức tạp. Các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 1.871 vụ vi phạm và phạm tội về trật tự an toàn xã hội. Về tội phạm xâm phạm trật tự xã hội phát hiện 502 vụ. Một số loại tội phạm có xu hướng tăng như trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, giết người do nguyên nhân xã hội, chống người thi hành công vụ.

Về tội phạm ma túy phát hiện, bắt giữ 560 vụ, 710 đối tượng, thu giữ 66,8 kg ma túy các loại; hơn 51.000 viên ma túy tổng hợp. Tội phạm mua bán người đã phát hiện 7 vụ, 10 đối tượng. Đáng chú ý tội phạm mua bán người có xu hướng hình thành các đường dây liên kết với các đối tượng nước ngoài để thực hiện hành vi phạm tội; nạn nhân là trẻ em trong lứa tuổi học sinh, thanh thiếu niên có xu hướng gia tăng.

Đồng chí Lê Xuân Đại - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh báo cáo kết quả công tác phòng, chống tội phạm; phòng chống mua bán người của tỉnh. Ảnh: Phạm Bằng

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Xuân Đại, trong công tác phòng chống tội phạm còn tồn tại lớn nhất là công tác nắm dự báo tình hình trên một số lĩnh vực, địa bàn có lúc chưa kịp thời, sâu sát. Công tác phòng chống tội phạm mua bán người còn gặp nhiều vướng mắc; nhất là quản lý các mối quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài hiện vẫn còn nhiều bất cập... đây là kẻ hở để các đối tượng lợi dụng hoạt động mua bán người ra nước ngoài.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, mặc dù số vụ vi phạm pháp luật giảm nhưng tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt một số đối tượng cực đoan, lợi dụng các vấn đề tự do dân chủ, sự cố ô nhiễm môi trường biển để kích động người dân tụ tập, gây rối trật tự xã hội. Các loại tội phạm này hết sức nguy hiểm, cần phải được xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

Từ nay đến cuối năm dự báo tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, đặt ra nhiều thách thức cho các cấp, ngành. Từ đây, Phó Thủ tướng đề nghị các cấp, ngành cần thực hiện quyết liệt một số nhiệm vụ trọng tâm các giải pháp phòng ngừa tội phạm, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân; các địa phương giải quyết dứt điểm các khiếu kiện của người dân, không để các phần tử xấu lợi dụng kích động.

Tiếp tục mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm; tập trung đấu tranh các nhóm tội phạm có tổ chức đòi nợ thuê, mua bán người, giết người, có sự núp bóng doanh nghiệp, công nghệ cao... Nâng cao chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử, đặc biệt đối với những vụ án lớn. Nơi nào xảy ra tội phạm lộng hành thì xử lý, kỷ luật người đứng đầu. Các địa phương phải đề ra nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tội phạm, qua đó đảm bảo an toàn xã hội, góp phần phát triển kinh tế, xã hội./.

Tác giả: Phạm Bằng

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP