Xe

Xe Trung Quốc trở lại, liệu có nên chuyện?

Sau hơn một thập kỷ thất bại trong nỗ lực chiếm lĩnh thị trường ô tô Việt Nam, các hãng xe Trung Quốc cũ và mới đang rục rịch quay trở lại.

Ô tô Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam

Theo Tổng cục thống kê, trong năm 2021, thị trường Việt Nam đã nhập khẩu tổng cộng 160.035 xe, đạt trị giá 3,657 tỷ USD, tăng trưởng tới 52,1% về lượng và tăng tới 55,7% vì trị giá so với năm 2020. Tổng cục Hải quan cho biết thêm, trong năm 2021, ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 22,75 nghìn chiếc, tăng mạnh 207% so với năm trước. Về giá trị, ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam năm qua đạt 873,1 triệu USD.

Theo phân tích của Tổng cục Hải quan, ô tô nhập khẩu có nguồn gốc từ Trung Quốc chủ yếu là xe trên 9 chỗ ngồi và các loại ô tô chuyên dụng. Đáng chú ý, các dòng xe ô tô Trung Quốc 9 chỗ ngồi trở xuống thường được các công ty tư nhân nhập khẩu về nước khá nhỏ giọt nhưng sau khi về Việt Nam lại nhanh chóng thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Nguyên nhân bắt nguồn từ những tò mò, tranh cãi về chất lượng, giá cả và công nghệ trang bị trên xe Trung Quốc.

Có thể thấy, hai năm trở lại đây ô tô Trung Quốc đã dần chiếm được chỗ đứng trên thị trường. Điển hình như MG, một hãng ô tô có nguồn gốc ở Anh (hiện đang nằm dưới trướng của công ty Trung Quốc) chính thức ra mắt tại Việt Nam hồi năm 2021 cũng gây được chú ý trên thị trường với hai mẫu xe MG HS và MG ZS. Đặc biệt, mẫu xe MG5 chuẩn bị mở bán vào tháng 3 tới đây đang nhận được nhiều sự quan tâm từ khách hàng trong nước.

Đầu năm 2022 vừa qua, một hãng xe Trung Quốc khác là Hongqi (Hồng Kỳ) cũng đã có màn giới thiệu ra mắt thương hiệu tại Việt Nam. Được biết, Hongqi là thương hiệu ô tô trực thuộc FAW Group Trung Quốc, tập đoàn thành lập năm 1953. Theo đó, thương hiệu này giới thiệu tới khách hàng Việt hai mẫu xe hoàn toàn mới là Hongqi H9 (giá 1,508 – 2,688 tỷ đồng) và xe điện Hongqi E-HS9 (giá 2,768 - 3,688 tỷ đồng). Trong đó, mẫu sedan hạng sang cỡ lớn Hongqi H9 cạnh tranh với Mercedes-Benz S-Class hay BMW 7-Series tại Việt Nam.

Tương tự, một thương hiệu xe Trung Quốc khác có mặt tại Việt Nam khá lâu là BAIC Việt Nam (Kylin) cũng mang tới “làn gió mới” khi giới thiệu mẫu xe Beijing U5 Plus, “đàn em” của mẫu xe từng là “hiện tượng” hồi năm ngoái Beijing X7 với giá bán từ 398 triệu đồng. Mẫu xe này cạnh tranh với các đối thủ như KIA K3, Mazda3, Honda Civic và Hyundai Elantra.

Băn khoăn chất lượng sản phẩm

Trao đổi với Tạp chí Đầu tư Tài chính, ông Phạm Thành Lê, quản trị viên của diễn đàn Otofun, cho biết hiện nay trên thị trường, chưa tính các thương hiệu Trung Quốc, đã có hơn 30 thương hiệu ô tô cạnh tranh ở đủ các phân khúc. Thị trường ô tô trong nước tuy có phát triển liên tục về quy mô nhưng vẫn còn chật hẹp so với con số vừa nêu. Do vậy, về mặt lý thuyết, việc xuất hiện thêm các nhà phân phối xe Trung Quốc sẽ làm tăng thêm sự cạnh tranh giữa các hãng xe. Tuy nhiên, khó có thể nhận định ngay rằng xe Trung Quốc sẽ gây nhiều khó khăn cho các đối thủ ngay trong năm 2022.

Quản trị viên của diễn đàn Otofun cho rằng sự xuất hiện của những thương hiệu ô tô Trung Quốc (đã và dự kiến sẽ ra mắt) có 3 đặc điểm đáng chú ý như sau. Thứ nhất, trong số này có những thương hiệu hoàn toàn mới, nhưng cũng có những thương hiệu nhiều năm trước đã được đưa vào Việt Nam mà chưa đạt được thành công. Thứ hai, số lượng thương hiệu đang có mặt trên thị trường thực ra không nhiều hơn so với quãng thời gian khoảng 10 năm trước, nhưng khác biệt ở chỗ đến từ nhiều nhà phân phối khác nhau.

Thứ ba, trước đây các xe Trung Quốc được đưa vào Việt Nam đều thua xa các mẫu xe đã có trên thị trường, cả về hình thức lẫn tính năng, trang bị đi kèm. Đó là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc gần như không có người mua và phải rời khỏi thị trường, cho dù giá bán thấp hơn nhiều các xe đối thủ. Tuy nhiên, các xe Trung Quốc hiện nay, gồm cả thương hiệu đã có trên thị trường lẫn những thương hiệu đang chuẩn bị mở bán, đều cải tiến mạnh mẽ so với trước đây cả về thiết kế và tính năng. Các mẫu xe đều theo cách làm của xe Hàn Quốc từ nhiều năm trở lại đây là trang bị thật nhiều tính năng để tạo lợi thế cạnh tranh.

Được biết, trở ngại lớn đối với xe Trung Quốc nhập khẩu nguyên chiếc hiện nay là thuế cao. Ô tô Trung Quốc nhập khẩu về Việt Nam phải chịu thuế nhập khẩu 47% - 70% tùy loại. Với thuế suất này, giá xe không thể giảm thấp. Vì vậy, xe Trung Quốc gặp bất lợi so với xe nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN hưởng ưu đãi thuế 0%.

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Phạm Thành Lê cho biết do người tiêu dùng Việt Nam trước đây không ưa chuộng các mẫu xe Trung Quốc (như đã kể trên), nên có thể chính các hãng xe Trung quốc cũng chưa để ý nhiều đến thị trường ô tô Việt Nam, cộng thêm vào đó là mức thuế cao cũng là trở ngại để các thương hiệu ô tô Trung Quốc có thể chính phục khách hàng trong nước.

Chính vì thế, để có thể cạnh tranh với các đối thủ hiện tại, ông Lê cho rằng các hãng xe Trung Quốc cần nhiều thời gian và những chính sách sao cho phù hợp. “Có thể đưa vào lắp ráp trong khu vực ASEAN để hưởng ưu đãi thuế hoặc mở nhà máy ngay tại Việt Nam để vừa bán trong nước, vừa bán ra các nước khác trong khu vực ASEAN mới là cách làm vững chắc để có thể xây dựng nền tảng vững chắc và chinh phục người tiêu dùng”, ông Lê nói.

Nhìn nhận dưới góc độ chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính, cho rằng ô tô Trung Quốc đã rất nhiều lần thâm nhập vào thị trường Việt Nam nhưng chất lượng của xe chưa cao và sau một thời gian có mặt thì các hãng xe này nhanh chóng bị thất thế so với các hãng xe khác trong nước cũng như các hãng ô tô quốc tế.

Thực tế đã chứng minh rằng người tiêu dùng trong nước, sau một thời gian thử nghiệm các mẫu xe có nguồn gốc từ Trung Quốc, thấy rằng độ bền của ô tô Trung Quốc rất kém so với các mẫu xe của hãng khác cùng chủng loại, phấn khúc. Mặc dù ô tô Trung Quốc có giá bán rất rẻ nhưng việc bỏ ra số tiền lớn để đánh cược với các may rủi của ô tô Trung Quốc khiến người tiêu dùng e dè.

“Ô tô là một tài sản lớn, vì vậy việc người tiêu dùng quyết định xuống tiền phụ thuộc vào rất nhiều vấn đề, như: mẫu mã, từ độ an toàn, trang bị tiện ích, độ bền, phương thức sử dụng, bảo hành, bảo dưỡng và nhiều vấn đề khác nữa”, ông Thịnh nói.

Về việc các hãng xe Trung Quốc lên kế hoạch mở nhà máy ngay tại Việt Nam để hưởng các chính sách ưu đãi, vị chuyên gia kinh tế này cho rằng việc các hãng xe trên thế giới, không chỉ riêng Trung Quốc đưa vào xây dựng nhà máy sản xuất ngay tại Việt Nam là điều hết sức bình thường, thế nhưng chất lượng sản phẩm, chính sách cạnh tranh của họ thế nào mới là điều đáng lưu tâm.

Tác giả: Lê Ngà

Nguồn tin: vietnamfinance.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP