Nhân ái

Xót xa mẹ già 30 năm chăm hai con động kinh

Người mẹ có cuộc đời ai biết cũng xót ca đó là bà Nguyễn Thị Truật, 74 tuổi, trú ở xóm 4, xã Thanh An, huyện Thanh Chương (Nghệ An).

Suốt 30 năm qua, bà Truật phải bươn chải đủ nghề để chăm hai người con bị bệnh động kinh. Éo le hơn, người con gái của bà trong một lần lên cơn động kinh đã bị ngã vào bếp lửa khiến toàn thân bỏng nặng…


Bà Truật (trái) mong sao hai đứa ccon có được phút giây bình an. ẢNH: V. Đ

Bà Truật (trái) mong sao hai đứa ccon có được phút giây bình an. ẢNH: V. Đ

Chị ngã bếp bỏng người, em câm điếc bẩm sinh

Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi khi vừa bước đến cổng nhà bà Truật ở cheo leo nơi lưng chừng đồi núi là một thanh niên quần áo xộc xệch đang ngồi trước thềm nhà dưới cái nắng gần 40 độ C, nóng như chảo lửa của miền Tây xứ Nghệ. Thấy chúng tôi, anh ta tỏ ra hoảng hốt, đứng phắt dậy, miệng ú ớ không thành tiếng rồi chạy tọt vào nhà.

Nghe tiếng người lạ, một phụ nữ từ trong bếp đi ra. Chúng tôi hơi hoảng bởi khuôn mặt chị méo xệch, một bên má và cổ chằng chịt những vết sẹo loang lổ. Nấp sau người phụ nữ với dáng vẻ sợ sệt, hoảng loạn chính chàng thanh niên lúc nãy.

Sau một lúc định thần trước người lạ, người phụ nữ nói một cách khó nhọc: "Đây là em trai tôi, tên Lê Văn Đắc. Cậu ấy đã 34 tuổi rồi nhưng nhìn như trẻ mới lên mười. Đắc bị câm điếc, tâm tính không bình thường từ tấm bé nên gặp người lạ là cứ ú ớ, vẻ đầy sợ hãi".

Người phụ nữ với khuôn mặt chằng chịt vết sẹo đó là chị Lê Thị Như, 38 tuổi, chị gái của Đắc. Thấy em trai cứ ú ớ, chị Như liền xoa xoa dọc tấm lưng như vỗ về, dỗ dành rồi kể: "Đắc với tôi cùng chung một bệnh động kinh từ bé. Càng lớn thì cả nhà mới thấy lạ là sao Đắc vẫn không biết nói, gọi thì không biết nghe. Lúc đó cha mẹ đưa đi khám thì phát hiện ngoài bị động kinh, Đắc còn bị câm, điếc bẩm sinh nữa".

Lúc người em lên cơn, chị Như một mình giữ chân, giữ người để em tránh va đập dẫn đến chấn thương. Còn khi chị Như lên cơn thì bà Truật phải đưa hai bàn tay giữ chặt miệng để hai hàm răng chị khỏi cắn vào lưỡi.

Trước đây khi chồng bà chưa mất thì ông lo phần việc giữ chân con gái để tránh con quẫy đạp lung tung gây đỗ vỡ, thương tích. Thế nhưng, những lúc nhìn thấy cảnh đó, thay vì phụ giúp bố mẹ thì Đắc chỉ biết ú ớ, hoảng sợ rồi chạy nấp trong góc nhà.

Ngày trước, tuy bị động kinh nhưng chị Như vẫn theo bố ra đồng quần quật cày cấy 3 sào ruộng khoán còn bà Truật thì ở nhà chăn nuôi và lo giữ Đắc. Nhưng từ khi chồng mất vào năm ngoái, bà Truật đã 73 tuổi lại phải cùng chị Như thay nhau ra đồng vật lộn với 3 sào đất ruộng để kiếm kế sinh nhai.

Có khi đang cày ruộng giữa nắng nóng chang chang thì chị Như lên cơn co giật, bà Truật chỉ biết gồng người trên những luống đất cày mới vỡ để giữ chân chị lại rồi nhanh tay kéo chị vào bờ cỏ dưới bóng cây nằm nghỉ một lúc sau đỡ mới về nhà.

Cứ bước chân đi là lo con tai nạn


Đắc nũng nịu đòi chị gái xoa lưng. ẢNH: V. Đ

Đắc nũng nịu đòi chị gái xoa lưng. ẢNH: V. Đ

Trong khi chị Như đang trò chuyện cùng chúng tôi thì Đắc bỗng ú ớ hét lên rồi chạy ra sân. Đắc vừa chạy vừa hét xuống con dốc trước nhà khiến ai nấy đều hoảng hốt. Hóa ra Đắc nghe tiếng, biết mẹ về nên chạy ra để đón.

Lúc chạy lên nhà, Đắc cầm cả gói xôi lạc từ tay mẹ rồi ôm chầm lấy chị đòi cùng ăn. Bước lên thềm nhà, bà Truật tâm sự: "Khổ. Sáng chưa ăn gì chắc nó đói quá nên thế. Hôm nay bên nhà hàng xóm có đám giỗ, họ mời nhưng tôi chối không được nên tranh thủ sang thắp nén hương rồi về. Chứ tôi bước chân ra khỏi nhà phút nào là lo tai nạn ập đến với con phút đó".

Để chúng tôi bớt ngạc nhiên, bà Truật giải thích: "Bệnh động kinh của hai chị em nhà nó thường lên cơn bất chợt lắm, nhất là ngày đông rét buốt hoặc nắng nóng như mấy hôm nay. Không có người bên cạnh thì không biết chuyện gì xảy ra. Nhà có 3 mẹ con thì 2 người bệnh. Những vết bỏng của Như giờ đã lành nhưng cánh tay trái dính liền vào nách khiến mọi hoạt động của nó khó khăn lắm".

Câu chuyện đau thương với chị Như diễn ra vào đầu năm 2016. Hôm đó, hai mẹ con bà Truật đi cày ngoài đồng về, bắt được ít cua đồng về nấu cơm trưa. Trong lúc bà Truật đang chạy sang nhà hàng xóm xin ít rau mồng tơi về nấu canh thì chị Như vào bếp nấu cơm. Khi lại gần bếp, bỗng dưng chị Như lên cơn động kinh, vật vã rồi ngã cả người vào bếp lửa khiến toàn thân bị bỏng nặng.

Thấy vậy, Đắc ú ớ chạy ra ngoài sân kéo tay bố chỉ vào bếp lửa, ông bỏ việc chạy vào thì mới cứu được chị Như. "Lúc đó, nhìn thấy con gái bị bỏng tôi như chết đứng. May có anh em, bà con hàng xóm đưa Như đi bệnh viện cứu chữa. Bao nhiêu tiền chắt bóp để dành cho Đắc nay phải dồn hết cho Như" - bà Truật nhớ lại.

Nhìn Đắc ngồi xoa xoa vết bỏng trên cánh tay chị gái, bà Truật nước mắt chảy dài trên gò má nhăn nheo: "Ngày mới sinh nó cả nhà hi vọng lắm. Nhưng oái ăm thay, càng lớn nó càng quấy khóc, đến hơn 2 tuổi vẫn cứ ú ớ. Đưa con đi khám, hai vợ chồng tôi chỉ biết khóc mà thôi.

Thương Đắc, cả nhà chịu ăn uống kham khổ để dành tiền mua thuốc chữa trị, cầu mong nó sẽ khỏi nhưng mãi vẫn không biến chuyển gì. Nhìn Đắc lúc lên cơn, ú ớ, tôi đau như cắt từng khúc ruột. Nằm viện mãi cũng không khỏi nên đành đưa nó về nhà tự chăm sóc thì mới trụ nổi".

Bà Truật cho hay, đêm nào cũng phải nằm cạnh để canh cho hai đứa con yên giấc. Nhiều khi hai chị em lên cơn, bà phải túc trực để lo từng li từng tý.

"Tôi cũng chỉ sống được ít năm nữa, không biết sau này hai đứa nó dựa vào ai đây? Giờ tôi chỉ mong làm sao cho hai đứa có được một phút bình an, được ngày nào may mắn ngày đó" - bà Truật trầm ngâm đưa vạt áo lau nước mắt.

Thuốc men tháng có tháng không

Nhìn đứa em ngồi ngẩn ngơ, chị Như đau xót: "Giá như tôi không bị ngã vào bếp thì em tôi và mẹ bớt khổ sở phần nào. Từ khi gặp nạn, sức khỏe tôi giảm đi rõ rệt, không làm được việc nặng nữa. Thi thoảng chỉ đi bẻ ngô thuê cho người trong xóm lấy ít tiền công về mua ít thức ăn cho mẹ và em. Còn tiền thuốc men trị bệnh cho hai chị em thì tháng có, tháng không".

Hộ nghèo nhất xã

Ông Nguyễn Danh Hà, Xóm trưởng Xóm 4 cho biết: "Nói đến gia cảnh éo le của gia đình bà Truật thì cả xóm đều cảm thương. Giờ tuổi bà Truật đã cao mà vẫn oằn mình gánh trên vai hai đứa con. Thương bà ấy, chúng tôi vẫn thường xuyên đến thăm hỏi, giúp đỡ, động viên nhưng cũng chỉ mới làm nhẹ gánh cho bà phần nào thôi."

Còn ông Nguyễn Danh Duyên, bí thư xã Thanh An chia sẻ: "Nhà bà Truật là hộ nghèo nhất xã này. Những ngày lễ, Tết có quà gì thì xã đều ưu tiên cho gia đình bà để mẹ con có phút giây yên bình".

Tác giả: Văn Cư

Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP