Kinh tế

Xin đừng “giải cứu” thương lái và các lò mổ lợn!

“Giải cứu thịt lợn” đang là vấn đề nóng được quan tâm trong những ngày này. Nóng nhưng không có gì lạ bởi trước đó người dân đã quen với những “chiến dịch” giải cứu dưa hấu, giải cứu thanh long, giải cứu chuối…, và với tình trạng sản xuất nông nghiệp như hiện nay, dự sẽ còn giải cứu dài dài.

Hà Tĩnh đang tồn hơn 70.000 con lợn chưa thể xuất chuồng (Ảnh: Tr.Hoa)
Những chiến lược giải cứu trong suốt thời gian qua đã góp phần giúp bà con vượt qua khó khăn trước mắt, đó là điều đáng trân trọng; song, nếu làm một phép tính đơn giản cho những gì thực tế đang diễn ra, sẽ thấy người được hưởng lợi nhiều nhất từ chiến lược giải cứu không thuộc về đối tượng được giải cứu – người nông dân - mà là đối tượng khác. Họ là ai?

Chúng ta đều biết rằng, đối tượng và mục tiêu cần quan tâm trong cuộc giải cứu đó là người chăn nuôi, song kì thực không phải như vậy. Nhìn bên ngoài thì điều này có vẻ đúng bởi chúng ta có cảm giác như nếu mọi người không chung tay giải cứu thì thịt lợn thiếu đường đổ đi, bán ra được khoảng 20 ngàn đồng/kg đã là quá mừng.

Trên thực tế, thịt lợn vẫn được thu mua với giá “bèo” và giá thịt lợn vẫn rất bình ổn như khi chưa có lời kêu gọi toàn dân ăn thịt lợn. Vài người đi chợ có biết đến chuyện giải cứu thịt lợn đã phản ứng về giá thịt lợn, chủ hàng thịt đã giải thích, những thịt này (thịt đùi đang cầm trên tay) không giảm giá, chỉ giảm những thịt này (chỉ vào những loại thịt mỡ, thịt xấu trên bàn bán thịt) và người mua vẫn phải mua với giá thịt như cũ. Đúng hơn là người dân phải bán rẻ và mua đắt, bán rẻ thịt lợn hơi nhưng mua đắt thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn.

Vậy chúng ta đang giải cứu ai? Giá thịt heo hơi rớt giá thảm hại, người chăn nuôi khóc ròng chứ không phải “dở khóc dở cười” như nhiều người vẫn nói. Một hộ chăn nuôi nhỏ ở xã Tân Liên, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) cho biết về đợt chăn nuôi gần đây: Chị đầu tư vốn ban đầu là 6 triệu đồng, sau thời gian chăn nuôi xuất chuồng thì thu được 7 triệu đồng. Không cần nói gì thêm về các con số bởi một học sinh tiểu học cũng tìm ra ngay kết quả. Sự chênh lệch quá lớn giữa giá thịt lợn hơi và thịt lợn thịt sẽ thuộc về ai, trong khi người dân chung tay giải cứu là để giúp những người chăn nuôi, đối tượng không hề được hưởng.

Người được lợi nhất trong những cuộc giải cứu là ai? Rõ ràng là các thương lái và chủ lò mổ tư nhân, các công ty giết mổ và các nhà phân phối… Họ đã trục lợi và “vỗ béo” quá dễ dàng, không mất một xu tiền quảng cáo. Trở lại vụ giải cứu dưa hấu vừa rồi thì rõ, những xe tải dưa chất đầy được bán vèo trong vài giờ đồng hồ với giá thị trường (6.000đồng/kg), mỗi người mua ít nhất cũng trên dưới 30 ngàn đồng/1 quả dưa 5 – 6 kg.

Vậy, giá mua dưa từ người nông dân của những người bán dưa là bao nhiêu? Chênh lệch đó thuộc về ai trong khi việc làm này được coi là việc làm từ thiện. Đó mới là giải cứu của một vài cá nhân làm từ thiện, còn với thịt lợn, cuộc giải cứu mang tầm quốc gia, kêu gọi dùng thịt lợn trên tầm quốc gia, rõ ràng lượng thịt lợn được tiêu thụ sẽ hiệu quả hơn gấp nhiều lần và người được lợi nhuận là vô cùng.

Chưa bàn về giải pháp để không còn những cuộc giải cứu trong sản xuất nông nghiệp mà chỉ dừng lại ở những cuộc giải cứu thì cũng phải đúng người, đúng mục đích. Người cần cứu phải được cứu và sẽ được cứu thì người dân mới tin tưởng và chung tay để hỗ trợ giúp đỡ kịp thời người nông dân vượt qua khó khăn. Nếu những cuộc giải cứu còn tạo cơ hội cho những đối tượng đã giàu còn giàu thêm, đã lợi còn lợi thêm thì càng đẩy người nông dân vào cảnh khốn đốn. Đừng để đến lúc, người dân nghe nói đến từ “giải cứu” lại mỉm cười chua xót rằng, làm từ thiện nhưng là để giúp đỡ cho người giàu.

Trước khi kêu gọi các ngành, toàn dân... tham gia giải cứu lợn, cần kêu gọi và có chế tài để các thương lái, lò mổ không được ép giá người nuôi lợn. Cơ quan chức năng (quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế…) cần trực tiếp ra chợ để tìm hiểu và xử lý.
Tác giả: Thủy Lâm
Nguồn: Báo Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP