Trong nước

'Xã đưa 3 triệu rồi đến phá hơn 12ha rừng nhà tôi'

UBND xã Bình Minh (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) bị tố là phớt lờ quy trình, cho máy móc phá bỏ rừng cây của dân mà không có quyết định thu hồi.

Tay trắng sau 8 năm khai hoang?

Ông Nguyễn Quốc Dũng (SN 1981, thôn Tân An, Bình Minh) trình bày: Năm 2009 gia đình ông bắt đầu khai hoang trồng rừng dương liễu và keo lá tràm trên diện tích hơn 12ha tại thôn Tân An (nay thuộc thửa đất số 3, tờ bản đồ số 2).

Theo ông Dũng, lúc ông trồng rừng thì đất này chưa có quy hoạch, bỏ hoang và không có cây trồng trên đất. Vợ chồng ông bỏ vốn liếng trồng keo tràm phủ xanh đất cát trống. Năm 2012, Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam đã về đo đạc diện tích đất trên và có danh sách niêm yết công khai.

"Tháng 11/2014, gia đình tôi trồng bổ sung phần diện tích đất có cây chết do ngập nước vào mùa mưa khoảng 1ha ở phần phía ngoài bìa rừng, trong tổng số 12,7ha trồng trong năm 2009.

Lúc này, UBND xã mời lên làm việc, nói trồng rừng phạm pháp và đưa tôi 3 triệu đồng để bàn giao cây trồng trên đất cho UBND xã.

Máy móc san ủi khu vực trồng cây keo tràm


Do chưa hiểu biết chính sách pháp luật đất đai, tôi sợ quá nên nhận tiền và chỉ đưa phần 1ha trồng bổ sung trong năm 2014 cho xã. Diện tích còn lại gia đình tôi vẫn chăm sóc cây hằng năm”, ông Dũng nói.

Ngày 5/8 vừa qua, tôi bất ngờ thấy máy móc được huy động đến san ủi, phá bỏ rừng cây được gia đình trồng nhiều năm nay, dù trước đó gia đình không hề nhận được thông báo thu hồi đất hay bồi thường. Tôi đã làm đơn khiếu nại khẩn cấp gửi UBND huyện Thăng Bình.

Ngày 11/8, UBND huyện và xã Bình Minh tổ chức họp giải quyết khiếu nại đơn của ông Dũng. Tuy nhiên ông Dũng cho biết chính quyền các cấp không đả động gì đến nội dung khiếu nại, chỉ kết luận gia đình phải tạm bàn giao đất cho chủ đầu tư san lấp mặt bằng.

Ông Nguyễn Quốc Dũng bức xúc vì xã cho san ủi rừng cây mà không thông báo cho gia đình


“Hơn 12,7ha rừng là mồ hôi, nước mắt, công sức của gia đình tôi trồng trên diện tích đất hoang bỏ trống. Đây là khu vực cát trắng nắng nóng quanh năm, không có cây trồng tự nhiên sinh sống.

Gia đình tôi đã trồng rừng phủ xanh đồi trọc ven biển theo chính sách mà nhà nước đã khuyến khích nhưng hiện nay chúng tôi đang đứng trước nguy cơ mất trắng”, ông Dũng nói trong nước mắt.

San ủi trước, đền bù tính sau

Ngày 15/8, trao đổi với VietNamNet, Chủ tịch xã Bình Minh Trần Công Minh xác nhận có sự việc san ủi rừng cây của hộ ông Dũng để lấy mặt bằng làm khu nghỉ dưỡng.

Ông Minh cho rằng, dự án nghỉ dưỡng đang triển khai được UBND tỉnh phê duyệt, việc giải phóng mặt bằng do UBND huyện Thăng Bình, xã hỗ trợ. Bên chủ đầu tư muốn đẩy nhanh tiến độ nên được phép làm trước rồi tính phương án giải phóng mặt bằng, đền bù sau.

“Việc này do cấp trên chỉ đạo làm, chúng tôi chỉ biết tuân theo” - ông Minh nói thêm.

Chủ tịch xã cũng khẳng định, gia đình ông Dũng chỉ bắt đầu trồng keo từ tháng 11/2014, không có chuyện trồng cả 12,7ha từ 2009 như đơn phản ánh. Đất mà ông Dũng trồng keo là đất rừng do nhà nước quản lý.

“Năm 2014 xã phát hiện ông Dũng trồng cây trái phép và lập biên bản. Xét thấy ông Dũng hoàn cảnh khó khăn và đổ công sức ra trồng nên xã hỗ trợ 3 triệu. Sau đó xã giao cho đoàn thanh niên quản lý số cây này”, ông Minh nói.

Khi được hỏi cây trồng từ năm 2014 sao lớn được như vậy, nhất là với điều kiện trồng trên đất cát nóng, ông Minh lập luận có thể ông Dũng mua cây lớn về trồng.

Trưởng Phòng TN&MT Thăng Bình Trần Toản thì cho hay, khu vực đất đai ven biển ở Bình Minh gồm nhiều loại, cả đất ở, đất rừng, đất hoang hóa. Việc xác định rõ khu vực trồng rừng của hộ ông Dũng thuộc loại đất nào cần phải lập đoàn đo đạc, kiểm tra kỹ lưỡng mới có thể trả lời.

Ông cũng khẳng định nếu là đất dân khai hoang, không tranh chấp thì phải bồi thường theo đúng luật.

Tác giả: Cao Thái

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP