Trong nước

Vĩnh biệt cây đại thụ ngành sử học Phan Huy Lê

Được gặp gỡ và làm việc với GS Phan Huy Lê là sự may mắn của nhiều học trò, đồng nghiệp. Ông ra đi để lại khoảng trống không thể lấp đầy với người yêu lịch sử.

GS Phan Huy Lê - một trong "tứ trụ" sử học Việt Nam - vừa qua đời chiều 23/6.

Nhiều nhà khoa học và những người yêu lịch sử đã bày tỏ sự nuối tiếc, đau xót trước sự ra đi của một người thầy, một nhân cách lớn của nền sử học nước nhà.

Bộ Quốc sử còn dang dở

Trong những năm tháng cuối đời, dù sức khỏe thất thường, chuyển biến xấu, GS Phan Huy Lê vẫn cố gắng làm việc với tập thể nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam để hoàn thành bộ Quốc sử 25 tập do ông làm tổng chủ biên.

Đây không chỉ là nhiệm vụ được giao phó, mà còn là tâm nguyện cuối cùng của ông. GS Phan Huy Lê đã ra đi khi tâm nguyện hoàn thành bộ Quốc sử vẫn còn dang dở.

Giáo sư Phan Huy Lê (giữa) trong một lần công tác ở TP.HCM vào tháng 4 vừa qua. Ảnh: Trần Trung Hiếu.

Nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng thư ký hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, chia sẻ: “Tôi đang đi công tác xa, cũng vừa nhận được tin thầy mất. Quả thực rất buồn, thầy ra đi là sự mất mát rất lớn đối với những học trò như chúng tôi và cả với nền sử học nước nhà”.

Ông Dương Trung Quốc cho hay dù không được GS Phan Huy Lê đào tạo từ đầu như nhiều người khác, ông được thầy chỉ dạy rất nhiều về nghề, cách sống, lối sống trong thời gian công tác ở Hội Sử học.

“Thầy đã đóng góp rất nhiều cho nền sử học nước nhà, không chỉ bằng kiến thức chuyên môn hay những tác phẩm để lại. Thầy còn có công đào tạo nhiều người nghiên cứu sử học, trong đó có tôi. Với tôi, GS Phan Huy Lê không chỉ là người thầy lớn, mà còn là nhân cách mẫu mực về tấm lòng yêu nước, nặng nợ với dân tộc”, ông Dương Trung Quốc nói.

Thạc sĩ Trần Trung Hiếu, giáo viên dạy Sử ở Nghệ An - một trong những người có nhiều thời gian gặp gỡ và gần gũi với GS Phan Huy Lê - tâm sự trong công việc khoa học, viết lách và các hội thảo khoa học, thầy Lê luôn tạo nên sự hấp dẫn đến lạ kỳ về phong thái lịch thiệp, cẩn trọng, chỉn chu, rõ ràng, nhẹ nhàng, sâu sắc.

Ngoài đời, thầy có lối sống bình dị, mộc mạc, khiêm nhường, luôn tôn trọng quan điểm, ý kiến góp ý, phản biện khi trò chuyện với đồng nghiệp và các thế hệ học trò.

Lần cuối cùng ông Hiếu được gặp GS Phan Huy Lê là tại hội thảo khoa học quốc gia về 40 năm cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam tháng 4 vừa qua.

“Cùng ngồi với thầy trên ôtô, sau đó là cano đi tham quan rừng Sác - Cần Giờ, tôi không ngờ đó là lần cuối cùng may mắn được gặp thầy”, ông Hiếu nói.

Người thầy lớn của nhiều nhà nghiên cứu sử học
Không chỉ là người thầy của những nhà nghiên cứu sử học Việt Nam, học trò của GS Phan Huy Lê còn đến từ nhiều nơi trên thế giới.

Giáo sư Phạm Hồng Tung - Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển (ĐH Quốc gia Hà Nội) - cho biết một số học trò quốc tế của thầy Lê đã đưa tin thầy mất từ Nhật, sang Pháp đến Mỹ. Dù xa xôi, họ sẽ đến Việt Nam để tiễn thầy đoạn đường cuối cùng.

GS Phan Huy Lê trong một lần trả lời phóng vấn báo chí. Ảnh: Quyên Quyên.

Trên trang cá nhân, GS Philippe Papin - trường Cao học Thực hành thuộc ĐH Sorbonne (Pháp) - một học trò của thầy Phan Huy Lê viết: "Với tôi, đây là tổn thất vô cùng to lớn, bởi các bạn đều biết tôi từng gắn bó với thầy biết nhường nào. GS Phan Huy Lê không những là người thầy mẫu mực, tấm gương để noi theo, mà còn là người bạn tôi yêu mến, trân trọng".

Nói về giáo sư Phan Huy Lê, GS Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước cho rằng ông là một trong những nhà nghiên cứu lịch sử xuất sắc của Việt Nam, có uy tín cao trên trường quốc tế.

Ông là một trong "tứ trụ" Lâm, Lê, Tấn, Vượng của sử học Việt Nam.

Có một điều thú vị, dù học và nghiên cứu sử học, GS Phan Huy Lê rất thích toán học, vật lý và ông cũng là con rể của GS.TSKH Phạm Thế Long, nguyên là Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam trong nhiều năm.

GS, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê (23/2/1934) là một trong những chuyên gia về lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: Khóa II (1990-1995), khóa III (1995-2000), khóa IV (2000-2005, khóa V (2005-2010) và khóa VI (2010-2015), Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học năm 2016.

Ông sinh ra tại xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh; là hậu duệ cùng họ với thượng thư, nhà ngoại giao Phan Huy Ích, nhà bác học Phan Huy Chú, thượng thư - nhà văn hóa Phan Huy Vịnh.

Cụ thân sinh là tiến sĩ Nho học Phan Huy Tùng, từng làm quan trong triều đình Huế.

Mẹ ông là người dòng họ Cao Xuân giàu truyền thống khoa bảng với các danh nhân như Cao Xuân Dục, Cao Xuân Tiếu, Cao Xuân Huy.

Tác giả: Minh Nhật

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP