Trong tỉnh

Vụ tàu hỏa đâm xe tải ở Nghệ An: Hệ quả chính quyền “đá bóng” trách nhiệm

Chính quyền các cấp không thực hiện theo yêu cầu, dẫn đến ngày 25/9 đã xảy ra vụ TNGT giữa tàu hàng với xe tải đang băng qua đường.

Hiện trường vụ TNGT tại lối đi dân sinh tự mở ngày 25/9 làm lật 5 toa tàu, 2 người bị thương, tê liệt QL1 và đường sắt Bắc - Nam.

Tháng 6 và tháng 8/2019, UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh Nghệ An có văn bản gửi UBND các huyện, thành thị nơi có tuyến đường sắt đi qua, yêu cầu bố trí người cảnh giới tại 11 lối đi dân sinh tự mở có nguy cơ mất ATGT. Trong đó, có điểm giao cắt giữa đường huyện 258 với đường sắt Bắc - Nam tại Km 267+500 xã Diễn Trường, Diễn Châu. Thế nhưng, chính quyền các cấp không thực hiện, dẫn đến ngày 25/9, tại đây đã xảy ra vụ TNGT giữa tàu hàng với xe tải đang băng qua đường. Hậu quả, làm lật 5 toa tàu, hư hỏng 1 ô tô, 2 người bị thương. Ngoài ra, vụ tai nạn cũng làm 2 tuyến giao thông huyết mạch là đường sắt Bắc - Nam, QL1 tê liệt nhiều giờ.

Ông Phan Xuân Tuấn, Phó phòng Kinh tế hạ tầng, chuyên viên phụ trách ATGT huyện Diễn Châu thừa nhận: “Từ khi nhận được văn bản đến nay, địa phương vẫn chưa bố trí được người cảnh giới tại vị trí trên. Nguyên nhân do số lượng lối đi tự mở ở huyện quá nhiều, trong khi ngân sách huyện hạn hẹp, không đủ khả năng bố trí được người cảnh giới 24/24h như chỉ đạo”.

“Nếu nói địa phương phớt lờ chỉ đạo của cấp trên trong việc đảm bảo an toàn tại vị trí giao cắt này là không chính xác. Về mặt thực tế huyện không thể bố trí người trực thường xuyên được vì nó liên quan đến tiền lương, liên quan đến thiết bị, liên quan đến tổ chức... Trách nhiệm đó thuộc ngành đường sắt”, ông Lê Mạnh Hiên, Phó chủ tịch UBND huyện Diễn Châu nói với PV Báo Giao thông qua điện thoại.

Trong khi đó, ông Võ Minh Đức, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Nghệ An cho biết: Về việc tổ chức cảnh giới, theo quy định cũng như văn bản tỉnh đưa ra là địa phương tự bố trí người cảnh giới ở đó nhưng ngân sách để bố trí cho việc cảnh giới này, địa phương không đáp ứng được. “Chúng tôi cũng đã khảo sát rất kỹ vị trí này, từ vị trí giao cắt về 2 phía, phải tới 3km mới có đường ngang liền kề. Mặt khác, mật độ phương tiện, nhu cầu đi lại người dân qua vị trí lối mở này rất đông nên khẳng định luôn là không đóng được. Ban sẽ tiếp tục đề nghị Bộ GTVT, Tổng công ty Đường sắt VN cho nâng cấp lên thành đường ngang và sử dụng cần chắn tự động”, ông Đức kiến nghị.

Ông Cao Tiến Hùng, Giám đốc Công ty CP Đường sắt Nghệ Tĩnh khẳng định: Trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 11 lối đi tự mở gây nguy cơ mất ATGT, trong đó có 3 điểm là điểm đen TNGT. Theo quy chế phối hợp Bộ GTVT đã ký với tỉnh Nghệ An và nhiều địa phương khác, việc tổ chức cảnh giới tại các lối đi tự mở có nguy cơ xảy ra TNGT cao là do địa phương thực hiện. Vì thế, ngày 30/5/2019, chính UBND tỉnh này cũng đã có văn bản chỉ đạo các địa phương tổ chức bố trí người cảnh giới tại 11 lối đi tự mở, trong đó có điểm Km 267+500 (Diễn Trường, Diễn Châu). Việc các địa phương không thực hiện đóng lối đi tự mở, không bố trí người cảnh giới theo quy chế phối hợp đang khiến nguy cơ mất ATGT tăng cao”.

Tác giả: Văn Thanh

Nguồn tin: atgt.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP