Xã hội

Vụ chồng bắt vợ trả tiền ăn, tiền khám sản mới cho ly hôn: Người chồng có thể bị truy cứu hình sự

Theo luật sư cường, nếu trường hợp người đàn ông này giữ giấy tờ của người phụ nữ với mục đích để ép buộc người phụ nữ này phải đưa cho anh ta những tài sản không phải là tài sản chung, không thuộc quyền sở hữu của anh ta thì đây là hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Mới đây, mạng xã hội Facebook xôn xao về vụ người chồng tính toán chi li, "đo lọ mắm đếm củ dưa hành" với người vợ vừa ly hôn. Cụ thể, anh chồng này đã yêu cầu người vợ phải trả 42 triệu để lấy lại đồ cá nhân, giấy tờ tùy thân.

Bài đăng "bóc phốt" người chồng "chia tay đòi lại quà" của cô vợ thu hút hàng ngàn lượt quan tâm, bình luận và chia sẻ

Chồng đòi vợ 12 triệu tiền ăn, tiền khám chữa bệnh khi ly hôn

Cụ thể, theo lời kể của người vợ thì cặp đôi này mới tổ chức đám cưới được 14 tháng, người vợ làm giáo viên trong khi chồng là công nhân. Tuy nhiên, hạnh phúc chưa được bao lâu thì cặp đôi đã xảy ra xung đột dẫn tới ly hôn. Sau khi ly hôn, người chồng bắt vợ phải trả lại hơn 42 triệu đồng, bao gồm 12 triệu tiền ăn hàng tháng (tính từ thời điểm cô về làm dâu), tiền đưa vợ đi chữa bệnh (phục vụ việc sinh sản)... Thậm chí, người chồng còn giữ lại giấy tờ tùy thân của vợ đến bao giờ trả đủ tiền mới đưa.

Thậm chí người chồng này còn nhắn tin dọa vợ mình: "Nếu cô không trả hết cô sẽ không lấy được một cái gì. Tôi nghĩ cô sẽ cần đống giấy tờ quan trọng của cô hơn đấy".

Tin nhắn người chồng đòi tiền vợ mới trả giấy tờ tùy thân của cô

Để giải quyết mọi việc ổn thỏa, người vợ xoay xở bằng mọi cách để trả đủ tiền cho chồng cũ và được giải thoát khỏi anh ta. Thế nhưng, mọi việc vẫn chưa dừng lại ở đó.

Tới lúc vợ thu dọn đồ đạc, anh chồng còn dặn bố mẹ anh ta đứng trông vì lo sợ cô sẽ lấy gì của nhà anh. Chiếc xe điện cô mang về cho mẹ chồng, lúc đi dắt xe ra anh chồng còn bảo "xe này anh thay bình nên tháo nốt bình điện ra trả". Do đó, người vợ đã phải dắt bộ xe rời khỏi căn nhà đó.

Câu chuyện "thật như đùa" này ngay sau khi được đăng tải lên mạng xã hội đã nhận về rất nhiều bình luận từ phía người dùng mạng. Nhiều người đã tỏ ra bức xúc vô cùng trước cách hành xử thiếu quân tử và nhỏ nhen của người chồng trên.

Được biết cô vợ tên là P.T.TH (31 tuổi, quê huyện Kiến Xương, Thái Bình) và chồng là anh Đ.N.H (32 tuổi, quê tại Kiến Xương, Thái Bình).

Anh chồng làm thế có đúng luật?

Liên quan đến vụ việc đang gây xôn xao mạng xã hội, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Đặng Văn Cường để hiểu rõ hơn về tính pháp lý trong vụ việc trên.

Theo đó, luật sư Cường nhận định: "Đây là hành vi đáng xấu hổ, vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội và còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Có lẽ nhiều người đàn ông tử tế sẽ thấy xấu hổ khi trước thềm 8/3 mà lại xuất hiện biên bản thỏa thuận kiểu chia tay đòi quà một cách thiếu tình người đến thế".

Dưới góc độ pháp luật, luật sư Cường phân tích, thông thường khi ly hôn, vợ chồng có thể tự thỏa thuận để giải quyết với nhau về việc chia tài sản chung và xác nhận tài sản riêng của 2 vợ chồng.

Theo đó, tài sản chung vợ chồng là những tài sản được tặng cho chung, thừa kế chung, do vợ chồng lao động sản xuất làm ra trong thời kỳ hôn nhân. Bởi vậy với những khoản tiền, nhẫn cưới và các tài sản khác mà hai vợ chồng được tặng cho chung thì sẽ phải chia đôi, có tính đến công sức đóng góp, nguồn gốc tài sản và ưu tiên quyền lợi của phụ nữ. Đối với trang sức cá nhân thì sẽ là tài sản riêng của người vợ.

"Biên bản bàn giao" liệt kê các khoản tiền đã trả hết, được cho là được lập, ký kết giữa chị H. và người chồng

"Trong câu chuyện trên, trường hợp cái nhẫn vàng trong ngày cưới mà người vợ được gia đình nhà chồng tặng cho riêng thì đây là tài sản riêng của người vợ, người chồng không có quyền đòi chia chiếc nhẫn này, bố mẹ chồng cũng không có quyền đòi lại chiếc nhẫn này bởi hợp đồng tặng cho đã có hiệu lực pháp luật", luật sư Cường cho biết!

Bởi vậy, nếu trường hợp người đàn ông này giữ giấy tờ của người phụ nữ với mục đích để ép buộc người phụ nữ này phải đưa cho anh ta những tài sản không phải là tài sản chung, không thuộc quyền sở hữu của anh ta thì đây là hành vi cưỡng đoạt tài sản. Hành vi này thể hiện tương đối rõ qua trang thứ nhất của biên bản là cô gái phải trả tiền thì mới được lấy lại giấy tờ.

Tin nhắn của anh chồng

Pháp luật không quy định cho phép khi ly hôn một trong hai bên lại đòi tiền ăn trong quá trình sinh sống với nhau, kể cả tiền khám chữa bệnh, tiền học phí... Bởi đó là là chi phí đã chi ra rồi, pháp luật cũng không cho phép đòi lại những khoản tiền này. Vì vậy, việc người đàn ông này đòi lại những khoản tiền đó là không có cơ sở pháp lý và không phù hợp với đạo đức xã hội.

Luật sư Cường nhấn mạnh, trong vụ việc này, cơ quan chức năng có thể vào cuộc xem xét làm rõ các khoản tiền, tài sản được kê trong biên bản này có phải là tài sản của người đàn ông đó không?

Trong trường hợp có căn cứ cho thấy việc yêu cầu đưa tài sản là không có căn cứ pháp luật, hành vi của người đàn ông này là đe dọa, uy hiếp người phụ nữ, lợi dụng tình trạng khó khăn của người phụ nữ này để chiếm đoạt tài sản thì đây là hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Trường hợp người phụ nữ này vì bị đe dọa, uy hiếp mà miễn cưỡng phải giao tài sản cho người đàn ông này thì hành vi có dấu hiệu tội phạm. Hành vi này sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại điều 170 bộ luật hình sự năm 2015. Cụ thể tội danh và hình phạt được quy định như sau:

Điều 170: Tội cưỡng đoạt tài sản

1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản."

Như vậy, luật sư Cường cho rằng, trong trường hợp cơ quan chức năng vào cuộc xác minh làm rõ có căn cứ cho thấy rằng người đàn ông này đã giữ giấy tờ của người phụ nữ để đe dọa uy hiếp, buộc người phụ nữ này phải đưa những khoản tiền không có căn cứ, không đúng pháp luật cho mình. Người phụ nữ này vì lo sợ, vì bị ép buộc, dọa nạt nên miễn cưỡng đưa tiền cho người đàn ông này thì dù việc đưa tiền có sự chứng kiến của cơ quan tổ chức cá nhân thì hành vi này cũng là hành vi cưỡng đoạt tài sản, hành vi thỏa mãn dấu hiệu của tội cưỡng đoạt tài sản theo điều 170 Bộ luật hình sự năm 2015.

Với số tiền dưới 50.000.000 đồng thì người có hành vi phạm tội sẽ phải đối mặt với mức hình phạt từ 1 năm đến 5 năm tù.

Tác giả: Minh Khôi

Nguồn tin: Pháp luật & Bạn đọc

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP