Pháp luật

Vụ Út “trọc”: Ðiều tra hành vi đăng ký biển xe quân sự trái quy định

Dự kiến trong 4 ngày từ 30/7 đến 2/8 tới, Toà án Quân sự Quân khu 7 sẽ xét xử vụ án Ðinh Ngọc Hệ (Út “trọc” - nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng Cty Thái Sơn).

Liên quan trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong việc cho Cty Cổ phần phát triển Ðầu tư Thái Sơn (Cty con của Tổng Cty Thái Sơn) mua, đăng ký xe ô tô biển quân sự, biển xanh 80A trái quy định, phía Viện Kiểm sát cho biết, CQÐT hình sự Bộ Quốc phòng sẽ tiếp tục điều tra xem xét xử lý trong giai đoạn tiếp theo.

Ảnh nhỏ trên ông Ðinh Ngọc Hệ. Ảnh nhỏ dưới là ông Phùng Danh Thắm. Ảnh: Dân Trí.

Thoát hình sự vì bút phê của chủ tịch tỉnh

Theo Viện Kiểm sát (VKS), trong vụ án này, việc ông Trần Văn Lâm thế chấp 10 xe ô tô cũng như hành vi của một số đối tượng có liên quan đến việc thế chấp, cho thuê, cho mượn xe, giao xe ô tô là có dấu hiệu sai phạm. Các đối tượng này không được ông Hệ phổ biến các quy định của Nhà nước, không tư lợi, nên không đủ căn cứ để xử lý hình sự.

Tuy nhiên theo VKS, đối với các cá nhân, tổ chức liên quan việc cho Cty Cổ phần phát triển Ðầu tư (CPPTÐT) Thái Sơn mua, đăng ký xe trái quy định, Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục điều tra xử lý ở giai đoạn tiếp theo. Cáo trạng xác định, đối với số cán bộ Ðội kiểm tra liên ngành tỉnh Bình Dương, hành vi không truy xuất nguồn gốc xăng kém chất lượng được phát hiện trong kho của cửa hàng xăng dầu thuộc Cty Hải Hà (đơn vị hợp tác với Cty CPPTÐT Thái Sơn) là chưa làm hết chức trách, nhiệm vụ được giao dẫn đến không phát hiện hành vi vi phạm.

Nguyên nhân một phần có ý kiến bút phê của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương thời điểm đó là ông Lê Thanh Cung, nên không đủ yếu tố xử lý hình sự. Về nội dung này, cáo trạng chuyển cho Tòa án nêu: “Kiến nghị UBND tỉnh Bình Dương xứ lý nghiêm theo thẩm quyền và quy định của pháp luật về công chức, viên chức”.

Ðối diện mức án 10-15 năm tù

Cũng theo VKS, các ông Ðinh Ngọc Hệ, Trần Văn Lâm, Bùi Văn Tiệp, Trần Xuân Sơn và Phùng Danh Thắm đều được áp dụng các quy định của pháp luật theo hướng có lợi cho bị can vì hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ ngày 1/1/2018. Trong khi đó, từ thời điểm này, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có hiệu lực. VKS so sánh quy định tại Ðiều 281 Bộ luật Hình sự năm 1999 và Ðiều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” thì Ðiều 356 có quy định lượng tài sản bị thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra cao hơn so với quy định tại Ðiều 281. Vì vậy VKS quyết định áp dụng Khoản 3 Ðiều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015. Với việc áp dụng quy định này, các bị can đối diện mức hình phạt 10 - 15 năm tù. Cũng về tội danh này, VKS xác định ông Ðinh Ngọc Hệ có vai trò chủ mưu, ông Trần Văn Lâm, Bùi Văn Tiệp và Trần Xuân Sơn có vai trò đồng phạm.

Ngoài ra, ông Ðinh Ngọc Hệ còn bị truy tố theo Ðiểm b Khoản 2 Ðiều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015, có khung hình phạt 2-5 năm tù với tội danh “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Riêng cựu Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổng Cty Thái Sơn Phùng Danh Thắm cũng được VKS áp dụng quy định có lợi như các bị can trên vì vụ án xảy ra trước ngày 1/1/2018. Ông Phùng Danh Thắm bị truy cứu tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Khoản 1 Ðiều 285 Bộ luật Hình sự năm 2015 với khung hình phạt từ cải tạo không giam giữ đến cao nhất là 5 năm tù.

Ông Phùng Danh Thắm được tại ngoại hầu tra

Ðể điều tra, phá án, ngày 3/12/2017 Cơ quan điều tra đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Ðinh Ngọc Hệ. Ngày 12/3/2018, ông Trần Văn Lâm bị khởi tố, bắt tạm giam. Ông Bùi Văn Tiệp bị khởi tố, bắt tạm giam ngày 26/4/2018. Ông Trần Xuân Sơn bị khởi tố, bắt tạm giam ngày 19/3/2018 và ông Phùng Văn Thắm là người duy nhất được áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú sau khi bị khởi tố vào ngày 26/4/2018.

Hàng chục xe ô tô biển xanh, biển đỏ đi về đâu?

Trong số hàng chục xe ô tô mà ông Hệ đăng ký sử dụng bằng biển xanh, biển đỏ, theo VKS chỉ có 2 xe sử dụng đúng tiêu chuẩn, 1 xe điều về Tổng Cty Thái Sơn và 5 xe sử dụng đúng mục đích sản xuất kinh doanh. Số còn lại ông Hệ đã chỉ đạo thuộc cấp mang thế chấp hoặc bảo lãnh vay tiền. Cụ thể: Thế chấp 12 xe cho Ngân hàng PG Bank, 6 xe cho Ngân hàng MH, 4 xe tại Ngân hàng đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV - chi nhánh Thành Ðô, Hà Nội) và 7 xe tại VP Bank và Ngân hàng Liên Việt. Cho Cty cổ phần Cái Mép thuê 3 xe. Cty bia Sài Gòn và Cty bia Ðông Bắc mỗi đơn vị thuê 1 xe, phía ông Hệ thu về 6 tỷ đồng.

Các bị can trở thành bị cáo trong vụ án này gồm: Ðinh Ngọc Hệ (nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng Cty Thái Sơn), Trần Văn Lâm (nguyên Tổng giám đốc điều hành Cty Cổ phần phát triển Ðầu tư Thái Sơn), Bùi Văn Tiệp (ngụ quận Tân Bình, TPHCM), Trần Xuân Sơn (nguyên Giám đốc chi nhánh tại Bình Dương, Cty Cổ phần phát triển Ðầu tư Thái Sơn) - cùng bị xét xử tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Ông Hệ còn bị xét xử thêm tội danh “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức”. Ông Phùng Danh Thắm (nguyên Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Thái Sơn) bị xét xử tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tác giả: TÂN CHÂU

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

  Từ khóa: Út Trọc ,điều tra

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP