Trong nước

Vụ nhận chìm bùn thải: Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 'trần tình'

Ông Phan Ngọc Cẩm Thành, Phó tổng giám đốc công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 (Nhiệt điện Vĩnh Tân 1) trao đổi với VietNamNet vềdự án đổ gần 1 triệu m3 bùn thải xuống biển Bình Thuận.

Sẵn sàng bồi thường nếu có sự cố

Liên quan giấy phép được Bộ TN&MT cấp, ông Phan Ngọc Cẩm Thành trần tình rằng, công ty được cấp phép nhận chìm ở biển các vật liệu nạo vét vũng quay tàu, khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1.

"Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và các điều khoản của nghị định Chính phủ có liên quan đã nêu rõ danh mục các vật, chất được nhận chìm ở biển, trong đó có chất nạo vét, các chất địa chất trơ, chất vô cơ... Như vậy, các vật liệu nạo vét này không phải bùn thải và hoạt động nhận chìm đã được quy định bởi pháp luật VN", ông Thành nói.

Cụm nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân. Ảnh: Văn Châu

Ông cho hay, sau gần 30 ngày kể từ khi nhận giấy phép, công ty đã trình nộp bổ sung đầy đủ hồ sơ đề nghị giao khu vực biển theo luật; thi công màn chắn bùn, lặp đặt 600m trên tổng số 2.200m màn chắn bùn tại khu vực nhận chìm…

"Công ty cam kết sẽ giám sát chặt chẽ toàn bộ quá trình thi công. Chúng tôi tin giảm được tối đa các rủi ro tác động đến môi trường và sẵn sàng chịu mọi trách nhiệm khắc phục, bồi thường theo quy định của pháp luật nếu phát sinh sự cố môi trường" - Phó tổng giám đốc Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 khẳng định.

Chân thành xin lỗi TS Nguyễn Tác An vì những rắc rối nếu có

Ông có thể cho biết chính xác vị trí dự kiến đổ thải, đã được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép, có tọa độ như thế nào? Vị trí này cách lõi đảo Hòn Cau bao nhiêu hải lý/km và cách ranh giới bảo vệ của khu bảo tồn biển Hòn Cau bao nhiêu hải lý/km?

Giấy phép được cấp có nêu rõ địa điểm, vị trí khu vực nhận chìm thuộc vùng biển xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong.

Vị trí này cách vùng bảo vệ nghiêm ngặt (vùng lõi) của khu vực Hòn Cau khoảng 8km, biên ngoài cùng của khu bảo tồn biển Hòn Cau khoảng 2km.

Tọa độ vị trí dự kiến nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn thải

Vị trí được cấp phép đổ thải cách lõi Hòn Cau 8km và cách ranh giới của khu bảo tồn biển Hòn Cau 2km

Nhiều nhà nghiên cứu khoa học cho rằng, vị trí dự kiến nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn thải là gần ranh giới bảo vệ khu bảo tồn biển Hòn Cau nên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu vực quý giá về hệ sinh thái biển. Tọa độ nhận chìm bùn thải là bãi rạn, trung tâm sinh trưởng của tôm cá; nếu như thế sẽ tận diệt khu vực tôm cá, hải sản của khu vực biển rộng lớn. Ý kiến của ông?

Dự án nhận chìm ở biển được xây dựng trên cơ sở nội dung của báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án đầu tư xây dựng bến chuyên dùng nhà máy điện.

Quá trình xây dựng dự án, chúng tôi đã phối hợp với các chuyên gia để đánh giá một cách cẩn trọng và khoa học về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội và môi trường tại khu vực thực hiện dự án cũng như các tác động môi trường để đưa ra các biện pháp phòng ngừa và giảm thiểu có hiệu quả.

Dự án không chỉ được thảo luận và đánh giá bởi hội đồng thẩm định được Bộ TN&MT thành lập, mà còn được góp ý bởi các bộ ngành liên quan.

Do đó, các ảnh hưởng, tác động môi trường đến môi trường biển, kinh tế xã hội nói chung và khu bảo tồn biển Hòn Cau nói riêng đều đã được xem xét, đánh giá và có biện pháp phòng ngừa với mục tiêu không để xảy ra sự cố môi trường.

Chúng tôi sẵn sàng tạo cơ hội thảo luận trực tiếp và làm rõ trên cơ sở khoa học để làm tốt hơn công tác bảo vệ môi trường. Mọi hoạt động của dự án cũng đều được công khai và giám sát bởi các cá nhân, tổ chức quan tâm.

Ông nói sao trước việc TS Nguyễn Tác An lên tiếng cho rằng tên tuổi của mình bị giả mạo danh trong danh sách Hội đồng tư vấn cho công ty liên quan dự án nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn?

Chúng tôi được báo cáo rằng trong giai đoạn ban đầu khi xây dựng dự án từ tháng 8/2016, trung tâm Quy hoạch (tức là trung tâm Quy hoạch và Quản lý tổng hợp vùng duyên hải khu vực phía Nam - đơn vị tư vấn) đã mời TS Nguyễn Tác An tham gia với mong muốn nội dung của dự án được lập một cách cẩn trọng, xem xét mọi khía cạnh dưới các đánh giá khoa học của các chuyên gia hàng đầu.

Rất tiếc, do lý do sức khỏe, TS An đã không thể tham gia. Do đó, tại hồ sơ dự án trình lại Bộ TN&MT vào tháng 4/2017, chúng tôi đã không để tên TS Nguyễn Tác An trong danh sách các thành viên tham gia xây dựng dự án.

Nhân đây, chúng tôi cũng chân thành xin lỗi TS An vì những rắc rối nếu có và các thông tin chưa đầy đủ về nội dung dự án như đã nêu trong thời gian qua.

Chúng tôi luôn cầu thị, lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học và mong muốn được mời TS An được đến thăm và góp ý trực tiếp để đảm bảo quá trình thực hiện dự án không để xảy ra tác động đến môi trường.

Các bộ ngành đã cho ý kiến

Trước các ý kiến phản biện, nhiệt điện Vĩnh Tân 1 có nhận được văn bản hay ý kiến nào khác từ cơ quan quản lý nhà nước việc tạm dừng thực hiện hoặc xem xét lại dự án?

Dự án nhận chìm ở biển vật liệu nạo vét đã được hội đồng thẩm định hồ sơ cấp giấy phép, thành lập bởi Bộ TN&MT, với sự tham gia của 22 thành viên là các chuyên gia trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, sinh thái, hải dương học, một số hội nghề nghiệp liên quan, BQL khu bảo tồn Hòn Cau, đại diện UBND tỉnh Bình Thuận và các bộ, ngành liên quan.

Bộ TN&MT đã lấy ý kiến của các Bộ Quốc phòng, GTVT, NN&PTNN, UBND tỉnh Bình Thuận, BQL khu bảo tồn biển Hòn Cau... Chúng tôi chưa nhận được ý kiến chính thức nào từ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc tạm dừng thực hiện hay xem xét lại dự án.

Công ty đã trình nộp hồ sơ đầy đủ theo luật định, phối hợp với Bộ TN&MT để nhận được quyết định giao khu vực biển.

Tác giả: Đàm Đệ

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP