Xã hội

Vụ triệt sản vẫn có thai: BV Bạch Mai khẳng định chưa triệt sản

“Vì tính mạng bệnh nhân, an toàn trong phẫu thuật nên tôi quyết định không triệt sản cho bệnh nhân. Hồ sơ bệnh nhân, giấy tờ ra viện đều không ghi bệnh nhân có triệt sản” – BS Dậu, Phó Trưởng khoa Sản (BV Bạch Mai) nói.

Chiều 7/12, liên quan đến vụ việc một phụ nữ từng mổ đẻ ở khoa Sản Bệnh viện Bạch Mai “tố” việc mình từng triệt sản ở đây nhưng lại có thai trở lại, Bệnh viện Bạch Mai đã chính thức có buổi thông tin với báo chí.

Theo TS Dương Đức Hùng – Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp (BV Bạch Mai), chị Lê Thị Nguyên S (SN 1977, ở Hà Nội) sinh mổ 2 lần. Ngày 15/2/2016, chị vào viện mổ đẻ lần 3. BS Nguyễn Duy Dậu là chuyên ngành sản khoa, đã có kinh nghiệm 34 năm trong nghề là người trực tiếp mổ đẻ cho chị Nguyên S. BS Dậu mỗi năm mổ đẻ cho khoảng 500-600 trường hợp.

Đối với triệt sản, theo TS Hùng, thường có 2 cách: Một là người bình thường (không chửa, đẻ) làm KHHGĐ bằng phương pháp triệt sản. Hai là triệt sản kết hợp (mổ đẻ kết hợp triệt sản). “Do yêu cầu 1 là do bệnh lý, có những bệnh nhân bị phối hợp như tim mạch… nếu đẻ thêm lần nữa là ảnh hưởng tính mạng,. Họ sẽ được tư vấn triệt sản” – TS Hùng nói.

TS Hùng khẳng định, nếu đã thắt vòi trứng, triệt sản rồi thì chắc chắn không có thai được nữa. Nếu chị S vẫn có thai lại thì về phía chuyên môn, Bệnh việnh Bạch Mai khẳng định là chị S chưa triệt sản. “Bệnh nhân có thai là hoàn toàn logic về mặt chuyên môn, khoa học” – TS Dương Đức Hùng khẳng định.

Bs Dậu khẳng định chưa mổ triệt sản cho bệnh nhân Nguyên S

Tại buổi thông tin báo chí, Bệnh viện Bạch Mai cũng cung cấp các giấy tờ, hồ sơ bệnh án của chị Nguyên S, trong đó, giấy ghi cách thức mổ (thể hiện toàn bộ những can thiệp trên bệnh nhân), không hề có triệt sản, chỉ ghi phương pháp mổ ngưng đoạn dưới tử cung lấy thai.

Ngoài ra, còn có cam kết của người nhà bệnh nhân trước mổ. Trong đó, anh Đặng Tiến Tr (người nhà bệnh nhân S) có ghi được bác sĩ tư vấn do điều kiện bệnh tật, các nguy cơ, và anh Tr cũng ký: “Do điều kiện hai vợ chồng tôi đã 2 lần mổ và 3 con nên vợ chồng tôi xin triệt sản”.

Tuy các bác sĩ đã tư vấn trường hợp chị S nên triệt sản, gia đình cũng đồng ý xin triệt sản, nhưng theo BS Dậu, trong quá trình mổ lấy thai, phát hiện bệnh nhân rất dính nên quyết định không triệt sản nữa.

“Nếu cố triệt sản, sẽ gây ra tai biến như dính ruột, vào ruột, vào các mạch máu, nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân. Vì tính mạng bệnh nhân, an toàn trong pẫhu thuật nên tôi quyết định không triệt sản cho bệnh nhân. Hồ sơ bệnh nhân, giấy tờ ra viện đều không ghi bệnh nhân có triệt sản” – BS Dậu nói..

“Tôi chắc chắn chưa mổ triệt sản cho bệnh nhân S” – BS Dậu khẳng định, đồng thời cho biết chắc chắn đã giải thích và thông báo cho bệnh nhân việc bệnh nhân bị dính và không mổ triệt sản.

Việc bệnh nhân vẫn tin rằng mình đã triệt sản, khiến không dùng các biện pháp tránh thai, và có thai trở lại, BS Dậu cho rằng, bệnh nhân có thể trong lúc đi đêm về hôm, chờ mổ sáng sớm, có thể người ta quên. TS Hùng cho biết, đây là bài học sâu sắc của bệnh viện đến từng bác sĩ, cán bộ trong bệnh viện.

Tác giả: Võ Thu

Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP