Xã hội

Vụ cả làng đánh người, đốt xe: Cá nhân sẽ phải chịu trách nhiệm

Thời gian vừa qua, nhiều vụ việc người dân vì nghi ngờ có người xấu vào làng bắt cóc trẻ em nên đã hô hoán nhau lao vào đánh hội đồng khiến nhiều người bị thương, nhiều tài sản có giá trị bị hủy hoại.

Chiều 20/7, anh Trịnh Mạnh H. (37 tuổi, quê Thái Nguyên, Giám đốc kinh doanh của một công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Hải Dương) cùng lái xe tên Nam (29 tuổi, ở Hà Nội) đi trên chiếc Fortuner về xã Tân Việt, huyện Thanh Hà, Hải Dương. Khi đi qua cửa hàng đồ gỗ của gia đình anh Phạm Đắc B. (33 tuổi, ở thôn Đồng Hởi, xã Hồng Lạc), anh H. vào hỏi mua hàng hóa.

Tiếp chuyện hai người khách trên là chị Q. (vợ anh B.). Trong khi nói chuyện, chị Q. cảm thấy đau đầu, xây xẩm mặt mày. Nghĩ rằng mình bị hai vị khách này thôi miên, chị Q. đã vội vàng chạy ra ngoài hô hoán có người “đánh” thuốc mê, bắt cóc trẻ em.

Nghe thấy tiếng tri hô của chị Q., người dân xung quanh đó nhanh chóng chạy ra bao vây lấy hai vị khách và chiếc xe ô tô.

Hành vi đốt xe là vi phạm pháp luật.

Bất chấp những lời thanh minh của anh H. và lái xe, người dân ở thôn Đồng Hởi vẫn kéo đến, lao vào bắt giữ. Trong đám đông người dân này, có không ít đối tượng đã kích động và cùng người khác đập phá chiếc xe của vị giám đốc trên. Chưa hết, đỉnh điểm của sự cuồng nộ mê muội này là họ đã châm lửa đốt trụi chiếc xe.

Luật sư Trần Huy Tuấn, đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh nhìn nhận: Với hành vi đốt chiếc xe trị giá tiền tỷ này đã đủ dấu hiệu của tội Hủy hoại tài sản theo Điều 143, BLHS. Tùy vào giá trị tài sản bị thiệt hại để cơ quan công an xác định tình tiết định khung. Tuy nhiên, theo khoản 4, Điều này quy định, gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ 500.000 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Còn về việc tụ tập đông người, gây khó khăn cho cơ quan công an làm việc, có hành vi đe dọa đánh nhóm người đi xe ô tô có dấu hiệu của tội Gây rối trật tự công cộng. Tuy nhiên, về hành vi gây rối trật tự công cộng cần điều tra thêm.

Về việc cả làng hò nhau đốt xe, gây rối trật tự công cộng, cơ quan công an sẽ vào cuộc điều tra, xác định những đối tượng nào liên quan đến vụ việc. Cá nhân sẽ phải chịu trách nhiệm cho những hành vi vi phạm pháp luật mà mình đã gây ra.

Ở vụ việc này, các đối tượng sẽ được phân hóa rõ ràng, xác định xem vai trò của từng đối tượng, đối tượng nào kích động, lôi kéo, đối tượng nào thực hành, cổ súy… Những kẻ vi phạm pháp luật sẽ phải đền bù thiệt hại mà mình đã gây ra.

“Cơ quan công an sẽ có trách nhiệm điều tra, xác minh những đối tượng tham gia gây rối và hủy hoại tài sản. Cần xác định rõ động cơ là gì. Khi đó sẽ căn cứ và xác định đối tượng nào trực tiếp tham gia, kích động (nếu có) để xác định việc bồi thường thiệt hại, chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật. Tùy theo hành vi của từng đối tượng, công an sẽ có hình thức xử lý trách nhiệm phù hợp”, luật sư Tuấn cho biết.

Việc chị Q. (vợ anh B.) chóng mặt có thể do nhiều nguyên nhân, có thể áp lực, lo sợ. Tuy nhiên do nghi ngờ nhóm khách đã “thôi miên” nên chị này đã chạy ra ngoài hô hoán mọi người. Và từ đây, câu chuyện bị đẩy đi quá xa dẫn đến việc nhiều người dân có mặt, tụ tập, kích động rồi đốt xe ô tô.

“Hành vi của cô gái chạy ra đường hô hoán bị bỏ bùa mê, khiến dân làng hiểu lầm mà đánh nhóm người đi ô tô sau đó đốt xe có dấu hiệu của hành vi vu khống. Công an cũng cần điều tra làm rõ hành vi và động cơ của chị này. Nếu hành vi của chị này chỉ là hiểu lầm thì không sao, nhưng nếu có động cơ khác thì phải làm rõ”, luật sư Tuấn phân tích thêm.

Chỉ vì nghi ngờ hai người phụ nữ bắt cóc trẻ em mà người dân lao vào đánh.

Cũng liên quan đến câu chuyện hiệu ứng đám đông, chưa biết rõ thực hư câu chuyện ra sao đã “dùng chân tay” thay cái đầu, lao vào hành hung người khác, vào trưa 22/7 xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, TP.Hà Nội, chị B. (40 tuổi, trú tại Mỹ Đức, Hà Nội) và N.T.P (52 tuổi, trú tại Ứng Hòa, Hà Nội) là thành viên của Hợp tác xã tình thương (HTX) huyện Mỹ Đức, đến xã Mai Đình để bán tăm gây quỹ tình thương.

Khi đến thôn Thái Phù, thấy cháu Đ.H.A (5 tuổi), hai người gọi cháu thì bị hiểu lầm là bắt cóc trẻ em. Người dân đuổi theo, đánh đập, khiến hai người bị thương.

Trong vụ việc này, nhiều người cho rằng, cơ quan điều tra cần phải khởi tố những kẻ đánh chị P. và chị B. về hành vi cố ý gây thương tích theo Điều 104, BLHS.

“Rõ ràng việc hiệu ứng đám đông lao vào đánh người khi chưa được xác minh thì rõ ràng là hành vi vi phạm pháp luật. Cho nên, với những trường hợp này thì người dân cần bình tĩnh, giúp đỡ người cầu cứu, nhưng không nên manh động và phải trình báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để giải quyết. Không nên tự tiện đánh người hay có hành vi gây thiệt hại về sức khỏe và tài sản của người khác”, luật sư Tuấn chia sẻ.

Tác giả: Xuân Hòa

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP