Kinh tế

VRC: Cơ cấu tài chính của doanh nghiệp vốn nghìn tỷ, nhưng doanh thu dưới 2 tỷ đồng

Công ty cổ phần Bất động sản và Đầu tư VRC (mã cổ phiếu VRC, sàn HOSE) đang kiện toàn nhân sự tại bộ máy hội đồng quản trị. Sự thay đổi nhân sự có thể là điểm nhấn đáng chú ý cho doanh nghiệp có quy mô vốn nghìn tỷ này, nhưng tài sản cố định có giá trị khá “hạt tiêu” so với quy mô doanh nghiệp. Đồng thời, nợ ngắn hạn cũng tăng rất mạnh trong nửa đầu năm dù doanh thu giai đoạn này rất nhỏ, chỉ chưa đến 2 tỷ đồng.

Những biến động nhân sự tại VRC

Thông tin về nhân sự đáng chú ý gần đây liên quan đến VRC là việc bà Nguyễn Ngọc Quỳnh Như - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm thành viên Ủy ban kiểm toán vừa có đơn từ nhiệm cả chức vụ trên. Bà Như từ nhiệm các chức vụ đang đảm nhiệm là vì “lý do cá nhân” và thời điểm xin từ nhiệm là từ 10/10/2022.

Bà Như có trình độ thạc sỹ quản trị kinh doanh. Trước khi về với VRC, bà Như từng là thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Điện Gia Lai và nắm chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị VRC từ năm 2016 đến nay.

Trước thời điểm bà Như có đơn từ nhiệm, VRC cũng có những động thái khác liên quan đến nhân sự thành viên Hội đồng quản trị, đó là việc công ty đã hoàn tất thủ tục lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua việc bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị. Kết quả cho thấy Hội đồng quản trị đã được bầu bổ sung 2 thành viên mới là ông Nguyễn Thành Hưng và bà Trần Thị Ngọc Trang.

Lấy ý kiến hơn 2 nghìn cổ đông, chỉ có 25 cổ đông phản hồi

Kết quả lấy ý kiến cổ đông để thông qua Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông bầu bổ sung nhân sự Hội đồng quản trị cho thấy tỷ lệ phiếu tán thành đạt trên 54,24% (quá bán). Tuy nhiên tính về số cổ đông, số cổ đông gửi phiếu trả lời chỉ vẻn vẹn có 25 phiếu, mặc dù công ty gửi đi tới 2.032 phiếu ý kiến, tương đương với số lượng cổ đông của công ty tại thời điểm chốt danh sách cổ đông.

Ông Nguyễn Thành Hưng- sinh năm 1980, có trình độ cử nhân quản trị kinh doanh, thạc sỹ kinh tế và đang làm nghiên cứu sinh tiến sỹ ngành tài chính – ngân hàng. Trước khi về với VRC, ông Hưng từng làm Giám đốc tiếp thị Tập đoàn Hoa Sen (HSG) trong giai đoạn từ năm 2001 đến năm 2009 và là Tổng giám đốc Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Vạn Phát trong giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2022.

Trong khi đó, bà Trần Thị Ngọc Trang là một "tướng" trẻ có tuổi đời mới trên 30 (sinh năm 1989) và có trình độ thạc sỹ luật. Bà Trang từng kinh qua công tác tại một số công ty luật như Công ty TNHH Luật Hà Nội, Văn phòng Luật sư Trần Vũ Hải, Công ty TNHH Luật Rubies và Cộng sự, Công ty luật TNHH Herman Henrry & Dominic (Ezlaw)… Trước thời điểm đắc cử thành viên Hội đồng quản trị VRC, bà Trang đang làm thành viên Ban kiểm soát của Công ty cổ phần DH Foods.

Bất động sản là một trong những lĩnh vực kinh doanh chính của VRC. Ảnh: T.L

Và bức tranh tài chính “lệch pha”

Việc Chủ tịch Hội đồng quản trị hiện tại có nguyện vọng rời đi, trong khi công ty mới tiếp nhận 2 nhân sự mới vào Hội đồng quản trị có thể đang tạo ra một làn gió mới cho VRC, nhất là khi doanh nghiệp này vừa trải qua một thời kỳ kinh doanh với doanh thu rất nhỏ, tỏ ra khá “lệch pha” so với quy mô mà công ty đang có.

Nợ vay ngắn hạn tăng mạnh trong nửa đầu năm 2022

Doanh thu nửa đầu năm dù rất nhỏ bé, nhưng diễn biến tài chính lại cho thấy một xu hướng tăng khá nhanh của quy mô nợ ngắn hạn, từ mức chỉ khoảng 68 tỷ đồng thời điểm đầu năm lên tới 717 tỷ đồng vào giữa năm (tốc độ tăng tới 954%). Trong đó, nợ ngắn hạn tăng chủ yếu do tăng mạnh vay ngắn hạn từ 44 tỷ đồng thời điểm đầu năm lên 498 tỷ đồng vào giữa năm (tăng 1.032%) và phải trả ngắn hạn khác tăng từ 614 triệu đồng đầu năm lên 193 tỷ đồng và giữa năm (tăng 32.067%).

VRC hiện là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực đầu tư mua bán và sáp nhập doanh nghiệp, kinh doanh bất động sản và cho thuê mặt bằng. Công ty này có quy mô vốn chủ sở hữu 1.262 tỷ đồng, tổng tài sản 2.079 tỷ đồng.

Quy mô vốn và tài sản của doanh nghiệp này theo đó cũng ở mức khá lớn, nhưng tài sản chủ yếu nằm ở hàng tồn kho và một phần trong các khoản đầu tư tài chính dài hạn. Với quy mô vốn và tài sản lớn như trên, nhưng tài sản cố định có giá trị rất nhỏ, với giá trị còn lại chỉ vẻn vẹn có hơn 2,1 tỷ đồng và điều đáng chú ý tài sản cố định nằm chủ yếu ở tài sản cố định vô hình với hơn 1,4 tỷ đồng; còn tài sản cố định hữu hình chỉ còn giá trị chưa đến 700 triệu đồng.

Trong khi đó, tài sản có giá trị lớn nhất nằm ở hàng tồn kho với quy mô tài sản này tại thời điểm giữa năm 2022 là 1.247 tỷ đồng. Hàng tồn kho của công ty chủ yếu nằm ở bất động sản dở dang tại một số dự án của công ty, đó là Dự án Khu dân cư Nhơn Đức, Phước Lộc – Nhà Bè (quy mô tồn kho là 888 tỷ đồng); Dự án Khu dân cư ADC, Phú Mỹ (giá trị tồn kho 326 tỷ đồng); và một phần nhỏ trong Dự án Khu dân cư Long An A.

Nhìn vào lịch sử hàng tồn kho của công ty, thời điểm đầu năm 2022, hàng tồn kho cũng có giá trị gần xấp xỉ giá trị hàng tồn kho tại thời điểm giữa năm, và qua nửa năm 2022 trôi qua, hàng tồn kho có nhích tăng thêm chút ít, nhưng vẫn nằm ở 3 dự án nêu trên.

Trong một diễn biến khá “tĩnh” của con số hàng tồn kho, các con số kinh doanh của doanh nghiệp nửa đầu năm 2022 cho thấy việc cung ứng hàng hóa và dịch vụ tỏ ra khá khiêm tốn so với quy mô vốn của doanh nghiệp, cũng như quy mô hàng tồn kho nằm tại công ty.

Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của VRC cho thấy doanh thu thuần của doanh nghiệp nửa đầu năm 2022 chỉ ghi nhận gần 1,7 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế chỉ 77,5 triệu đồng. Theo đó, quy mô doanh thu chỉ chiếm 0,13% so với quy mô vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp; trong khi quy mô lợi nhuận sau thuế bằng 0,006% so với quy mô vốn chủ sở hữu. Trong khi doanh thu nửa đầu năm gần như không đáng kể, nhưng đây lại là giai đoạn nợ ngắn hạn của công ty tăng khá mạnh./.

Tác giả: Chí Tín

Nguồn tin: thoibaotaichinhvietnam.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP