Xã hội

Vụ BS Hoàng Công Lương: Xuất hiện chứng cứ mới

Chứng cứ mới cho thấy đã có biên bản bàn giao thiết bị sau sửa chữa của phòng vật tư BV đa khoa tỉnh Hoà Bình với điều dưỡng của đơn nguyên chạy thận.

Đã có biên bản trước khi chạy thận

LS Trần Hồng Phúc, đoàn luật sư TP Hà Nội, một trong số các luật sư bào chữa cho bị can Hoàng Công Lương cho biết, hiện nay bác sĩ Lương đã thu thập được một số tài liệu có giá trị chứng cứ, trong đó có biên bản bàn giao thiết bị sau sửa chữa ngày 28/5/2017 để giao nộp cho tòa án.

Theo đó, biên bản bàn giao thiết bị sau sửa chữa được thực hiện giữa đại diện Phòng vật tư – thiết bị y tế của bệnh viện là Trần Văn Sơn với điều dưỡng đơn nguyên thận nhân tạo Đỗ Thị Điệp vào hồi 19h ngày 28/5 (vụ tai biến xảy ra vào sáng 29/5).

Điều đáng lưu tâm là tại biên bản ghi rõ nội dung: “Căn cứ vào biên bản bàn giao thiết bị sau sửa chữa vào hồi 18h35 ngày 28/5 giữa phòng vật tư-TTBYT và công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn”.

Biên bản bàn giao thiết bị sau sửa chữa của đại diện phòng vật tư với điều dưỡng đơn nguyên chạy thận

Điều này cho thấy, trước khi bàn giao hoàn trả hệ thống RO số 2 đã sửa chữa xong cho đơn nguyên thận nhân tạo sử dụng thì đã có biên bản bàn giao của đại diện công ty CP dược phẩm Thiên Sơn (Bùi Mạnh Quốc) với đại diện phòng vật tư – thiết bị y tế Trần Văn Sơn.

Luật sư Phúc cho biết, hiện các luật sư vẫn đang thu thập thêm chứng cứ.

Theo quy định của pháp luật, căn cứ tội danh bị truy tố với các bị can, thời gian chuẩn bị xét xử trong vòng 60 ngày kể từ ngày tòa án thụ lý.

“Với vụ tai biến chạy thận tại Hoà Bình, VKSND tỉnh đã ra cáo trạng từ ngày 22/2 vừa qua.. Nếu trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, toà thấy cần thiết, có thể ra quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, người bào chữa và bị can đều chưa nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, cũng chưa được thông báo việc tòa án quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung hay không”, luật sư Phúc thông tin.

Cần xem xét trách nhiệm người đứng đầu BV

Trước đó, theo cáo trạng của VKSND tỉnh Hoà Bình, căn cứ để truy tố bị can Hoàng Công Lương (đơn nguyên thận nhân tạo - khoa Hồi sức cấp cứu, BV đa khoa tỉnh Hoà Bình) về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng do đầu giờ sáng ngày 29/5/2017, khi có mặt làm việc tại khoa, BS Lương mới chỉ nghe điều dưỡng viên Đỗ Thị Điệp thông báo cho mọi người về việc hệ thống nước RO số 2 đã sửa xong và có thể hoạt động bình thường nên đã chủ quan, không kiểm tra lại và không báo cáo trưởng khoa theo chức trách mà ra y lệnh chạy thận luôn, dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm 8 người tử vong.

Tuy nhiên nguyên nhân gây tử vong sau đó đã được cơ quan giám định kết luận là do tồn dư hoá chất trong hệ thống nước RO (các nạn nhân chết do ngộ độc Florua) và tìm thấy các hóa chất Bùi Mạnh Quốc dùng sục rửa hệ thống RO số 2 là axit clorhydric và axit flohydric -không được phép dùng trong y tế.

Hợp đồng ban đầu do BV đa khoa tỉnh Hoà Bình ký với công ty Thiên Sơn ngày 25/5/2017 với nội dung cấp vật tư sửa chữa hệ thống nước RO số 2 cho đơn nguyên chạy thận của BV.

Ngay cùng ngày, công ty Thiên Sơn lại ký hợp đồng 05/2017 với công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh do Bùi Mạnh Quốc làm giám đốc để bán và lắp đặt, thay thế vật liệu lọc RO số 2.

Trong giấy phép kinh doanh của công ty Trâm Anh có 37 ngành nghề nhưng không có ngành liên quan đến y tế. Ngành nghề chính của công ty này là thoát nước và xử lý nước thải.

Căn cứ vào chứng cứ mới nhất, người đại diện phía công ty Thiên Sơn thực hiện bàn giao thiết bị cũng chính là Bùi Mạnh Quốc (giám đốc công ty Trâm Anh).

Trước đó, khi trả lời VietNamNet, ông Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc BV đa khoa Hoà Bình cho biết: “Quốc trước đây là kỹ sư của công ty Thiên Sơn, đã làm nhiều lần với BV rồi nhưng giờ anh ấy mở công ty riêng là Trâm Anh. Khi thấy anh Quốc đến, cán bộ của tôi vẫn thấy người cũ nên tin tưởng”.

LS Trần Hồng Phúc cho rằng, trong trường hợp này, cần căn cứ quy định của luật Đấu thầu, luật Đầu tư, Quy chế bệnh viện của ngành y tế và các quy định liên quan khác để xem xét trách nhiệm người đứng đầu BV, lãnh đạo phòng vật tư, đại diện theo pháp luật của công ty Thiên Sơn trên cơ sở giao kết và triển khai thực hiện hợp đồng đã ký.

“Việc không xét nghiệm tồn dư hóa chất sau sửa chữa dẫn đến nguyên nhân tử vong là vấn đề mấu chốt nên cần xem xét trách nhiệm các bên trong việc giao kết và thực hiện hợp đồng, việc này hoàn toàn không liên quan và không thể là trách nhiệm của BS Lương”, luật sư Phúc phân tích.

Ngoài ra, phải hết sức lưu tâm đến công tác quản lý nhà nước trong việc ban hành quy trình vận hành, sử dụng, sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế vật tư của hệ thống RO chạy thận chu kỳ nhân tạo như thế nào để bảo đảm an toàn cho người bệnh khi đưa hệ thống RO vào sử dụng khi lắp đặt mới hoặc sau sửa chữa.

“Nếu đó là những 'lỗ hổng' trong công tác quản lý thì càng không thể buộc trách nhiệm đối với bác sĩ chỉ làm công tác điều trị”, luật sư Phúc nhấn mạnh.

Vụ tai biến chạy thận tại BV đa khoa tỉnh Hoà Bình xảy ra vào khoảng 8h ngày 29/5/2017 khiến 8 bệnh nhân tử vong.

Cơ quan điều tra sau đó đã khởi tố vụ án, khởi tố 3 bị can. Ngày 22/2 vừa qua, Viện KSND tỉnh Hoà Bình ra quyết định truy tố 3 bị can, trong đó BS Hoàng Công Lương, Trần Văn Sơn (cán bộ phòng vật tư của BV đa khoa tỉnh Hoà Bình) bị truy tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Bùi Mạnh Quốc, Giám đốc công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh bị truy tố tội vô ý làm chết người.

Tác giả: Thúy Hạnh

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP