Pháp luật

Xét xử vụ Đường 'Nhuệ' và con nuôi: Đề nghị làm rõ vai trò của vợ Đường 'Nhuệ'

Luật sư phía bị hại nhận định Nguyễn Thị Dương (vợ Đường Nhuệ) có vai trò đồng phạm giúp sức tích cực khi gọi điện cho chồng để điều người đến Công ty Lâm Quyết, nên yêu cầu hoãn phiên tòa, tiếp tục làm rõ.

Sau 2 lần hoãn, đúng 8 giờ sáng 18-10, TAND TP Thái Bình (tỉnh Thái Bình) đã mở lại phiên tòa sơ thẩm xét xử công khai bị cáo Nguyễn Xuân Đường (tức Đường "Nhuệ", SN 1971, trú tại số nhà 366, đường Lê Quý Đôn, tổ 22, phường Kỳ Bá, TP Thái Bình) và bị cáo Bùi Mạnh Tiến (tức Tiến "Trắng", SN 1995, trú tại huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, con nuôi Đường "Nhuệ") về hành vi xâm phạm chỗ ở của công dân.

Quang cảnh phiên tòa (ảnh chụp qua màn hình).

Do tính chất phức tạp của vụ án, nên an ninh phiên xét xử được thắt chặt. Chỉ có những người có giấy triệu tập mới được vào bên trong khu vực xét xử.

Cũng giống những lần xét xử các vụ án khác mà Đường "Nhuệ" ra vành móng ngựa với vai trò là bị cáo, các phóng viên báo đài tới dự đưa tin được bố trí riêng một phòng có màn hình để theo dõi nhằm bảo đảm an ninh trật tự và các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.

Phiên tòa do thẩm phán Nguyễn Thị Lý làm chủ tọa. Các bị hại là vợ chồng ông Nguyễn Văn Lẫm (SN 1962, chủ Công ty TNHH chế biến gỗ Lâm Quyết) và bà Phạm Thị Quyết (SN 1967) đều có mặt.

Tại phần thủ tục, luật sư Trần Hồng Lĩnh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, yêu cầu hoãn phiên tòa vì cho rằng cần làm rõ vai trò của Nguyễn Thị Dương (vợ Đường "Nhuệ") trong vụ án này.

Hội đồng xét xử (HĐXX) xác định Nguyễn Thị Dương có vai trò là người làm chứng trong vụ án. Tuy nhiên, luật sư Trần Hồng Lĩnh cho rằng Dương có vai trò đồng phạm giúp sức tích cực khi gọi điện cho chồng để điều người đến Công ty Lâm Quyết.

Ngoài ra, luật sư cũng yêu cầu triệu tập ông Phạm Văn Bền (nguyên trưởng Công an xã Vũ Chính, TP Thái Bình) cũng như những điều tra viên, kiểm sát viên có vai trò liên quan trong vụ án với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan.

Sau khi thảo luận, xét thấy yêu cầu của luật sư là không cần thiết, HĐXX TAND TP Thái Bình quyết định tiếp tục phiên tòa.

Theo cáo trạng của VKSND TP Thái Bình, vợ chồng ông Nguyễn Văn Lẫm và bà Phạm Thị Quyết có vay của vợ chồng Đường - Dương 1,7 tỉ đồng. Chiều 3-10-2017, Dương gọi điện thoại để lấy tiền nhưng ông Lẫm khất và nói không có mặt ở Thái Bình. Sau đó, Dương trao đổi với chồng là Nguyễn Xuân Đường về việc đến Công ty Lâm Quyết ở xã Vũ Chính, TP Thái Bình, xem tình hình thế nào.

Chiều hôm đó, Đường "Nhuệ" cùng con nuôi là Tiến "trắng" đến trụ sở công ty của ông Lẫm để đòi tiền.

Tại đây, Đường yêu cầu những người có mặt không được lấy tài sản của công ty ra ngoài mà phải chờ vợ chồng ông Lẫm về giải quyết. Sáng hôm sau, một số công nhân đến công ty thì gặp Tiến "trắng" cùng 2-3 người nữa nên họ quay về.

Hai người được ông Lẫm nhờ quản lý công ty đã bị Tiến cùng đàn em yêu cầu rời đi. Sau đó, Tiến sinh hoạt tại trụ sở Công ty Lâm Quyết đến ngày 19-10.

VKSND TP Thái Bình nhận định trong khoảng thời gian từ 3-10 đến 19-10, Đường đã chỉ đạo Tiến xâm nhập, ăn ngủ, sinh hoạt tại phòng khách của Công ty Lâm Quyết mà không được sự đồng ý của vợ chồng ông Lẫm cũng như người thân trong gia đình.

Do đó, VKSND khẳng định đủ căn cứ xác định Nguyễn Xuân Đường, Bùi Mạnh Tiến đã phạm tội xâm phạm chỗ ở của công dân và truy tố 2 bị can với mức án tối đa 1 năm tù.

Trước đó, "trùm" giang hồ Nguyễn Xuân Đường đã phải nhận mức án 6 năm tù do liên quan tới các vụ án cố ý gây thương tích và cưỡng đoạt tài sản.

Nguyễn Thị Dương đang chấp hành tổng mức án 4 năm 6 tháng tù về các tội cố ý gây thương tích , lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và đang bị VKSND tỉnh Thái Bình truy tố về tội cưỡng đoạt tài sản .

Còn Tiến bị tòa án tuyên 3 năm tù về tội Cố ý gây thương tích và đang bị truy tố về tội cưỡng đoạt tài sản và cố ý gây thương tích.

Tác giả: Tr.Đức

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP