Giáo dục

Vụ học sinh lớp 6 không đọc nổi chữ: Sở GD-ĐT khắc phục như thế nào?

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh này nghiêm túc nhận trách nhiệm và đối mặt, tìm nguyên nhân chấn chỉnh không để học sinh thiếu chuẩn mà lên lớp.

Ngày 13/4, ông Đoàn Tấn Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp làm việc với Sở GD - ĐT tỉnh Đồng Tháp xung quanh vấn đề nhiều học sinh lớp 6 không đọc nổi chữ nhưng vẫn lên lớp.

Báo cáo vụ việc, ông Nguyễn Thanh Danh - Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Tháp, cho biết, ngay khi biết sự việc, lãnh đạo sở đã có công văn khẩn chấn chỉnh tình trạng học sinh không đảm bảo chuẩn kiến thức và kỹ năng.

Ngoài ra, sở cũng yêu cầu tổ chuyên môn, giáo viên nghiêm túc tìm nguyên nhân học sinh còn yếu, tập trung nguyên nhân chủ quan. Đồng thời tìm hiểu thêm hoàn cảnh gia đình các em, sự quan tâm phụ huynh thế nào… Ngành giáo dục phải đối mặt, vượt qua chứ không đổ lỗi.

Tại cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, ông Nguyễn Thanh Danh - Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Tháp nghiêm túc nhìn nhận trách nhiệm thuộc về Sở.

Sở GD-ĐT Đồng Tháp cũng nhấn mạnh, sở đã chỉ đạo từ lâu, xuyên suốt không giao chỉ tiêu học sinh lên lớp cho giáo viên và không sử dụng tiêu chí này làm điều kiện "cứng" hay "khống chế" trong đánh giá, xếp loại và xét thi đua khen thưởng giáo viên vào cuối năm học.

Tuy nhiên vẫn còn một vài ban giám hiệu muốn thành tích trường mình đẹp, không chấp hành chỉ đạo của ngành, có những quy định gây áp lực cho các thầy cô, do đó khi biết học sinh yếu kém vẫn cho lên lớp.

Từ sau vụ việc này, sở yêu cầu các cơ sở giáo dục, trường học thực hiện nghiêm việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT, kiên quyết không để học sinh nào không đảm bảo kiến thức, kỹ năng tối thiểu mà được lên lớp.

Đối với những học sinh yếu kém (nếu có) nhà trường sẽ tổ chức thêm học kỳ thứ 3. Nếu xong học kỳ này các em vẫn không cải thiện thì cho ở lại lớp.

Ông Nguyễn Thanh Danh - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp phát biểu: "Chúng tôi xem đây là bài học đáng giá về công tác quản lý chuyên môn của ngành, nhất là công tác tổ chức, kiểm tra, đánh giá học sinh ở một số đơn vị. Chúng tôi quyết tâm sửa sai, khắc phục một cách triệt để bằng các giải pháp cụ thể".

Để "trị bệnh" học sinh không đảm bảo chuẩn kiến thức (học sinh yếu, kém), Sở GD-ĐT Đồng Tháp đưa ra giải pháp, đến cuối năm nhà trường sẽ tổ chức thêm học kỳ 3 cho những em này. Thầy cô tập trung ôn tập những kiến thức căn bản nhất, tối thiểu để các em lên lớp.

Qua học kỳ này mà vẫn chưa đạt thì bắt buộc các em phải ở lại lớp. Trước đây, mỗi cấp học các em chỉ được ở lại 1 lần, sau này thì 2 lần, nếu quá 2 lần thì xem như "bó tay" phải đưa các học sinh này qua hệ giáo dục thường xuyên.

Ông Đoàn Tấn Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu xem lại hệ thống báo cáo và cần đặt nặng trách nhiệm nhà trường về học sinh không đảm bảo chuẩn kiến thức, thiếu kỹ năng.

Liên quan vụ việc, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng hệ thống báo cáo "có vấn đề". Do đó cần triển khai song song một số đoàn liên ngành khảo sát thực tế ở một số nơi điển hình, có dữ liệu cụ thể.

Tại buổi làm việc, UBND tỉnh đề nghị thầy cô kèm cặp, giúp đỡ học sinh yếu kém, nhất là những em có hoàn cảnh khó khăn, thiếu sự quan tâm của gia đình. Yêu cầu của tỉnh, bên cạnh đưa ra nguyên nhân phải tìm ra một giải pháp lâu dài chứ đừng "chữa cháy" khi có dư luận.

Ông Đoàn Tấn Bửu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo, Sở GD - ĐT cần đặt nặng trách nhiệm nhà trường; thầy cô hỗ trợ tích cực đối với các em có năng lực học yếu, khó lên lớp, hoàn cảnh khó khăn. Nếu các em học hoài không thể lên lớp thì phải hướng nghiệp cho các em học nghề trung cấp, sơ cấp, sau đó các em có nghề không phải thất nghiệp.

Tác giả: Nguyễn Hành

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP