Nhân ái

Xót xa cảnh những bữa cơm không trọn của một gia đình

Căn nhà ọp ẹp ấy có 6 con người thì có đến 3 đứa trẻ nhỏ, còn lại là 3 người đàn bà nhưng cả 3 lại chẳng có người nào tỉnh táo, bình thường.

Được Bí thư Đoàn xã Nghi Vạn (Nghi Lộc, Nghệ An) Lê Viết Hoàn dẫn đường, chúng tôi đến gia đình bà Thái Thị Hiền (SN 1954, trú tại xóm 15, xã Nghi Vạn). Căn nhà cấp 4 ọp ẹp của gia đình bà Hiền nằm ẩn khuất sâu trong một con ngỏ nhỏ của thôn quê.

Căn nhà cấp 4 ọp ẹp này là nơi sinh sống của 6 con người thì có đến 3 người phụ nữ thần kinh không bình thường cùng ba đứa trẻ nhỏ. Ảnh: Xuân Hòa

Bước đến con đường dẫn vào nhà phải qua những hòn đá kê bởi cứ mưa là đường vào như bãi sình lầy. Đập trước mắt chúng tôi là mái ngói đã rụng xuống bởi rui mè mục nát, những bức tường xung quanh xây bằng gạch thủ công những năm 80 cũng đã bong rộp từng mảng.

Anh Hoàn vừa cất tiếng gọi người nhà thì 3 đứa trẻ lem luốc đang chơi trên sân thấy người lạ chạy rạt vào trong nhà. Tiếp đến là những lời mắng lũ trẻ lanh lảnh của phụ nữ vọng ra.

Lúc này anh Hoàn trấn tĩnh chúng tôi: “Đấy! Các anh xem, nhà có 3 người phụ nữ thì thần kinh đều có vấn đề. Cô con gái út bị tâm thần thì bỏ đi lang thang khắp xóm, người mẹ liệt nằm một chỗ thỉnh thoảng lên cơn thần kinh cũng vứt đồ đạc bừa bãi. Cô con gái còn lại lúc lên cơn cũng đập phá đồ đạc, chửi bới om sòm cả lên. Chỉ khổ cho ba đứa trẻ trong nhà…”.

Phía trong căn nhà chẳng có thứ gì giá trị ngoài chiếc tủ quần áo và hai chiếc giường cũ rã góc. Ảnh: Xuân Hòa

Căn nhà bà Hiền cảnh ngoài đã hoang tàn thì phía trong còn thê thảm hơn. Khắp nhà đồ đạc vứt tứ tung mọi góc, mùi xú uế bốc lên nồng nặc. Nhìn lượt một vòng quanh trong căn nhà thì chẳng có gì giá trị ngoài 2 chiếc giường và chiếc tủ quần áo đã xiêu vẹo nhiều góc như muốn đổ xuống. Bức tường trong nhà gạch lâu năm ngấm nước cũng đã bục ra bong tróc. Ở trong nhà mà như ngoài trời khi ánh sáng nắng soi thẳng xuống nhà qua những viên ngói bể và sụt xuống trên mái nhà.

Lúc chúng tôi vào, may mắn người phụ nữ duy nhất trong nhà bị tâm thần nhẹ nhất trong 3 người đang trong lúc tỉnh táo. Chị là Nguyễn Thi Tuyết (SN 1987, con gái thứ 4 của bà Hiền). Chị cho biết đứa em gái đã lên cơn bỏ đi lang thang đâu từ trời mới tờ mờ sáng. Khi chúng tôi lại bên cạnh giường của bà Hiền hỏi thăm thì bà cố dùng giọng yếu ớt của người bệnh để chửi và đuổi chúng tôi.

Hơn 1 năm nay bà Hiền bị liệt một chỗ kèm với căn bệnh thần kinh từ lâu nhưng không ai trong hnà đủ tỉnh táo để đưa bà đi chữa trị. Ảnh: Xuân Hòa

Hoàn cảnh bà Hiền bi đát không từ nào kể cho hết. Bà lấy chồng là ông Nguyễn Văn Long người xã cạnh. Rồi ông sang ở rể luôn tại nhà của bà, lần lượt 5 người con ra đời. Sau khi sinh xong người con út, bà Hiền bắt đầu có những triệu chứng tâm thần, suốt ngày chửi bới trong nhà. Tất cả mọi việc trong nhà đều một mình ông Long lo liệu từ hơn sào ruộng được giao và số tiền lương thương binh ít ỏi. Nhưng đó vẫn chưa phải là thời gian bần hàn nhất của gia đình bà. Năm 1998, sau một cơn tái phát vết thương ông Long qua đời để lại người vợ thần kinh bất ổn với 5 đứa con.

3 người con trai sớm đi tha phương cầu thực xa xứ. Làm cũng chẳng đủ ăn nên nhiều năm trời cũng chẳng có ai có đủ nổi tiền bắt xe về quê. Lúc đó, chỉ còn 2 người con gái ở nhà vừa chăm sóc mẹ vừa lo việc nhà.

Ngoài chiếc giường lành lặn hơn để bà Hiền liệt một chỗ nằm thì chiếc giường đã sập góc này là nơi ngủ của 5 người còn lại trong gia đình. Ảnh: Xuân Hòa

Rồi chị Nguyễn Thị Tuyết may mắn trong thời gian đi làm phụ hồ thuê cũng được một chàng trai người Huế ra làm thợ xây thương yêu lấy làm vợ. Hoàn cảnh của người chồng chị Tuyết cũng chẳng khả quan hơn khi cũng vì nghèo mà mưu sinh tứ xứ nên đành ở đây làm rể. Hàng xóm ai cũng mừng khi vợ chồng chị sinh được 3 người con trai kháu khỉnh khỏe mạnh.

Nhưng niềm vui lớn chẳng tày gang, khi sinh xong người con thứ 3 chị Tuyết bắt đầu có những biểu hiện bất thường về thần kinh. Cũng lúc đó, người em gái út là chị Nguyễn Thị Toan cũng có chung biểu hiện giống chị. Thế là không chỉ có bà Hiền thần kinh bất bình thường mà cả 3 người phụ nữ trong nhà thay nhau lên cơn luôn chửi bới, ném phá đồ đạc. Không chịu nổi cảnh đó người chồng chị Tuyết cũng đành bỏ rơi mẹ con chị đi biệt xứ. Kể từ đó trong căn nhà mục nát chỉ còn 3 người phụ nữ với 3 đứa trẻ nhỏ.

Những lúc tỉnh táo hiếm hoi chị Tuyết còn biết bón cơm cho bà Hiền, còn hầu như căn nhà chỉ toàn tiếng đập phá và chửi bới. Ảnh: Xuân Hòa

Gần như cái khốn khó chưa dừng lại ở đó với gia đình bà Hiền, cách đây hơn 1 năm bà Hiền bỗng dưng bị liệt nửa người nằm một chỗ. Người con gái út đến lúc đó bệnh tâm thần cũng đã thể hiện rõ nên suốt ngày xé đồ áo, phá đồ đạc và bỏ đi lang thang khắp xóm.

Bệnh đỡ nặng hơn mẹ và em, chị Tuyết còn có lúc tỉnh táo làm hơn sào ruộng của gia đình và đi bắt cua bán lấy tiền lo cho cả 6 miệng ăn. Nhưng mỗi lúc lên cơn chị Tuyết cũng phá hết tất cả mọi thứ trong nhà chẳng trừ gì. Nên thế nhà có 6 con người nhưng chẳng có đủ nổi 6 cái bát ăn cơm.

Lúc chúng tôi ra về hình ảnh nếu ai nhìn thấy cũng phải rơi nước mắt. 3 đứa con của chị Tuyết là cháu Phan Công Nhật Anh (học lớp 4); cháu Phan Công Hải (học lớp 2) và cháu Phan Công Hùng (SN 2014) đang giành nhau bát cơm nguội với mấy quà cà muối ngồi ăn ngon lành bên thềm căn nhà đã mục nát.

3 đứa con chị Tuyết chia nhau bát cơm nguội cùng mấy quả cả muối bởi không ít bữa các cháu đã phải nhịn đói khi mẹ lên cơn. Ảnh: Xuân Hòa

Nhìn thấy vậy anh Hoàn chia sẻ: “Hôm nào chị Tuyết không lên cơn thần kinh bất thường thì còn chở 3 anh em đi học. Còn như hôm nay sáng dậy chị ấy lên cơn là thôi cả 3 em đều ở nhà. Cũng vì thế mà chẳng bữa cơm của gia đình này trọn vẹn đâu. Người con gái út dân làng thương thấy thì đưa về nhà bất cứ lúc nào. Bà Hiền thì nằm một chỗ còn chị Tuyết lúc nắng, lúc mưa nên nhiều bữa cơm đã nấu xong nhưng chị lên cơn thì cả mâm cơm chị hất văng mỗi thứ đi mỗi nơi. Thương mấy đứa nhỏ nên hôm nào mẹ nó lên cơn không có cơm hàng xóm lại gọi sang bới cơm cho ăn để các cháu không đói.

Chính quyền địa phương cũng tìm cách giúp đỡ, kêu gọi người dân ủng hộ cho gia đình bà. Nhưng dân ở đây cũng đang vất vả cả nên cũng chỉ giúp ít gạo, thức ăn tạm thời. Giờ lo lắng nhất là căn nhà bà sắp sập mà chưa có kinh phí để sửa lại nhà cho bà. Chứ không bà liệt nằm một chỗ trong nhà rồi còn ba cháu nhỏ nhà mà đổ xuống thì nguy hiểm”.

Tác giả: Xuân Hòa

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP