Xã hội

Vụ đánh người ở Sóc Sơn: Hậu quả từ trò câu like ảo

Những chiêu trò câu like trên mạng xã hội tưởng chừng như vô thưởng vô phạt nhưng sẽ để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng mà không ai có thể lường trước.

Từ lâu, chiêu trò câu like trên mạng xã hội không còn xa lạ với người dùng. Có một số tài khoản bất chấp đăng tải những thông tin chưa xác thực hoặc cố tình lợi dụng, bịa đặt vụ việc để tạo sự chú ý, câu like (thích) nhằm tăng tính tương tác cho Facebook cá nhân với mục đích riêng. Song những hành động tưởng chừng vô thưởng, vô phạt này gây ra không ít hậu quả mà chính người đăng không thể lường trước.

Hôm 23/7, vụ việc 2 người phụ nữ (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) đi bán tăm từ thiện bị người dân đánh nhập viện vì nghi bắt cóc trẻ em cũng khiến nhiều người phải suy ngẫm về hệ quả của việc câu like.

Nhiều người cho rằng sự bồng bột của người dân hành hung 2 phụ nữ trên là hệ quả khôn lường của việc đọc quá nhiều tin tức ảo khiến tâm lý họ hoang mang, lo sợ dẫn đến hành động thiếu suy nghĩ vì lo lắng, cảnh giác.

Bất chấp hậu quả để đạt mục đích

Hình ảnh thương tâm, thông tin bịa đặt, vụ việc dàn dựng... là những chiêu trò câu like trên mạng xã hội được nhiều tài khoản sử dụng. Cùng với đó, sự mù quáng của một số người dùng đã vô tình tiếp tay cho thông tin sai sự thật được lan rộng gây ra hậu quả không thể lường trước.

Trên mạng xã hội, nhiều tài khoản đăng tin đồn thất thiệt nhằm câu like khiến dư luận hoang mang. Ảnh chụp màn hình.

Không thể gạt bỏ sự sáng tạo của người dùng mạng khi biết tận dụng các xu hướng từ khoá hot như những câu nói nổi bật trong bộ phim Người phán xử để quảng cáo điều hoà, sử dụng hình ảnh của các hoa hậu, hot girl với các dịch vụ làm đẹp... Song việc tận dụng trí sáng tạo một cách thông minh hay thiếu suy nghĩ lại là vẫn đề đáng để nhiều người bàn cãi, thậm chí chỉ trích.

Thực tế, không ít đã phải bày tỏ sự hoang mang, lo sợ khi nói rằng mỗi ngày lên mạng lại bắt gặp những thông tin tiêu cực khiến họ không biết đâu là thực, đâu là ảo. "Để thu hút cho kênh thông tin của mình, người ta không từ một thủ đoạn nào cả, thậm chí việc làm của họ có thể ảnh hưởng tiêu cực tới hàng nghìn người", một bạn đọc chia sẻ.

Cụ thể gần đây nhất, ngày 22/7, nhiều người dân khá lo lắng trước thông tin, hình ảnh máy bay rơi tại sân bay Nội Bài từ một tài khoản Facebook. Hành động này cũng khiến cơ quan chức năng phải vào cuộc để kiểm định. Kết quả cho thấy chủ tài khoản này đã hành động với mục đích câu like, phục vụ cho việc bán hàng online của mình.

Trước đó, ngày 14/7, clip về một chủ quán trà đá ở Cầu Giấy (Hà Nội) dùng nước rửa chân pha trà cho khách cũng gây nhiễu loạn, bức xúc trong dư luận. Song đây cũng lại là màn dàn dựng, chiêu trò nhằm câu like cho Facebook từ một cửa hàng làm tóc. Hành động này khiến nhiều người dân Hà Nội bức xúc, sợ hãi trước những đồ ăn, thức uống bẩn ngay tại những nơi công cộng, chủ quán trà đá theo đó cũng bị lực lượng chức năng yêu cầu chấm dứt hoạt động kinh doanh.

Ngày 18/3, 2 học sinh lớp 12 ở Điện Biên tung tin có ma cà rồng xuất hiện trên đường đi học về trên mạng xã hội. Thông tin khiến người dân trong huyện không dám ra đường vào buổi tối, nhiều học sinh phải nghỉ học vì lo sợ. Sau khi làm việc với cơ quan công an, 2 học sinh thú nhận hình ảnh cắt ghép, đăng nhằm trêu đùa bạn bè...

Không ít các vụ việc khác như lợi dụng hình ảnh của bạn bè, tố nữ sinh doạ nạt khiến một thiếu niên phải tự tử hay nhiều tài khoản đăng tải những dòng tâm trạng buồn bã khi tự nhận là người thân bé trai bị bắt cóc rồi giết tại Quảng Bình... mà những cập nhật sau đó lại là "Mình bán cái này, cái kia... ai quan tâm inbox nhé...".

Dù cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra, có hình phạt thích đáng, song hậu quả của những sự việc trên không thể phủ nhận. "Bất chấp hậu quả, nhiều người vẫn dùng chiêu trò để nổi tiếng, thu hút sự chú ý không thể chấp nhận được! Tôi nghĩ pháp luật có hình phạt nặng hơn để răn đe, tránh tình trạng này tiếp diễn", bạn đọc Lan Anh cho hay.

Hậu quả nghiêm trọng từ câu like

Không chỉ hoang mang dư luận, những chiêu trò câu like "rẻ tiền" này còn khiến nhiều người phải "khốn đốn". Chỉ cần có chút nghi ngờ, ngay lập tức họ bị người dân xung quanh đến đánh đập, thậm chí đốt xe.

Vào ngày 22/7, 2 người phụ nữ là thành viên của Hợp tác xã tình thương đi bán tăm bị người dân đánh, phải nhập viện cấp cứu vì nghi bắt cóc trẻ em. Vụ việc xảy ra tại thôn Thái Phù, xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Trước đó, đêm 20/7, chiếc ôtô Fortuner đi vào xã Hồng Lạc (Hải Dương) mua gỗ bị đốt cháy, chỉ vì người dân nghi 2 người trên xe đi thôi miên, bắt cóc trẻ em.

Người phụ nữ bán tăm bị hành hung vì nghi bắt cóc trẻ em. Ảnh cắt từ clip.

Trước các vụ việc này, nhiều bạn đọc cho rằng đây là một số hậu quả nghiêm trọng của việc một số người dùng đăng thông tin bịa đặt gây hoang mang dư luận về bắt cóc trẻ em, thôi miên trộm tiền... trên mạng xã hội.

Thành viên Nguyễn Thế Lữ thẳng thắn người tung tin giả bất chấp hậu quả, một số người tham gia ấn like, chia sẻ mù quáng, không kiểm tra thông, người đọc không biết chọn lọc...

Theo anh, điều này là nguyên nhân chính khiến cho mọi người từ thành thị đến nông thôn hoang mang, lo sợ. "Vì thế, người dân giờ cứ hễ nhìn thấy người lạ lại gần những đứa trẻ là nghi bắt cóc và ra tay đề phòng", độc giả này nhận định.

Có chung quan điểm, bạn đọc Thành Long cho rằng người có tội nặng nhất trong các vụ việc này là các tài khoản, trang mạng xã hội đưa tin thất thiệt nhằm câu like, đạt mục đích đã khiến người dân bị ảnh hưởng tâm lý.

"Đánh người không có căn cứ là có tội, song người khiến dân đề cao cảnh giác, không an tâm sẽ phải chịu tội nặng hơn. Tôi mong muốn cơ quan chức năng có chế tài cho những kẻ tung tin đồn nhảm làm hoang mang dư luận", tài khoản Hồng Hà đề nghị.

Một số ý kiến khác tỏ ra lo lắng khi ra đường tiếp xúc với trẻ nhỏ. "Mình chắc không dám nói chuyện với trẻ nhỏ hay người lạ nữa. Chỉ sợ bị hiểu lầm là bắt cóc, thôi miên lấy tiền, mình lại bị đánh oan thì khổ...", thành viên Duy Phạm bày tỏ.

Tác giả: Anh Thư

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP