Thế giới

Vụ trọng án 37 năm dày vò viên cảnh sát có lương tâm

Trong lịch sử các vụ án hình sự của nước Mỹ, vụ án với tên gọi “giết người ở Keddie” được coi là lạ lùng nhất. Keddie chỉ là một làng nhỏ ở bang California của Mỹ. Địa điểm gần như vô danh mà vụ giết người lại cực kỳ tàn bạo khiến cho vụ việc càng thêm nổi tiếng.

Chuyện xảy ra ngày 11/4/1981. Sáng hôm ấy, cô gái 14 tuổi Sheila Sharp đi về nhà. Tối hôm trước đó cô ngủ lại ở nhà bạn. Bước chân tới nhà, cô thấy mẹ và em trai cùng với một cô gái hàng xóm 17 tuổi bị giết chết bằng dao và búa một cách rất dã man.

Căn nhà số 28 nơi xảy ra án mạng.

Cảnh sát cho biết khi rời khỏi hiện trường, thủ phạm, và là nhiều người chứ không thể chỉ có một người, phải vấy đầy máu của các nạn nhân. Cảnh sát tìm thấy 2 con dao và một cái búa ở hiện trường vụ án.

Phòng bên cạnh có 3 trẻ em từ 7 đến 10 tuổi ngủ mà không hề hay biết gì và chúng không phải là mục tiêu bị sát hại. Ngoài ra còn có một cô bé 11 tuổi nữa bị mất tích. Mấy tháng sau, cảnh sát tìm thấy xác cô bé này ở trong rừng cách hiện trường kia 50km.

Cảnh sát tiến hành điều tra và tìm ra hai nghi vấn. Một là người đàn ông hàng xóm và một người đàn ông khác cùng ở trong ngôi nhà của người hàng xóm từ trước đó không lâu. Nhưng cảnh sát không có trong tay bằng chứng xác thực gì nên cả hai nghi can này đều không bị bắt. Không điều tra ra thủ phạm và không có nghi can nên toà không thể mở phiên xét xử.

Vụ giết người này vì thế càng theo thời gian trôi đi càng thêm bí ẩn. Năm 2013, một người bạn của cô gái trẻ bị sát hại khi xưa nhận nhiệm vụ cảnh sát trưởng khu vực. Người này hạ quyết tâm làm sáng tỏ vụ án. Khi ấy, hai nghi can lúc xưa đã chết.

Anh ta lục lại hồ sơ và tang chứng vụ việc còn lưu giữ lại thì phát hiện ra một số điều khó hiểu. Hồi ấy, không hiểu vì sao mà cảnh sát điều tra lại không để tâm đến 3 chi tiết rất đáng được chú ý.

Thứ nhất là xác cô bé 11 tuổi được tìm thấy ở nơi cách đó 50km và có hẳn một cuộc điện thoại bí hiểm còn ghi âm lại được thông báo cho cảnh sát biết chi tiết để tìm thấy xác cô bé. Cuộn băng ghi âm ấy dường như không được bất kỳ ai để ý đến.

Thứ hai, một người hàng xóm khác cho biết người hàng xóm bị coi là nghi can kia có thổ lộ là đã quẳng một chiếc búa vào bụi rậm. Cảnh sát theo đó tìm ra chiếc búa thứ hai nhưng cũng không coi đấy là lời thú tội của người hàng xóm và vì thế cũng không bắt giữ người hàng xóm.

Thứ ba là một bức thư viết tay của người hàng xóm bị coi là nghi can gửi cho vợ mình, trong đó thú tội đã gây nên chuyện ghê gớm để chứng minh tình yêu của mình với vợ. Tất cả đều không được cảnh sát điều tra sau khi vụ giết người xảy ra để ý đến thoả đáng.

Bây giờ, nhân chứng và nghi can đều đã chết nên việc tìm ra sự thật gần như không còn có thể khả thi nữa. Viên cảnh sát trưởng mới cho rằng vụ án không đến nỗi không thể điều tra ra nếu khi xưa công việc điều tra được tiến hành nghiêm túc và quyết liệt.

Nói như thế có thể đúng nhưng chắc chắn là quá dễ dãi. Bối cảnh tình hình chung khi xưa rất khác và thường về sau thì con người luôn trở nên thông minh hơn trước kia. Dù thế nào thì vụ trọng án này cho tới nay vẫn không có lời giải và vẫn là một câu đố trong lịch sử tội phạm hình sự ở Mỹ.

Căn nhà số 28 này về sau đã được tu sửa nhưng chẳng ai có đủ gan để thuê. Về sau, căn nhà này đã bị phá hủy.

Vụ giết người bí ẩn chưa được giải quyết, nhiều người cáo buộc rằng cảnh sát đã cố tình che đậy tội ác. Vụ việc cũng đã truyền ý tưởng để đạo diễn Bryan Bertino thực hiện bộ phim The Strangers (Sát nhân giấu mặt) sản xuất năm 2008, với sự tham gia của Liv Tyler.

Tác giả: Thảo Nguyên

Nguồn tin: Pháp Luật Plus

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP