Kinh tế

Vụ 'bán 600 biệt thự cũ', có căn 100 năm tuổi: Nguồn thu sẽ dùng vào việc gì?

Việc Hà Nội tiếp tục thực hiện bán 600 biệt thự cũ xây trước năm 1954 thuộc danh mục được bán, thuộc sở hữu nhà nước... nằm trong nội thành Hà Nội được dư luận đặc biệt quan tâm. Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội nói gì về chủ trương này?

Hiện Hà Nội có 600 căn biệt thự cũ nằm trong danh mục được bán, 207 căn không được bán - Ảnh: NAM TRẦN

Cụ thể, các vấn đề bảo tồn các ngôi biệt thự trăm tuổi được thực hiện như thế nào sau khi bán, số tiền thu được sau khi bán biệt thự sẽ sử dụng vào mục đích gì... được nhiều người đặt ra.

Một căn biệt thự có nhiều hộ dân ở

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Ngọc Minh - trưởng Phòng quản lý nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng Hà Nội - cho biết "không có chuyện Hà Nội bán cả biệt thự".

"Có ngôi biệt thự có 10 hộ ở, có biệt thự có 5, 6 hộ gia đình ở, được Nhà nước phân vào thuê nhà để ở từ năm 1954. Hiện một số hộ thuê tại đây đã được mua lại căn nhà trong biệt thự và được cấp giấy chứng nhận, một số hộ thì chưa được mua.

Để giải quyết dứt điểm từng biệt thự phải tiếp tục bán và chuyển sang thành sở hữu tư nhân cho các hộ gia đình, sau đó nguồn kinh phí thu lại từ việc bán các căn trong biệt thự sẽ phục vụ bảo tồn các căn biệt thự khác thuộc sở hữu nhà nước", ông nói.

Ông Minh cho biết thêm, các căn hộ trong biệt thự như các căn chung cư mini, một số căn đã bán hiện đang thuộc sở hữu tư nhân, một số căn chưa bán hiện đang thuộc sở hữu nhà nước và cho thuê. Vì vậy, hiện TP thực hiện việc tiếp tục bán các căn nhà ở kể trên quy định tại nghị định 61 và nghị định 99 của Chính phủ, chứ không phải bán cả căn biệt thự.

"Việc làm này nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng một tòa nhà nhưng lại đan xen sở hữu giữa nhà nước và tư nhân.

Trong quyết định bán nhà trong căn biệt thự đấy, Hà Nội hoạch định ra rất đầy đủ việc phần nào thuộc sở hữu chung, cái nào thuộc sở hữu riêng. Các hộ mua các căn nhà trong biệt thự được sở hữu như chung cư, chỉ sở hữu diện tích nhà, còn đất thì thuộc sở hữu chung", ông lý giải thêm.

Vấn đề bảo tồn các căn biệt thự sau bán được người dân đặc biệt quan tâm - Ảnh: NAM TRẦN

Bán theo giá nhà nước quy định, nguồn thu nộp ngân sách

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Vũ Đức Thắng - phó Phòng quản lý nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng Hà Nội - cho biết việc bán 600 biệt thự kể trên không phải thông tin mới mà đã thực hiện bán từ năm 2009 theo đề án quản lý biệt thự.

Theo đề án này, Hà Nội cho phép được bán 600 biệt thự, còn lại 207 biệt thự không được bán.

"600 biệt thự này là những cái đang bán dở từ năm 2009 đến nay, TP đã bán được khoảng 80%, hiện còn 20% và TP tiếp tục bán nốt phần còn lại chứ không phải 600 biệt thự bán mới.

Hiện nay 207 biệt thự không được bán vẫn còn nguyên, chúng tôi đang rà soát cái nào hiệu quả thì giữ lại, cái nào không hiệu quả thì chờ Chính phủ có cơ chế về đấu giá sẽ đề xuất", ông Thắng thông tin.

Về bảo tồn các căn biệt thự thuộc danh mục được bán, ông Thắng cho biết hiện UBND TP đã có 2 quyết định và 7 nghị quyết của HĐND TP, trong thời gian tới sẽ tiếp tục củng cố và ban hành thêm danh mục mới về bảo tồn các khu biệt thự kể trên.

Đặc biệt, trong giấy chứng nhận bán nhà cho người dân, Hà Nội sẽ quy định rõ căn biệt thự được bán nằm trong nhóm bảo tồn nào và thực hiện bảo tồn theo quyết định 52/2013 của UBND TP về quản lý biệt thự cũ từ trước năm 1954.

"Những căn này không bán theo giá thị trường mà theo chính sách ưu đãi của Chính phủ, bán theo chính sách hoàn giá từ ngày xưa tới giờ và bán cho người ở thuê theo nghị định 61, giống như việc thanh lý nhà tập thể ở khu Thành Công, Giảng Võ... Tuy nhiên, đây là biệt thự nên sẽ đắt hơn một chút so với khu tập thể", ông nói.

Được biết, việc quản lý, vận hành và bán 600 căn biệt thự kể trên do Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội thực hiện.

Ông Cao Đức Đại - phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội - cho biết với những hộ dân đang ở thuê tại các căn biệt thự được phép bán có hợp đồng thuê nhà, có nhu cầu mua thì công ty sẽ tiến hành làm thủ tục bán cho người dân.

"Nếu nằm trong danh mục được bán chúng tôi sẽ bán, nếu nằm trong danh mục biệt thự đan xen giữa để ở và biệt thự thuộc các tổ chức chính trị thì sẽ không được bán. Toàn bộ nguồn thu từ việc bán các biệt thự này chúng tôi nộp hết vào ngân sách nhà nước chứ không kinh doanh lời lãi gì", ông Đại nói.

Một căn biệt thự nằm trên phố Phan Đình Phùng - Ảnh: NAM TRẦN

Bảo trì biệt thự cổ theo nguyên tắc nào?

Theo quyết định 52/2013 của UBND TP về quản lý biệt thự cũ từ trước năm 1954, việc bảo trì được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo trì công trình xây dựng.

Theo đó, việc bảo trì nhà biệt thự nhóm 1 có sự thay đổi về màu sắc, vật liệu phải có ý kiến chuyên ngành của Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - kiến trúc và phải được UBND TP Hà Nội chấp thuận.

Việc bảo trì nhà biệt thự nhóm 2 có sự thay đổi về màu sắc, vật liệu phải được Sở Quy hoạch - kiến trúc chấp thuận.

Việc bảo trì nhà biệt thự nhóm 3 được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo trì công trình xây dựng.

Tác giả: PHẠM TUẤN

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP