Pháp luật

Vụ CSGT bị hất tung ở Hải Phòng: Đối tượng vi phạm có phạm tội giết người?

Trưa 9/7 trong khi đang làm nhiệm vụ, Thượng úy Nguyễn Trọng Quý - cán bộ Đội CSGTTT, CAH An Lão, Hải Phòng đã bị một thanh niên vi phạm Luật Giao thông đường bộ lao xe máy hất tung người dẫn đến trọng thương.

Đã vi phạm còn đâm thẳng vào CSGT

Theo thông tin từ CAH An Lão, vào thời điểm trên, tổ tuần tra kiểm soát thuộc Đội ĐSGTTT làm nhiệm vụ ở khu vực chợ Thái (xã Mỹ Đức, huyện An Lão) phát hiện một nam thanh niên đi xe máy hiệu Airblade màu đen không đội mũ bảo hiểm, chạy xe với tốc độ cao.

Do đó, Thượng úy Nguyễn Trọng Quý - cán bộ Đội CSGTTT đã ra tín hiệu dừng xe để kiểm tra. Tuy vậy, đối tượng này không những không chấp hành hiệu lệnh mà còn tăng ga tông thẳng vào người Thượng úy Quý.

Cú tông mạnh khiến Thượng úy Quý bị hất văng lên không trung, rồi rơi xuống đất. Nam thanh niên điều khiển xe (được xác định là Đỗ Văn Thắng, 16 tuổi, ở xã Thái Sơn, huyện An Lão) bị thương nhẹ, đang bị công an xử lý.

Đối tượng tăng ga đâm thẳng, hất tung CSGT lên không trung (ảnh cắt từ clip)

Thượng úy Nguyễn Trọng Quý được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng chấn thương nặng (chấn thương sọ não, cổ tay, trật khớp khuỷu tay). Hiện, cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra xử lý vụ việc.

Sau vụ việc trên, vấn đề nhiều người quan tâm là hành vi của Đỗ Văn Thắng sẽ bị xử lý ra sao?

Phân tích dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, hành vi cố tình điều khiển xe đâm trúng CSGT đang làm nhiệm vụ của đối tượng có dấu hiệu cấu thành tội Giết người (trường hợp giết người chưa đạt).

Theo Điều 123 BLHS 2015, người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tù từ 12-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: Giết 2 người trở lên; Giết người dưới 16 tuổi; Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; Có tính chất côn đồ; Vì động cơ đê hèn…

Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 7-15 năm.

Có dấu hiệu cấu thành tội giết người?

Cũng theo Luật sư Hồng Vân, hành vi khách quan của tội giết người là dùng thủ đoạn nhằm làm cho người khác chấm dứt cuộc sống. Hành vi làm chết người được thực hiện thông qua các hình thức hành động hoặc không hành động: Hành động thể hiện qua việc người phạm tội đã chủ động thực hiện các hành vi mà pháp luật không cho phép như dùng dao đâm, dùng súng bắn, dùng gậy đánh, dùng gạch ném, dùng xe đâm... tác động vào thân thể nạn nhân nhằm tước bỏ tính mạng người đó.

Hậu quả do hành vi của tội phạm giết người gây ra là làm người khác chết (chấm dứt sự sống của người khác). Tuy vậy, chỉ cần hành vi mà người phạm tội thực hiện có mục đích làm chấm dứt sự sống của người khác đã được coi là cấu thành tội giết người cho dù hậu quả chết người có xảy ra hay không. Đối tượng thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý.

Chủ thể của tội giết người là chủ thể thường. Nghĩa là bất kỳ người nào từ 14 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự đều có thể trở thể của tội giết người. Theo quy định tại Điều 12 BLHS 2015, người từ đủ 14 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng. Người từ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.

Theo thông tin ban đầu, tại thời điểm thực hiện hành vi, Đỗ Văn Thắng 16 tuổi. Với độ tuổi này, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, đối tượng vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Giết người vì đây là tội đặc biệt nghiêm trọng.

Mặt khác, đoạn clip ghi lại sự việc cho thấy, Thắng điều khiển xe máy di chuyển với tốc độ cao, không đội mũ bảo hiểm, tông trực diện vào Thượng úy Quý khiến anh bị văng lên cao rồi rơi xuống đường bị thương nặng. Như vậy, đối tượng đã thực hiện hành vi với lỗi cố ý.

Xe máy được xác định là nguồn nguy hiểm cao độ nên người điều khiển phải ý thức rõ việc chạy xe với tốc độ cao sẽ gây nguy hiểm cho người khác. Hậu quả của hành vi phóng xe với tốc độ cao đâm thẳng vào người khác có thể dẫn đến chết người nên đối tượng thực hiện hành vi buộc phải ý thức được điều này – Luật sư Hồng Vân nhận định.

Ngoài ra, việc đối tượng này điều khiển xe chạy với tốc độ cao trong tình trạng không đội mũ bảo hiểm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định. Song, để xử lý đúng người, đúng tội, lực lượng chức năng cần phải phải xác định thêm các yếu tố khác như đối tượng có sử dụng các chất kích thích (ma tuý, rượu, bia) trước và trong khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông không.

Tác giả: Huệ Linh

Nguồn tin: Báo An ninh Thủ đô

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP